09/05/2023 16:39 GMT+7

Kế hoạch 'phản công mùa xuân': Ukraine đối diện nhiều thách thức lớn

Khả năng thành công của Ukraine trong cuộc phản công mùa xuân đang ngày càng được đặt dưới dấu hỏi lớn.

Kế hoạch phản công mùa xuân: Ukraine đối diện nhiều thách thức lớn - Ảnh 1.

Tổng thống Zelenksy trong ảnh chụp ngày 26-4 - Ảnh: AFP

Trong thời điểm Nga đang kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng Đức quốc xã, Ukraine cũng đang chuẩn bị cho cuộc phản công mùa xuân trong cuộc chiến tiêu hao đã kéo dài hơn 14 tháng. 

Những mục tiêu chiến lược trong cuộc phản công mùa xuân

Ngày 7-5, báo Washington Post dự đoán một trong các mục tiêu chiến lược cho Ukraine sẽ là việc cắt đứt đoạn đường bộ duy nhất nối liền lãnh thổ Nga với bán đảo Crimea. Việc chia cắt "cầu đường bộ" này sẽ làm gián đoạn tuyến đường tiếp tế cho lực lượng Nga ở vùng Zaporizhzhia, đồng thời cô lập Crimea.

Kế hoạch phản công mùa xuân: Ukraine đối diện nhiều thách thức lớn - Ảnh 2.

Một số mục tiêu chiến lược Ukraine có thể hướng đến trong cuộc phản công mùa xuân - Đồ họa: WASHINGTON POST/NGỌC ĐỨC chuyển ngữ

Thành phố Melitopol, nơi được Nga chọn làm thủ phủ của vùng Zaporizhzhia, được xem như mục tiêu lý tưởng để Ukraine thực hiện ý đồ này.

Một mục tiêu hàng đầu khác là tái chiếm các cơ sở hạ tầng quan trọng, trong đó có Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia - cơ sở điện hạt nhân lớn nhất châu Âu. Nhà máy thủy điện Kakhovka ở phía nam vùng Kherson cũng là mục tiêu cần chú ý.

Táo bạo hơn, Ukraine có thể tấn công thẳng vào Crimea bằng đường biển. Ảnh vệ tinh cho thấy phía Nga đã tính toán đến trường hợp này và cho xây dựng công sự phòng thủ dọc bờ biển.

Viễn cảnh khác cho thấy phía Ukraine có thể tấn công về phía đông qua "chảo lửa" Bakhmut hoặc thị trấn Kupiansk để làm bàn đạp giành lại vùng Luhansk.

Bao nhiêu là đủ với Mỹ và các đồng minh?

Theo báo Washington Post, các quan chức cấp cao của Ukraine lo lắng trước kỳ vọng ngày một cao từ các nước phương Tây vào cuộc phản công lần này và đang cố gắng hạ chúng xuống.

Trong phần trả lời phỏng vấn được đăng trên báo Washington Post ngày 6-5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov chia sẻ: "Thế giới đang kỳ vọng quá cao vào cuộc phản công của chúng tôi. Ai cũng mong đợi điều to lớn".

Ông Reznikov sợ điều này sẽ dẫn đến "cảm xúc thất vọng".

Những kỳ vọng cao này đến từ kết quả ngoài mong đợi của Ukraine trong cuộc phản công mùa thu năm 2022 khi họ đã tái chiếm vùng Kharkov và thành phố Kherson.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại với hơn nửa năm trước có nhiều khác biệt. Tại Kharkov khi đó, quân đội Ukraine có lợi thế bất ngờ, trong khi phía Nga đang lơ là phòng ngự. Ở Kherson, quân Ukraine có lợi thế địa lý lớn khi Nga gặp khó trong việc tiếp tế cho các đơn vị ở bờ tây sông Dnieper.

Lần này, lợi thế địa lý lại nằm trong tay Nga, yếu tố bất ngờ cũng không còn. Theo ghi nhận của báo New York Times, quân đội Nga đã hoàn thành hàng ngàn kilômet công sự phòng ngự và sẵn sàng nghênh đón cuộc tấn công quy mô lớn của đối thủ.

Các nước phương Tây đang mong chờ kết quả cụ thể của Ukraine để chứng minh việc dồn hàng tỉ USD viện trợ cho nước này không phải sự hoang phí.

Do đó, các bên ủng hộ Ukraine lo rằng nếu Kiev không cho ra kết quả như mong muốn, phương Tây sẽ suy nghĩ lại về những khoản hỗ trợ, còn Nga cũng sẽ có thêm lợi thế trên bàn đàm phán.

Tất cả đều để lại cho giới lãnh đạo Ukraine một câu hỏi: bao nhiêu mới là đủ đối với Mỹ và các nước đồng minh?

Địa lợi chưa đến, nhân cũng chưa hòa

Một trong những yếu tố quan trọng khiến cuộc phản công chưa thể bắt đầu chính là thời tiết.

Kế hoạch phản công mùa xuân: Ukraine đối diện nhiều thách thức lớn - Ảnh 4.

Bùn đất đang khiến việc vận hành pháo tự hành Panzerhaubitze được viện trợ cho quân đội Ukraine trở nên khó khăn - Ảnh: NEW YORK TIMES

Băng tuyết tan sau mùa đông kết hợp với lượng mưa xuân nhiều bất thường khiến mặt đất Ukraine trở thành thứ bùn đen, đặc và nhớp nháp. Loại bùn này chính là kẻ thù của quân đội, khi nó có thể gây kẹt pháo và cản trở di chuyển với các vũ khí tối tân nhưng dễ hỏng mà Ukraine mới nhận từ các nước phương Tây.

Trong vài tuần qua, nhiều lữ đoàn pháo binh của Ukraine đã phải kéo toàn bộ số pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 vừa nhận từ Đức ra khỏi chiến trường. Họ lo rằng nếu bị phát hiện, số pháo tự hành này sẽ phải đứng chôn chân dưới làn đạn của Nga mà không thể phản kháng.

Các tài liệu bị rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ hồi đầu năm cũng cho thấy Washington nghi ngờ khả năng Ukraine sẽ "làm nên chuyện" trong cuộc phản công mùa xuân, dựa trên đánh giá "quá trình huấn luyện và nguồn cung đạn dược không đạt chuẩn".

Bất chấp hàng tỉ USD viện trợ quân sự, Ukraine vẫn bị cho là thiếu vũ khí tầm xa. Đại tướng Richard Barrons, cựu chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, cho biết: "Khả năng kiểm soát vùng trời của Ukraine đáng lo ngại".

Phía Kiev cho rằng chính sự thiếu hụt này khiến họ không thể tiến xa hơn sau khi tái chiếm thành phố Kherson. Từ bên kia sông Dnieper, quân đội Nga có thể thường xuyên bắn phá thành phố này.

"Họ có thể thoải mái chuyển quân và củng cố. Vì họ biết chúng tôi không thể bắn tới họ", Tổng thống Ukraine Zelensky từng chia sẻ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Reznikov cũng chỉ ra lực lượng Nga "chỉ phải đưa toàn bộ cơ sở ra khỏi phạm vi 120km. Do đó, chúng tôi cần khí tài mạnh mẽ với tầm bắn 150km hoặc hơn".

Tuy nhiên, các nước phương Tây vẫn chưa muốn cho Ukraine vũ khí tầm xa vì lo rằng nước này có thể dùng chúng để đánh thẳng vào Nga.

Xe sang Porsche độ thành ‘xe chiến’ cho chỉ huy UkraineXe sang Porsche độ thành ‘xe chiến’ cho chỉ huy Ukraine

Một chiếc xe sang Porsche đã được độ thành xe quân sự phục vụ chỉ huy lữ đoàn Ukraine đang chiến đấu tại Bakhmut.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên