26/02/2023 11:53 GMT+7

Làm sao chấm dứt 'điệp khúc buồn' chó thả rông?

Nạn chó thả rông, không đeo rọ mõm "đại náo" khắp nơi từ Bắc ra Nam nhiều năm nay.

Người dân hóng mát bên bờ kênh tuyệt đẹp thì bị các chủ chó cho chó đi phóng uế - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân hóng mát bên bờ kênh tuyệt đẹp thì bị các chủ chó cho chó đi phóng uế - Ảnh: TỰ TRUNG

"Còn cách nhà vài chục mét nhưng vì thấy con chó dữ đang gầm gừ tới gần, con buộc phải đi đường vòng, xa hơn cả cây số để về" - câu chuyện này là của đứa cháu gái chỉ mới 8 tuổi kể lại với tôi, gương mặt không giấu nỗi hoảng sợ.

Nạn chó thả rông, không đeo rọ mõm "đại náo" khắp nơi từ Bắc ra Nam nhiều năm nay. Từ ngõ hẻm đến các tuyến đường lớn, từ khu dân cư đến các công viên và từ quảng trường cho đến phố đi bộ.

Tưởng chừng câu chuyện rất nhỏ, cho đến khi liên tục xảy ra vụ chó thả rông cắn người đổ máu…

Một nam sinh ở Lào Cai đang chạy thể dục trên đường thì bất ngờ bị hai con chó (giống Doberman), mỗi con nặng chừng 30kg lao vào quật ngã, cắn xé đến nỗi phải nhập viện. Sự việc đe dọa đến tính mạng con người nhưng mức xử phạt với chủ vật nuôi còn quá nhẹ, chỉ 1,5 triệu đồng.

Một du khách quốc tịch Anh cũng rơi vào khủng hoảng tâm lý khi bị con chó giống Alabai cắn "tan nát" hai cánh tay khi đến Nha Trang du lịch.

Hay đâu xa, ngay tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (TP.HCM) dù có bảng cấm chăn dắt vật nuôi song chẳng ai tỏ vẻ lo sợ thú cưng của mình bị "hốt". Điều này vô tình biến hình ảnh của Việt Nam trong mắt du khách quốc tế càng trở nên xấu xí.

Và cứ sau những sự việc đau lòng, các địa phương mới bắt đầu vào cuộc "tăng cường kiểm soát" hay vội vã lập đội chuyên trách bắt chó thả rông. Nhưng khi rà lại lịch sử, nhiều người té ngửa bởi việc bắt chó thả rông đã được ngành thú y triển khai từ cả nửa thế kỷ trước (thập niên 1970).

Từ năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quy định mới, quy trách nhiệm của địa phương (cụ thể là UBND cấp xã) phải có trách nhiệm thành lập các đội bắt chó thả rông. Tuy nhiên, trách nhiệm này không phải địa phương nào cũng biết và quyết liệt làm. Thậm chí có nơi còn cho rằng "chưa thật sự cần thiết". 

Điều này cộng thêm với ý thức yếu kém của một số người nuôi, còn tâm lý chủ quan theo kiểu "có cắn đâu mà sợ", đã tạo ra "khoảng trống" trong xử lý chó thả rông.

Trong khi chờ sự thay đổi về ý thức người nuôi chó, cách làm của Đà Nẵng cũng là hướng gợi mở cho nhiều địa phương khác. Theo đó, tổng đài dịch vụ công tiếp nhận phản ảnh "tình trạng chó thả rông" và qua kênh này, người dân biết được tiến độ xử lý của địa phương.

Với một "điệp khúc buồn" quen thuộc đến nỗi nhức nhối như thế, phải có biện pháp tăng nặng các hình thức xử phạt dành cho chủ nuôi chó thả rông. 

Thậm chí cần nghĩ đến việc xử lý hình sự đối với chủ nuôi cố tình vi phạm và tái phạm nhiều lần gây hậu quả nghiêm trọng. Nếu không, "điệp khúc buồn" sẽ khó lòng chấm dứt.

Chó thả rông không đeo rọ mõm, trách nhiệm địa phương hay cơ quan thú y?Chó thả rông không đeo rọ mõm, trách nhiệm địa phương hay cơ quan thú y?

Đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn đọc đã đặt ra trong các bài viết liên quan đến tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm mà Tuổi Trẻ đăng trong thời gian qua.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên