29/12/2003 09:11 GMT+7

Cả "sếp" lẫn "lính" cùng đục khoét tiền tỉ của Nhà nước!

VÕ HỒNG QUỲNH - ĐẶNG ĐẠI
VÕ HỒNG QUỲNH - ĐẶNG ĐẠI

TT - Theo kế hoạch, hôm nay 29-12 Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Vương Hoàng Bạch - nguyên giám đốc Công ty Thương mại - xuất nhập khẩu Tây Ninh - cùng năm bị cáo khác nguyên là cán bộ công ty về hành vi tham ô tài sản, thiếu trách nhiệm, cố ý làm trái... với số tiền lên đến hàng tỉ đồng!

Làm trái chủ trương

Năm 1998, thực hiện chủ trương của Chính phủ cho phép một số tỉnh phía Nam được mua gỗ tiểu ngạch của Campuchia, UBND tỉnh Tây Ninh cho phép ba đơn vị (trong đó có Công ty Thương mại - xuất nhập khẩu Tây Ninh) được tổ chức thu mua gỗ, với nội dung cụ thể: “Cho phép các doanh nghiệp của tỉnh được thanh toán tiền mua gỗ trực tiếp với các tổ chức kinh tế phía Campuchia, sau khi đã hoàn thành các thủ tục mua và nhận gỗ tại cửa khẩu biên giới. Việc nhập gỗ từ Campuchia dưới mọi hình thức đều không được đưa người và phương tiện sang đất Campuchia”.

M0CbE5ze.jpgPhóng to
Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Vương Hoàng Bạch, lúc đó là giám đốc Công ty Thương mại - xuất nhập khẩu Tây Ninh, tổ thu mua gỗ gồm bảy nhân viên đi vào hoạt động. Lúc đầu chỉ làm dịch vụ hưởng hoa hồng theo đầu mét khối, nhưng sau đó Võ Thanh Vũ (ngụ tại phường An Nghiệp, Cần Thơ), là bà con với Bạch, đặt vấn đề hợp tác mua bán gỗ với công ty.

Hai bên thỏa thuận Vũ sẽ làm tư vấn kỹ thuật, chịu trách nhiệm về việc xem xét, đo đạc, định giá gỗ bảo đảm khi bán có lãi, đồng thời Vũ đặt cọc 500 triệu đồng, nếu kinh doanh bị lỗ sẽ trừ vào khoản tiền đó. Công ty cử người giám sát đo đạc, chi trả tiền cho phía Campuchia và làm thủ tục xuất nhập gỗ.

Thay vì thực hiện ở trong nước theo qui định, Bạch cử Lương Công Hiệp (lúc đó là trưởng phòng kinh doanh phụ trách tổ thu mua gỗ) sang Campuchia tìm đối tác mua bán gỗ. Tiếp đó, Bạch chỉ đạo “ưu tiên” cho phía khách hàng Campuchia ứng tiền trước khi mua gỗ. Cao Xuân Tươi (nguyên thủ quĩ tổ) theo lệnh của “cấp trên” đã ứng tiền nhiều lần lên đến 68.211 USD.

Phía khách hàng Campuchia đã bán cho công ty 937,860m3 gỗ các loại trị giá 101.285 USD và hai bên đã thanh toán xong. Tuy nhiên, trong lô hàng mua ngày 10-7-1998 trị giá 33.074 USD, Hiệp kê “khống” lên thành 33.445 USD, chênh lệch 371 USD; lô gỗ mua hai ngày sau đó thực tế chỉ có 235,936m3 nhưng vào sổ sách “đội” lên gần gấp đôi 413,311m3! Hiệp còn kê chi hoa hồng 4.685 USD.

Như vậy, hai lô gỗ trị giá hơn 101.000 USD đã được các bị can tính thành gần 122.000 USD. Chưa dừng lại, theo chỉ đạo của Bạch và Hiệp, Tươi còn chi cho phía khách hàng Campuchia hai lần tiền, một lần 20.000 USD và một lần 2.000 USD, nâng số tiền ứng trước lên 30.473 USD và 50 triệu đồng, dù phía khách hàng vẫn chưa giao được một xe gỗ nào cho công ty. Tháng 8-1998, Chính phủ yêu cầu ngưng việc nhập gỗ tiểu ngạch Campuchia, “bộ sậu” Công ty Thương mại - xuất nhập khẩu Tây Ninh do Vương Hoàng Bạch làm giám đốc đã không thu hồi được toàn bộ số tiền ứng trước nói trên.

“Sếp” lẫn “lính” cùng đục khoét tiền Nhà nước

Trong quá trình kinh doanh mua bán mè, Công ty Quốc Khởi (Trung Quốc) nợ Công ty Thương mại - xuất nhập khẩu Tây Ninh hơn 110 triệu đồng. Số tiền này đã được nhân viên công ty là Trần Quốc Dũng thu hồi và báo cho “sếp” Bạch biết. Bạch liền chỉ đạo Dũng chuyển ngay về TP.HCM cho Bạch, sau đó Bạch đã “chi phí cho cá nhân và mua... vé số” hết.

Làm ăn với đối tác nước ngoài thì Bạch “ưu tiên” cho ứng tiền trước để rồi mất tiền mà chẳng thu được gỗ; ở công ty, Bạch cũng chỉ đạo cho các nhân viên dưới quyền ứng tiền của Nhà nước rồi đưa cho Bạch chi xài một cách vô tội vạ. Tháng 11-1998, Hiệp lệnh cho Tươi ứng 50 triệu đồng để đưa cho Trình Thiên Lập (nguyên phó phòng kinh doanh công ty) chuyển cho Bạch. Bạch đã nhận tiền nhưng khi Lập đến đòi tiền thì Bạch... không nhớ!

Lưu Kim Phượng, nhân viên hành chính của công ty, cũng không ít lần được “sếp” Bạch lệnh ứng tiền để đi công tác, với số tiền lên đến 288,4 triệu đồng. Thế nhưng, sau đó “sếp” chỉ thanh toán được hơn 135 triệu, hơn nửa số tiền còn lại “bốc hơi”... Tổng cộng Bạch tạm ứng tiền chi xài cá nhân trên 251 triệu đồng.

Tháng 6-2001, trong khi vụ thu mua hạt điều sắp kết thúc, số lượng thu mua giảm dần, bộ phận thu mua hạt điều ở Campuchia đã được chỉ đạo ngưng thu mua, nhưng giám đốc Vương Hoàng Bạch vẫn yêu cầu phòng kế toán chi ứng 2,5 tỉ để “sang Campuchia mua 400 tấn hạt điều phục vụ sản xuất”. Thực tế Bạch chỉ chi 200 triệu đồng để trả nợ khách hàng và chi công tác phí, còn lại 2,35 tỉ đồng Bạch chi xài, không hề có chuyện mang tiền sang Campuchia mua hạt điều. Đến khi được yêu cầu, Bạch mới lần lượt (từ tháng 6-2001 đến tháng 4-2002) hoàn trả đủ tiền tạm ứng (2,35 tỉ đồng). Việc sử dụng trái phép số tiền nêu trên đã gây thiệt hại cho công ty hơn 98 triệu đồng.

Không chịu thua giám đốc, trong phi vụ thu mua gỗ, trưởng phòng kinh doanh Lương Công Hiệp là người đã trực tiếp kê khống nâng giá cao hơn thực tế và kê khống tiền chi hoa hồng cho phía khách hàng Campuchia để “bỏ túi” riêng hơn 5.000 USD. Ngoài ra, Hiệp còn chỉ đạo cho Lập làm giấy tạm ứng của công ty 60 triệu đồng nhằm “bổ sung nguồn vốn hoạt động của chi nhánh” lúc này Hiệp kiêm giám đốc chi nhánh ở Bình Phước), nhưng cuối cùng tiền cũng chảy vào túi riêng của Hiệp.

Còn Trình Thiên Lập với tư cách là nhân viên giám sát việc đo đạc, biết được có một khoản gỗ chênh lệch lớn hơn số lượng đã mua của khách hàng Campuchia, kể cả chênh lệch trả tiền mua gỗ nhưng đã... im lặng lập lại hồ sơ, điều chỉnh lại giá gỗ cho khớp với khối lượng gỗ thực nhập. Cùng với thủ quĩ Cao Xuân Tươi, bị can Lập đã rút từ quĩ công ty hơn 388,5 triệu đồng chia nhau.

Trong phi vụ mua hạt điều và mè vàng với một công ty ở Campuchia, Lý Văn Cửu - nguyên trưởng phòng kế toán - đã “hợp tác” với nguyên phó phòng kế toán Vũ Văn Thiêm cũng đã học “kinh nghiệm đục khoét” bằng cách lập hai phụ kiện hợp đồng trên giấy khống chỉ của phía đối tác, nâng giá mua hàng hóa cao hơn giá đã mua, chiếm đoạt của công ty hơn 224,3 triệu đồng chia nhau.

Trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ trước ngày đưa các bị cáo ra xét xử, phó chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh Thành Hoàng Dũng cho biết đây là một vụ án đục khoét tài sản của Nhà nước rất nghiêm trọng, với thủ đoạn tinh vi. Qua đó cũng cho thấy một bài học không thể coi nhẹ là tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh trong cơ chế thị trường.

VÕ HỒNG QUỲNH - ĐẶNG ĐẠI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên