23/05/2023 08:10 GMT+7

Mỹ chạy đua đàm phán tránh vỡ nợ

Trước cuộc gặp hôm 22-5 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, hai bên đưa ra những tín hiệu tích cực về trần nợ.

Tổng thống Biden chủ trì cuộc thảo luận về trần nợ với Chủ tịch Hạ viện McCarthy, Phó tổng thống Kamala Harris và các lãnh đạo quốc hội khác ở Nhà Trắng vào ngày 16-5 - Ảnh: REUTERS

Tổng thống Biden chủ trì cuộc thảo luận về trần nợ với Chủ tịch Hạ viện McCarthy, Phó tổng thống Kamala Harris và các lãnh đạo quốc hội khác ở Nhà Trắng vào ngày 16-5 - Ảnh: REUTERS

Theo cảnh báo từ Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, ngày 1-6 tới là thời hạn sớm nhất nước Mỹ sẽ vỡ nợ về mặt kỹ thuật. Trong phát biểu mới nhất, bà Yellen thậm chí khẳng định không thay đổi đánh giá của mình vì khó có khả năng vụ vỡ nợ này được dời lại một mốc nào đó, ví dụ 15-6.

Điểm sáng nhỏ

Điều này đồng nghĩa Đảng Dân chủ của Tổng thống Biden và Đảng Cộng hòa chỉ còn khoảng 10 ngày để đạt thỏa thuận nâng mức trần nợ, cho phép chính phủ vay thêm tiền nhằm thanh toán các khoản chi cũ.

Chính quyền Tổng thống Biden gặp sức ép từ Đảng Cộng hòa trong đàm phán nâng trần nợ. Trong giai đoạn tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Nhật Bản, ông Biden đã có cuộc nói chuyện qua điện thoại với Chủ tịch Hạ viện McCarthy để tranh thủ thời gian.

Hôm 21-5, ông Biden mô tả cuộc điện thoại trên đã "diễn ra tốt đẹp", đồng thời thông báo về cuộc gặp giữa hai bên vào ngày 22-5.

Tương tự, trả lời phóng viên tại tòa nhà Quốc hội Mỹ sau cuộc điện thoại, ông McCarthy nhận xét đã có "những thảo luận tích cực" nhằm giải quyết khủng hoảng và nói rằng đàm phán ở cấp làm việc đã được nối lại trong ngày 21-5.

Nhân viên của hai phía đã thảo luận trong khoảng hai tiếng rưỡi, nhưng chưa có thông tin chi tiết về nội dung này.

Theo Reuters, bình luận của ông McCarthy mang tính lạc quan hơn so với mức độ căng thẳng vài ngày gần nhất. Trước đó, hai bên hầu như bế tắc và công kích nhau, dẫn tới các cuộc họp bị trì hoãn. Cố vấn cấp cao của Nhà Trắng Steve Ricchetti khi rời phòng họp cũng cho hay các bên tiếp tục làm việc vào tối cuối tuần.

Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT

Dữ liệu: BẢO ANH tổng hợp - Đồ họa: T.ĐẠT

Dấu hiệu nhượng bộ

Một vụ vỡ nợ sẽ tác động nặng nề tới nền kinh tế Mỹ và khiến các nước ít nhiều bị ảnh hưởng. Thậm chí, kể cả khi tránh được vỡ nợ, việc tiến quá sát tới "hạn chót" như lúc này cũng hứa hẹn hậu quả khó lường.

Giới quan sát đang liên hệ tình trạng hiện nay với năm 2011, khi đàm phán tương tự bế tắc đến gần hạn chót cũng với một chính quyền Đảng Dân chủ và một Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát. Quốc hội Mỹ khi ấy tránh được vỡ nợ, nhưng nền kinh tế gặp cú sốc lâu dài bao gồm việc Mỹ bị hạ mức tín nhiệm và các đợt bán tháo cổ phiếu lớn.

Hai chữ "vỡ nợ" vì vậy bị xem là con tin trong đàm phán giữa hai đảng của Mỹ. Đảng Dân chủ lo rằng phe Cộng hòa muốn nước Mỹ vỡ nợ, vì điều này sẽ tác động rất tiêu cực lên nền kinh tế khi cuộc bầu cử đến gần.

Trong khi đó, Đảng Cộng hòa cũng lập luận theo hướng phe Dân chủ "không nghiêm túc" trong đàm phán, tố cáo Tổng thống Biden không đưa ra một giải pháp cụ thể nào ngoài những lời lặp đi lặp lại.

Trong khi cả hai bên đều đồng ý nâng trần nợ, điểm mấu chốt của đàm phán lần này là việc nâng trần có đi kèm với cắt giảm chi tiêu công hay không.

Theo quan điểm của Đảng Cộng hòa, phe Dân chủ hiện nay vay nợ nhiều, chi tiêu bất hợp lý và giảm thuế. Việc này khiến chính phủ nhanh cạn tiền. Phe Cộng hòa vị vậy muốn cắt giảm chi tiêu, đồng thời không muốn giảm chi tiêu quốc phòng.

Điều này đồng nghĩa người của Đảng Cộng hòa muốn cắt giảm chi tiêu ở một số lĩnh vực công trong nước như giáo dục, môi trường, y tế... Tất cả những mảng này đều được xem sẽ ảnh hưởng tới uy tín cầm quyền của ông Biden trước cuộc bầu cử.

Nhưng đã có những dấu hiệu tích cực cho đàm phán. Ông McCarthy và Đảng Cộng hòa ủng hộ cắt giảm chi tiêu tổng thể và chấp nhận rằng đàm phán nâng trần nợ sẽ không bao gồm việc cắt giảm thuế như đề xuất của cựu tổng thống Donald Trump - người đang tranh cử tổng thống 2024.

Reuters dẫn lời các nguồn thông thạo với đàm phán cho biết phía ông Biden cũng đề xuất giữ nguyên các khoản chi tiêu không thuộc mảng quốc phòng trong năm tới.

Tháng trước, Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua dự luật cắt giảm chi tiêu chính phủ 8% vào năm sau. Đảng Dân chủ cho rằng việc này sẽ buộc chính phủ giảm ít nhất 22% chi tiêu cho các chương trình cụ thể ở mảng giáo dục và thực thi pháp luật. Phía Cộng hòa không tranh luận gì về điều này.

Ông McCarthy từng nói sẽ cho các nhà lập pháp Hạ viện 72 tiếng xem xét lại một thỏa thuận trước khi trình ra để bỏ phiếu.

Từ G7, ông Biden đề nghị họp trực tuyến với ông McCarthy về trần nợ côngTừ G7, ông Biden đề nghị họp trực tuyến với ông McCarthy về trần nợ công

Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo Cộng hòa ở Hạ viện Kevin McCarthy dự kiến sẽ họp trực tuyến trong ngày 21-5 về nâng trần nợ công.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên