05/09/2023 13:16 GMT+7

Nếu thèm một bữa cơm nhà...

Với những người rời xa quê để bám trụ lấy thành phố lập nghiệp, bữa cơm nhà nhiều khi chỉ còn nằm trong nỗi nhớ, trong ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ.

Bữa cơm thêm ngon khi cơm được xới bằng đũa cả - Ảnh: M.THƯƠNG

Bữa cơm thêm ngon khi cơm được xới bằng đũa cả - Ảnh: M.THƯƠNG

Đó cũng là lý do mà anh Tùng Lê (Hà Nội) mở quán ăn Xới Cơm - nép mình trong khu tập thể cũ phố Láng Hạ (Hà Nội). Trong không gian hoài cổ với nền đá hoa mát lạnh, tường gạch đỏ cũ kỹ, Xới Cơm nhắc nhớ mỗi người về những ngày thơ bé, về một mái nhà.

Nấu cơm kể chuyện nếp nhà

Xới Cơm được anh Tùng mở vào những ngày chống dịch. Từng làm báo, không có nhiều kiến thức kinh doanh, anh Tùng vận hành quán với một niềm tin thuần khiết rằng ai cũng mong muốn và xứng đáng được thưởng thức một bữa cơm nhà như trong ký ức. Và điểm chạm cảm xúc là từng những chi tiết rất nhỏ. Như cách mà Xới Cơm sử dụng từ cây đũa cả trở đi.

"Ở Xới Cơm có đũa cả miền Bắc, dày và đầu tròn hơn, miền Trung với tạo hình như mái chèo và miền Nam với đầu đũa dẹt. Đũa cả được sử dụng nhiều trong mâm cơm thuở trước, để đảo cơm lúc nấu, xới cơm lúc ăn. 

Khi mở quán, mình muốn bữa cơm như ký ức ngày nhỏ, thế nên phải là đôi đũa cả, để sau khi xới, được ăn 'mót' cơm còn dính trên đũa giống ngày xưa" - anh Tùng chia sẻ. Nhiều thực khách đã thốt lên thích thú, bởi phải rất lâu từ ngày xa quê mới lại thấy cây đũa cả tảo tần ngày xưa.

Những đứa trẻ bây giờ có nhiều ký ức thành thị, còn mình cũng muốn cho chúng có thêm những câu chuyện gắn với thế hệ mình. Nhiều khách đến quán không biết cách xới cơm bằng đũa cả, nhưng họ muốn trải nghiệm bữa cơm gia đình của người Việt. Quán làm tờ rơi hướng dẫn sử dụng và tặng đũa cả cho họ như một cách để giới thiệu văn hóa Việt Nam.
Tùng Lê (quán Xới Cơm)

Không chỉ là đối thoại với thực khách bằng mâm cơm, câu chuyện nếp nhà còn được anh Tùng kể với nhân viên, các bạn trẻ ở quán, bằng cách thức nấu ăn hằng ngày. 

Những ngày Hà Nội cắt điện luân phiên, cơm ở Xới Cơm được nấu bằng niêu đất. Vo gạo bằng rá (làm từ tre, nứa), sàng gạo sao cho khéo léo bỏ hết tấm và sạn, rồi mới đổ vào niêu. 

Cơm nấu thủ công, vần than để chín đều và thêm một lớp cháy vừa đủ thơm. Đó chính là cách nấu cơm mà những đứa trẻ 8x, 9x thuộc lòng trước khi biết đến nồi cơm điện như bây giờ.

Có gì trong một mâm cơm?

Xới Cơm ra đời với một mong ước đơn giản: có một bữa cơm nhà mộc mạc giữa thủ đô. Vậy nên, cách mà Xới Cơm vận hành cũng giống như cách mà bố mẹ, ông bà xưa đi chợ, nấu ăn thường nhật. Mâm cơm có đủ món rau, món đạm, món canh, đồ ăn kèm và một niêu cơm trắng. 

Mỗi ngày, thực đơn có khoảng 25 món, đều là những món ăn đơn giản như rau muống xào tỏi, đậu tẩm mỡ hành, thịt ba chỉ rang cháy cạnh, canh chua... 

Xới Cơm ra thực đơn theo ngày để đảm bảo sự đa dạng và mùa nào thức nấy.

Các món ăn thuần Việt được chế biến theo kinh nghiệm dân gian với những loại gia vị đơn giản vẫn thấy trong căn bếp của mỗi gia đình. 

"Cách chế biến có thể đơn giản, nhưng nguyên liệu phải được chọn kỹ. Chúng tôi thường tới phiên chợ sớm để lựa nguyên liệu tươi mới hằng ngày" - anh Tùng Lê chia sẻ.

Là khách quen của Xới Cơm, chị Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội) tâm sự: "Dù biết chẳng thể nào ngon như những món ăn mẹ nấu bởi mỗi đứa trẻ lớn lên đều có một khẩu vị riêng được xây nên từ công thức của gia đình, nhưng mỗi lần bước vào không gian này, tôi lại thấy như mình được bé lại, thân thuộc, ăn bữa cơm giản dị quây quần cùng với gia đình".

Các món ăn được chế biến đơn giản, không cầu kỳ nhưng chuẩn “vị mẹ nấu” - Ảnh: XỚI CƠM

Các món ăn được chế biến đơn giản, không cầu kỳ nhưng chuẩn “vị mẹ nấu” - Ảnh: XỚI CƠM

Ở đây không chỉ bán cơm

Nếu không tới Xới Cơm vào giờ ăn, vào quán, hẳn ai cũng ngờ ngợ đã gặp cái bối cảnh này ở ngày rất xa nào đó. Chiếc ti vi đời cũ đặt trên kệ gỗ, sàn nhà gạch bông mát lạnh, tường nhà bày đầy đĩa CD Làn sóng xanh. 

Đó chính là "vật phẩm ký ức" của một thế hệ chuyển giao để mỗi lần lạc vào nơi đây lại có cảm giác mắc kẹt một cách dịu dàng mà những bòng bong của cuộc sống hiện tại đôi khi khiến người ta quên đi mình từng sống một thời như thế.

"Hồi tôi học lớp 11, bố mẹ có điều kiện xây nhà mới và định dẹp bỏ những đồ đạc này đi, tôi xin giữ lại. Đến lúc mở quán, tôi lượm lặt thêm những món đồ để trang trí, để khách khi bước vào quán sẽ như sống lại tuổi thơ mình" - anh Tùng bảo. 

Mâm cơm nhà ở Xới Cơm

Mâm cơm nhà ở Xới Cơm

Khi mâm cơm được bê ra, à, thì ra đây là cách sống một ngày thơ bé. Bát cà pháo giòn rụm, đĩa lạc rang tẩm chút nước mắm ngào đường gợi những ngày nghèo đói, nhà không có gì ăn. 

Đậu tẩm mỡ hành, rau muống xào, dưa cải vừa chín tới, thịt ba chỉ rang cháy cạnh. Thực đơn ở Xới Cơm chẳng có nhiều lựa chọn nhưng lại khiến người ta nhớ, thương.

Bữa trưa ở Xới Cơm đưa tôi về những ngày còn nhỏ. Sinh ra trong nghèo khó với tôi là đặc ân góp nhặt ký ức nên người. 

Ký ức của những ngày hè chụm đầu nhặt cà pháo, đem phơi một nắng để khi muối cà giòn rụm. Mẹ sẽ bỏ nhiều muối mặn để cà lâu chua. 

Ký ức của những chiều ra vườn hái đủ thứ rau nấu canh "tập tàng": rau khoai lang, mồng tơi, bông ngót, lá hẹ, rau sam, rau muống, rau dền. Trẻ con lên tám, lên mười đã biết nhóm cơm bằng bếp củi, ngày hè nắng cháy lúi húi đóng mùn cưa...

Thế nên, trên bàn Xới Cơm là một mâm cơm thơm ngon nhiều màu sắc nhưng với những đứa trẻ như tôi, lớn lên từ mâm cơm ngày cơ cực đó, mâm cơm ấy có cả một bầu trời. Nhiều thực khách biết ơn Xới Cơm vì điều đó, biết ơn vì đã đứng vững, vì đã kiên trì, để những khi thèm bữa cơm nhà, những ngày muốn chút "la cà" về ký ức, có Xới Cơm.

Xới Cơm là một trong số 29 nhà hàng nằm trong danh sách Michelin Bib Gourmand 2023 (nhà hàng có đồ ăn ngon với giá cả phải chăng).

Trên trang web Michelin Guide, Xới Cơm được giới thiệu là "nơi có mâm cơm gia đình truyền thống xứ Kinh Bắc trong không gian ấm cúng gợi nhớ đến những ngôi nhà ở Hà Nội vào những năm 80, 90".

Sau khi lọt vào danh sách của Michelin, Xới Cơm được biết tới nhiều hơn nhưng cũng đối diện với nhiều áp lực vì lượng khách ghé thăm đôi khi vượt công suất phục vụ của tiệm ăn gia đình - với quy mô nhỏ.

Tô canh nấu chao cảm hứng từ gánh bún của bà nội đoạt giải nhất bếp chayTô canh nấu chao cảm hứng từ gánh bún của bà nội đoạt giải nhất bếp chay

Vượt qua gần 60 đầu bếp khác, anh Văn Phú Phương Dũng giành giải nhất 'Green Chef 2023' - cuộc thi dành cho các đầu bếp nấu món chay đầu tiên tại TP.HCM.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên