24/11/2003 06:00 GMT+7

Vĩnh biệt nhạc sĩ Trần Hoàn

THU HÀ
THU HÀ

TT - Nhạc sĩ Trần Hoàn - người nổi tiếng với những tình khúc từ buổi đầu kháng chiến như Sơn nữ ca, Lời người ra đi... đến những khúc ca trữ tình đậm màu sắc dân gian thời hiện đại như Một mùa xuân nho nhỏ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Khúc hát người Hà Nội... - đã từ trần hồi 5 giờ sáng 23-11-2003 tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội.

X7gTbKhw.jpgPhóng to
Nụ cười Trần Hoàn - Ảnh: Thanh Đạm
TT - Nhạc sĩ Trần Hoàn - người nổi tiếng với những tình khúc từ buổi đầu kháng chiến như Sơn nữ ca, Lời người ra đi... đến những khúc ca trữ tình đậm màu sắc dân gian thời hiện đại như Một mùa xuân nho nhỏ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Khúc hát người Hà Nội... - đã từ trần hồi 5 giờ sáng 23-11-2003 tại Bệnh viện Hữu nghị, Hà Nội.

Nhạc sĩ Trần Hoàn - tên thật là Nguyễn Tăng Hích, còn có bút danh Hồ Thuận An - sinh năm 1928 tại huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp từ những ngày đầu, vào chiến khu và viết những ca khúc nổi tiếng như Lời người ra đi, Sơn nữ ca, Con trâu kháng chiến...

Năm 1954 kháng chiến thành công, ông trở thành giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Hải Phòng và vẫn tiếp tục sáng tác, nổi bật là tác phẩm Kể chuyện người cộng sản - hợp xướng sáu bè đã được dàn hợp xướng của Đài Tiếng nói VN dàn dựng.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ bùng nổ, Trần Hoàn lại xung phong vào chiến trường, bám trụ ở mảnh đất quê hương, chiến trường Trị Thiên máu lửa với bút danh Hồ Thuận An - tên cửa biển quê hương ông.

Trong thời gian này, với công việc của một cán bộ chính trị, ông vẫn không ngừng sáng tác, những ca khúc kịp thời phục vụ cuộc chiến đấu của quân dân trên dải đất miền Trung, và đã có những tác phẩm từ chỗ “phục vụ kịp thời” đã trở thành bất hủ như Lời ru trên nương - phổ từ bài thơ Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng me của một nhà thơ trẻ cũng quê Trị Thiên, cũng đang bám trụ ở chiến trường này: Nguyễn Khoa Điềm.

Sau 1975, Trần Hoàn trở lại Huế với một cương vị mới: trưởng ban tuyên huấn Tỉnh ủy Bình Trị Thiên, sau đó ông ra Hà Nội làm trưởng ban tuyên huấn Thành ủy Hà Nội. Quốc hội khóa IX ông được cử giữ chức bộ trưởng Bộ VH-TT. Từ 1998 đến nay ông là phó Ban Tư tưởng văn hóa trung ương.

Một điều thú vị trong sự nghiệp sáng tác của Trần Hoàn là khác với nhiều nhạc sĩ cùng lứa tuổi và cùng thế hệ, càng về sau các sáng tác của ông càng trẻ trung, càng mang hơi thở của cuộc sống hiện đại và được lớp trẻ ưa thích hơn.

Trong khoảng 20 năm cuối đời, nhiều ca khúc trữ tình của ông mang âm hưởng dân ca nhưng được viết với một bút pháp hiện đại đã được các ca sĩ trẻ lựa chọn biểu diễn trên sân khấu và đứng vững trong một thời gian dài: Một mùa xuân nho nho (phổ thơ Thanh Hải), Chào mùa xuân, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Đêm hồ Gươm, Khúc hát người Hà Nội, Lời Bác dặn trước lúc đi xa...

Ông không viết tình ca cho riêng đôi lứa nào nhưng trong các ca khúc trữ tình của ông, những đôi lứa yêu nhau tìm thấy bóng dáng của cuộc đời thường nhật mình đang sống, thấy một mặt hồ lặng sóng thân quen, một mảnh vườn quê, một rặng cây xanh đầu phố... nên họ vẫn hát bài hát của ông, Bởi vậy trong một cuộc giao lưu với sinh viên, ông đã tự nhận mình là “người viết tình ca cho quê hương”.

Được công chúng yêu mến, nhạc sĩ Trần Hoàn, với những đóng góp nghệ thuật cho hai cuộc kháng chiến và cho đời sống văn hóa của chúng ta thời hòa bình, đã được Đảng và Nhà nước trân trọng ghi nhận công lao.

Ban tang lễ cấp nhà nước đã được thành lập do đồng chí Nguyễn Khoa Điềm - ủy viên Bộ Chính trị, trưởng Ban Tư tưởng văn hóa trung ương - làm trưởng ban. Tang lễ sẽ được cử hành trọng thể ngày thứ năm, 27-11-2003.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên