29/12/2003 09:45 GMT+7

Giai điệu của trúc nứa

PHẠM THU HÀ
PHẠM THU HÀ

TT - Gặp anh tại hội chợ các làng nghề truyền thống tỉnh Hà Tây (12-2003) đang say sưa biểu diễn với cây đàn khá kỳ lạ - đàn hoàn toàn làm bằng trúc nứa, phím đàn giống phím piano, hình dáng lại giống nhà rông của đồng bào dân tộc Tây nguyên.

RLU2UdVT.jpgPhóng to
Anh Sơn và cây đàn p'rông - Ảnh: Thu Hà
TT - Gặp anh tại hội chợ các làng nghề truyền thống tỉnh Hà Tây (12-2003) đang say sưa biểu diễn với cây đàn khá kỳ lạ - đàn hoàn toàn làm bằng trúc nứa, phím đàn giống phím piano, hình dáng lại giống nhà rông của đồng bào dân tộc Tây nguyên.

Đàn “piano” kỳ lạ

Chủ nhân của chiếc đàn là Trần Thái Sơn, quê làng Chuông, Thanh Oai, Hà Tây. Khi đang học khoa văn hóa quần chúng tại Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa (tiền thân của ĐH Văn hóa), anh Sơn được thầy Nguyễn Tất Tùy ở nhạc viện dạy chơi sáo trúc. Anh bắt đầu gắn bó với nhạc cụ dân tộc từ đó.

Đến nhà anh ở số 1, ngõ 3, đường Nguyễn Trãi, thị xã Hà Đông thấy la liệt các loại sáo trúc to nhỏ, đàn t’rưng từ loại to dùng để biểu diễn trên sân khấu đến loại mini dùng làm hàng lưu niệm bán cho khách nước ngoài. Nhưng Sơn bảo anh tâm đắc nhất với chiếc đàn p’rông của mình.

Đã từng có thời gian sống ở Tây nguyên nên hình ảnh nhà rông in đậm trong tâm trí Sơn. Đầu năm 2003 anh lại một mình lặn lội vào Tây nguyên tìm hiểu các nhạc cụ truyền thống của người Tây nguyên. Một lần nhìn thấy đồng bào dân tộc ở đây dùng nhạc cụ là những chiếc cặp lắc để hát điệu tra ngô với âm thanh rất hay, anh nảy ý tưởng làm một chiếc đàn kết hợp những cặp lắc lại với nhau. Về nhà Sơn mày mò nghiên cứu chế tạo đàn.

Hình dạng đàn được anh làm theo hình chiếc nhà rông có cách điệu, phần mái do một nghệ nhân nghề đan ở Chương Mỹ, Hà Tây đan. Các cặp lắc được làm từ loại trúc nứa mua ở Bắc Giang gồm 15 cặp (tương ứng với hai quãng tám). Nhận thấy khi chơi đàn phải dùng tay lắc các cặp lắc rất bất tiện, anh lại chế ra hệ thống phím đàn giống phím piano hoạt động theo nguyên lý đòn bẩy. Đến tháng 11-2002 Sơn hoàn thành cây đàn của mình và đem trưng bày ở Văn Miếu.

Cho đến nay Sơn đã làm được hai chiếc đàn p’rông và đem đi biểu diễn ở nhiều nơi. Anh còn nhờ nghệ sĩ đàn dân tộc Đồng Minh mua hộ một chiếc máy đo âm chuẩn quốc tế để kiểm tra âm thanh trên chiếc đàn của mình.

Điều đặc biệt là với chiếc đàn này, Sơn có thể chơi từ nhạc dân tộc, nhạc của đồng bào Tây nguyên đến các bài dân ca nước ngoài, cả các bài hát dành cho thiếu nhi đến các bài hát cách mạng. Dịp Giáng sinh 2003 anh Sơn được nhiều nhà thờ trong tỉnh mời đến biểu diễn bài Đêm Giáng sinh bằng chiếc đàn “piano” kỳ lạ của mình.

Người đam mê sáo trúc

Công việc hiện tại của anh Sơn là phụ trách phong trào sáo trúc ở Nhà văn hóa tỉnh Hà Tây. Tính đến nay anh đã có gần 30 năm gắn bó với cây sáo. Tốt nghiệp Trường Lý luận nghiệp vụ văn hóa, Sơn đi công tác nhiều năm ở vùng Tây Bắc, vì thế anh am hiểu các loại sáo của đồng bào dân tộc ở đây. Anh có thể làm được đủ các loại từ sáo trúc, sáo nứa, sáo Mèo... và cải tiến nhiều loại sáo như sáo ôi, sáo Mèo, pí đôi (hai chiếc sáo).

Đầu năm 2003 anh còn làm một cây sáo dài 4m cho ba nghệ sĩ nâng lên thổi trong đêm khai mạc hội diễn toàn quân tại Nhà hát lớn Hà Nội. Nhiều võ sư nổi tiếng như Đoàn Đình Long, Trần Ninh Hiệp... đã tìm đến anh để học sáo như một cách để giữ cho tinh thần luôn được thư thái.

Đến xưởng làm sáo của anh Sơn, gặp nhiều em nhỏ đang theo học. Anh mở nhiều lớp dạy sáo trúc ở Cung Thiếu nhi tỉnh Hà Tây và cả ở nhà nhưng không bao giờ lấy tiền học của các em. Anh cũng tự soạn sách nhạc, dạy các em cách khoét lỗ sáo, thổi các bài từ đơn giản đến phức tạp. Nhạc cụ dân tộc đem đến cho anh niềm vui và anh mong muốn phổ biến các nhạc cụ này trong giới trẻ.

Nhiều học sinh của anh đã đoạt giải tại các cuộc thi sáo trúc trong nước như em Bùi Công Thuyên và Bùi Công Thơm - huy chương vàng của Cung Thiếu nhi Hà Nội, em Nguyễn Xuân Chung - huy chương vàng liên hoan sáo trúc toàn quốc.

Hiện anh Sơn đang có dự định phát triển cây đàn p’rông. Anh nói: “Đàn p’rông vừa là vật trưng bày sang trọng, vừa là nhạc cụ mang tính dân tộc, nhưng vấn đề trước mắt vẫn là thuyết phục người nghe bằng chính tiếng đàn của mình”.

PHẠM THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên