14/02/2023 08:05 GMT+7

Nâng chất hoạt động nuôi biển

Ngày càng nhiều doanh nghiệp đầu tư mạnh vào nuôi trồng thủy hải sản, các địa phương cũng nỗ lực thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng con giống, mở rộng vùng nuôi và thị trường, cải thiện môi trường vùng nuôi...

Các khách mời tham quan khu vực nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn thủy sản Việt - Úc - Ảnh: HỮU HẠNH

Các khách mời tham quan khu vực nuôi tôm công nghệ cao của Tập đoàn thủy sản Việt - Úc - Ảnh: HỮU HẠNH

Ông Josh Goldman, tổng giám đốc Công ty TNHH thủy sản Australis Việt Nam, cho hay trong giai đoạn 2022 - 2032, công ty này có kế hoạch tăng tổng vốn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh với hơn 1 tỉ USD, với mục tiêu đạt tổng sản lượng 40.000 tấn từ năm 2032.

Công ty cũng xây dựng thêm nhà máy chế biến, kết hợp nuôi biển với phát triển du lịch...

Cải thiện vùng nuôi, mở rộng thị trường

Dù thị xã Sông Cầu được mệnh danh là "thủ phủ tôm hùm" của tỉnh Phú Yên, nhưng theo ông Phan Trần Văn Huy - chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu, do giá trị kinh tế lớn nên người dân ngày càng lấn chiếm mặt nước đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài để cơi nới lồng, bè nuôi dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường vùng nuôi, đặc biệt là ở vịnh Xuân Đài, ngày càng nghiêm trọng.

Lớp bùn do tôm hùm thải ra và thức ăn dư thừa đọng lại ở tầng đáy dày hàng mét.

Đây cũng là lý do mà khoảng 10 năm trở lại đây, năm nào ở vùng nuôi tôm hùm Sông Cầu cũng xảy ra dịch bệnh hoặc tình trạng tảo nở hoa hút hết oxy khiến tôm hùm chết hàng loạt.

Tuy nhiên, theo ông Huy, trong năm 2023 địa phương này sẽ thử nghiệm nuôi tôm hùm ở biển hở cách bờ 1 - 2km, sử dụng lồng nuôi công nghệ HDPE của Công ty CP Tập đoàn STP (STP Group) và áp dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật nuôi biển nhằm hạn chế tình trạng ô nhiễm trước khi mở rộng mô hình này.

Trong khi đó, ông Võ Khắc Én - phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa - cho biết nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển mạnh ở Vạn Ninh, Cam Ranh, Nha Trang, Ninh Hòa.

Năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 21.320 lồng nuôi tôm hùm nhưng đến năm 2022 khoảng 63.400 lồng, sản lượng khoảng 1.500 tấn/năm. Khoảng 80% lượng tôm hùm xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, 20% còn lại tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, người dân đa phần nuôi theo kiểu truyền thống dễ gặp rủi ro khi thiên tai. Công nghệ nuôi cũng lạc hậu, chưa kiểm soát được dịch bệnh...

Muốn nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển phải tháo gỡ những nút thắt này. "Để tiêu thụ tôm hùm thương phẩm ổn định, ngành thủy sản tỉnh sẽ tập trung phát triển theo hướng đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu theo đường chính ngạch", ông Én nói.

Ông Lê Tấn Bản - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa - cũng cho rằng việc phát triển nuôi biển công nghệ cao tại địa phương này sẽ góp phần giảm thiểu dần diện tích nuôi thủy sản trong lồng bè ven bờ, hình thành và mở rộng những vùng nuôi biển xa bờ hiện đại với quy mô lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế và thích ứng với sự biến đổi khí hậu.

Tập trung sản xuất giống chất lượng cao

Ông Trần Văn Phúc - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định - cho biết diện tích nuôi trồng thủy sản của địa phương đến nay hơn 3.500ha, nhưng diện tích nuôi biển chỉ 60ha.

Cái khó trong nuôi biển của Bình Định là đầm, vịnh kín gió với độ mặn không ổn định, người dân nuôi theo cách truyền thống nên chưa vươn khơi nuôi xa. Vì vậy, Bình Định tập trung nuôi trồng thủy sản nước lợ, đặc biệt là con tôm thẻ, theo hướng công nghệ cao.

Đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ của Bình Định khoảng 2.200ha. "Bình Định đang hướng đến việc trở thành một trong những trung tâm lớn về sản xuất giống tôm và nuôi tôm thẻ chất lượng cao ở miền Trung", ông Phúc nói.

Trong thực tế, từ năm 2005, Công ty CP Việt Úc Bình Định đã được Tập đoàn thủy sản Việt Úc đầu tư xây dựng trên diện tích 8ha tại huyện Phù Mỹ để sản xuất giống tôm thẻ chất lượng cao.

Ông Chế Thanh Hưng, giám đốc Công ty CP Việt Úc Bình Định, cho biết công suất sản xuất của công ty mỗi năm là 5 tỉ con post, cung cấp cho thị trường từ tỉnh Phú Yên đến Quảng Bình, trong đó cung cấp cho Bình Định 25% nhu cầu tôm giống.

"Chúng tôi đã đầu tư công nghệ cao cho sản xuất như công nghệ làm tảo tươi, công nghệ sinh khối Artemia, đầu tư các nguồn gene có tính năng vượt trội để sản xuất ra con post đạt chất lượng cao", ông Hưng cho hay.

Công ty cũng vừa đầu tư hàng chục tỉ đồng làm hệ thống xử lý nước rất hiện đại, hoàn toàn tự động, để kiểm soát tốt chất lượng nước đầu vào.

Tôm giống do công ty này sản xuất được người nuôi phản hồi tốt, nhất là phát triển tốt trong môi trường nuôi có độ mặn thấp, lại chịu lạnh tốt, giúp sản lượng thu hoạch của người nuôi đạt cao.

Đại diện Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh tại Bình Định cho biết công suất sản xuất mỗi năm của đơn vị là 4 tỉ con tôm post, cung cấp cho thị trường từ Phú Yên đến Quảng Nam. Riêng năm 2022, chi nhánh công ty này đã sản xuất được 2,5 tỉ con tôm giống.

Thay đổi nuôi truyền thống, hướng công nghiệp

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định kiểm tra chất lượng tôm tại Công tỷ cổ phần Việt - Úc Bình Định - Ảnh: LÂM THIÊN

Ông Trần Văn Phúc - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định kiểm tra chất lượng tôm tại Công tỷ cổ phần Việt Úc Bình Định - Ảnh: LÂM THIÊN

Chiều 13-2, lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cùng đại diện báo Tuổi Trẻ và các đại biểu tham dự hội thảo "Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp", đã tham quan khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm công nghệ cao của Công ty TNHH Việt Úc Phù Mỹ (Bình Định).

Ông Nguyễn Công Cẩn - phó tổng giám đốc kỹ thuật Tập đoàn Việt Úc - cho biết sau hơn 20 năm phát triển, đến nay tập đoàn có ba trung tâm chọn giống và di truyền tôm bố mẹ, chín khu phức hợp sản xuất giống, ba khu nuôi tôm thương phẩm... trải dài từ Nam ra Bắc.

"Tập đoàn đã xây dựng nền móng vững chắc với ba trung tâm di truyền chọn giống ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Cà Mau. Đây cũng là ba trung tâm đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam được Bộ NN&PTNT chứng nhận cho phép thương mại hóa", ông Cẩn chia sẻ.

Riêng lĩnh vực tôm giống công nghệ cao, mỗi năm tập đoàn này cung cấp trên 50 tỉ con tôm giống, đồng thời đang sản xuất tôm giống công nghệ cao Vus Leader 21 và Vus Leader 1/000 với ưu điểm như tăng trưởng nhanh hơn, đề kháng mạnh hơn, thích nghi với độ mặn cực thấp...

Với khu phức hợp nuôi và sản xuất tôm công nghệ cao, ông Cẩn cho biết đơn vị đang ứng dụng công nghệ Biofloc, Synbiotic. Tỉ lệ thay nước trong một vụ không quá 300% so với quy trình thông thường (3.000%).

Chia sẻ với Tuổi Trẻ khi đoàn đi tham quan mô hình nuôi tôm công nghệ của Việt Úc Phù Mỹ, ông Lê Bền - phó chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam - cho rằng đây là mô hình nuôi tôm công nghệ cao không chỉ cho năng suất, chất lượng cao, mang về giá trị kinh tế lớn, mà còn giải quyết được những vấn đề về môi trường và những tồn tại khác mà nuôi tôm truyền thống mắc phải.

"Nuôi tôm nói riêng hay nuôi biển nói chung phải nuôi theo hướng công nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại là hướng đi cần thiết. Không thể một sớm một chiều làm ngay được nhưng phải thay đổi tư duy của người nuôi ngay từ bây giờ", ông Bền nói và cho rằng nông dân cần bỏ tư duy nuôi trồng thủy sản tự phát, nhỏ lẻ mà nên hợp lực lại với nhau để hình thành những nhóm hoặc hợp tác xã hoặc thành lập doanh nghiệp để đủ lực đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến, sản xuất với quy mô lớn, hình thành chuỗi giá trị.

D.THANH - L.THIÊN - C.TUỆ

* PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng (chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam):

Cần sớm có quy hoạch không gian biển

Theo Luật thủy sản, các dự án nuôi trồng thủy sản phải nằm trong vùng được quy hoạch cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đến nay quy hoạch không gian biển quốc gia vẫn chưa được Quốc hội phê duyệt.

Quy hoạch tại các địa phương phần lớn đều đang được xây dựng và chưa được phê duyệt, nên chưa có cơ sở để xác định rõ vùng có thể phát triển nuôi biển theo Luật thủy sản. Đây là điểm nghẽn lớn nhất cản trở việc phát triển công nghiệp nuôi biển, gây bức xúc cho cộng đồng doanh nghiệp và ngư dân.

Do đó, đề nghị Bộ TN&MT phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch không gian biển quốc gia trình Chính phủ thẩm định và Quốc hội thông qua trong năm nay. Các địa phương cũng cần chủ động trong việc tích hợp quy hoạch nuôi trồng thủy sản đã có vào quy hoạch tỉnh, trình Thủ tướng phê duyệt sớm.

CHÍ TUỆ

Bàn giải pháp gỡ điểm nghẽn cho nuôi biển

Ngày 14-2 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bình Định, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ NN&PTNT và UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo "Nghề nuôi biển: Chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp".

Tại hội thảo, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học, chuyên gia lĩnh vực thủy sản trình bày nhiều vấn đề về nghề nuôi biển, vì sao phải chuyển đổi từ truyền thống sang công nghiệp?

Sản xuất con giống nuôi biển chất lượng cao; Tháo gỡ một số điểm nghẽn để phát triển bền vững nuôi biển công nghiệp Việt Nam; Ứng dụng khoa học và phát triển, chuyển giao công nghệ hướng tới nuôi biển bền vững...

Các đại biểu cũng trao đổi về những bất cập trong quá trình nuôi trồng và xuất khẩu, từ quy hoạch của địa phương đến các rào cản kiểm soát chất lượng bất hợp lý từ các cơ quan chức năng trong nước mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó đề xuất, hiến kế các thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu, xuất khẩu, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu...

Được biết, hội thảo này là một sự kiện trong khuôn khổ Diễn đàn "Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững - Đẩy mạnh nuôi trồng" do báo Tuổi Trẻ khởi xướng từ tháng 10-2022 với sự đồng hành của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank).

PHẠM KIM

Thủy hải sản nuôi "phủ sóng"Thủy hải sản nuôi 'phủ sóng'

Nguồn thủy hải sản đánh bắt tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt và giá bán tăng cao, dẫn đến thị trường đang ngày càng ưu tiên sử dụng các chủng loại từ nuôi trồng, thậm chí nhiều sản phẩm nuôi trồng đang thắng thế gần như tuyệt đối.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên