21/10/2003 07:15 GMT+7

Giặm vá đường sá "tiền mất tật mang"

TỰ TRUNG
TỰ TRUNG

TT (TP.HCM) - Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố hiện đang xuống cấp với nhiều hầm hố, loang lổ khắp mặt đường... Khi người dân than phiền thì đường được giặm vá, nhưng chỉ một thời gian sau đó “bệnh cũ lại tái phát”...

rnw8nuHP.jpgPhóng to
Đường Phạm Văn Bạch hư hỏng, hố voi tràn khắp mặt đường
TT (TP.HCM) - Nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố hiện đang xuống cấp với nhiều hầm hố, loang lổ khắp mặt đường... Khi người dân than phiền thì đường được giặm vá, nhưng chỉ một thời gian sau đó “bệnh cũ lại tái phát”...

Quốc lộ 10km/g?

Tuyến đường quốc lộ 50 bắt đầu từ TP.HCM nối với Long An trong đó đi ngang qua địa bàn thành phố khoảng 15km. Thế nhưng có khoảng 6km nằm trong khu vực nội thành đã xuống cấp rất nặng. Năm nào Khu quản lý đường bộ 7 cũng đổ đá giặm vá tuyến đường này.

Tuy nhiên, khi công nhân vừa rút đi là tuyến đường xuống cấp y như cũ. “Đây là năm thứ tư, đường quốc lộ 50 vẫn chỉ là giặm vá tạm bợ, được vài ngày hố voi lại xuất hiện, lề đường bị sạt lở càng nghiêm trọng hơn” - một người dân xã Phong Phú (Bình Chánh) bức xúc.

Việc giặm vá chỉ đổ đá sơ sài sau đó xe tải lớn vận chuyển hàng hóa từ thành phố về Long An và ngược lại làm đá văng tung tóe. Dọc theo tuyến đường không có hệ thống thoát nước, nên nước tù đọng lâu ngày xanh rêu từ trên đường xuống dưới lề.

Phía trước Trường tiểu học Bình Hưng 2 (Bình Chánh), những hố voi lớn nằm giữa đường. Mỗi lần học sinh đi học bằng xe đạp phải né tránh hố voi lấn ra giữa đường rất nguy hiểm. Chính vì vậy, tại khu vực này thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông. Hầu như ngày nào trên tuyến 6km nằm trên địa bàn hai xã Bình Hưng và Phong Phú đều có xảy ra tai nạn do sụp hố.

Thay vì đầu tư sửa chữa toàn bộ tuyến đường, Khu quản lý đường bộ 7 lại đặt hai biển báo hiệu giao thông ở đường quốc lộ này: “Đường xấu, tốc độ tối đa 10km/g”.

Ông Trần Quang Phượng - phó giám đốc Sở Giao thông công chánh TP.HCM - cũng nhìn nhận: “Tuyến đường này quá xấu nhưng lại có vài km nằm trong nội ô thành phố lưu lượng xe cộ qua lại rất lớn. Từ nhiều năm thành phố muốn sửa chữa nhưng vẫn không thể thực hiện được vì đó là đường quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải quản lý. Vừa qua Sở GTCC TP.HCM đã có công văn đề nghị Bộ GTVT giao lại khoảng 3km từ đường Nguyễn Văn Linh (Bình Chánh) đến cầu Nhị Thiên Đường (Q.8) cho thành phố quản lý để dễ dàng tu bổ sửa chữa. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có hồi âm”.

Đường xuống cấp: “bệnh kinh niên”

Chỉ một lần lưu thông qua tuyến đường Phạm Văn Bạch, P.15, quận Tân Bình nối với quận Gò Vấp cũng đủ ngán ngẩm. Tuyến đường dài chỉ khoảng 4-5km, mặt đường trồi sụt, hầm hố nước đọng thành những vũng lớn biến thành ao. Nhiều xe máy muốn vượt hết đoạn bị xuống cấp phải mất gần 30 phút. Còn xe tải, xe con thì phải nhích từng mét, bò qua từng hố voi lớn.

Có nhiều đoạn mặt đường bị lún sâu khoảng 0,5m chiếm toàn bộ mặt đường, mỗi khi xe tải đi ngang qua là toàn bộ thân xe nghiêng như muốn lật.

Còn tuyến đường Chế Lan Viên (Tân Bình) thì toàn bộ ôtô bốn bánh hầu như không thể vượt qua được. Chỉ có xe tải lớn gầm cao, xe gắn máy phải chạy hình chữ S mới vượt qua những hố voi lớn sâu gần 1m.

Nhiều đoạn xe gắn máy phải dẫn bộ do lầy lội. Suốt tuyến đường dài khoảng 500m nhưng đã từ nhiều năm nay chưa được đầu tư sửa chữa. Vả lại, vào ban đêm tuyến đường này không thể lưu thông vì không có đèn đường.

Tuyến đường Lê Trọng Tấn (Tân Bình - Bình Chánh) từ đầu đường Tân Kỳ - Tân Quí đến ngã ba Khu công nghiệp Tân Bình vừa được giặm vá, duy tu sửa chữa đã xuống cấp rất nghiêm trọng, toàn bộ tuyến đường nước tù đọng, xe cộ qua lại rất khó khăn.

Nhiều đoạn đường vừa được giặm vá bằng cách đổ đá và sỏi đỏ gặp những cơn mưa vừa qua trở nên trơn trượt, người điều khiển xe lưu thông bị té liên tục, quần áo lấm lem.

Một cán bộ Khu quản lý giao thông đô thị TP.HCM cũng thừa nhận tình trạng duy tu sửa chữa ở nhiều tuyến đường xuống cấp là rất khó khăn, vừa thực hiện xong thì do xe cộ qua lại nhiều, đường tiếp tục ngập nước và phá hỏng kết cấu mặt đường.

Chẳng hạn như đường An Dương Vương, Khu quản lý giao thông đô thị đã yêu cầu đơn vị thi công ngoài việc đổ đá 4x6cm, chèn sỏi đỏ cho nền đường chắc chắn, còn trải thêm một lớp đá mi để đường sá không bị trơn trượt.

Ông Nguyễn Xuân Bảng, trưởng phòng quản lý giao thông Sở GTCC TP.HCM, cho biết: “Hầu hết các tuyến đường đều được duy tu nhưng sau đó lại xuống cấp như cũ. Nguyên nhân do lượng xe tải nặng lưu thông liên tục nên những đoạn giặm vá bằng cách đổ đá chèn sỏi không thể chịu đựng được.

Hiện nay chúng tôi đang tiến hành lập danh mục trên 20 tuyến đường xuống cấp không thể duy tu sửa chữa nhỏ để thực hiện trung tu trong năm 2004. Thay vì chỉ đổ đá và trải nhựa, các tuyến đường này sẽ được cào lớp mặt nền đường, đổ đá, tráng nhựa, và hệ thống thoát nước vỉa hè cũng được đầu tư đồng bộ tránh ngập nước gây hư hỏng mặt đường”.

Theo thống kê hằng năm, kinh phí duy tu bảo dưỡng đường sá cũng lên đến cả chục tỉ đồng. Thế nhưng, mặt đường vẫn bong tróc do không được xử lý kỹ thuật triệt để, tiếp tục gây lãng phí lớn.

TỰ TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên