30/12/2003 10:06 GMT+7

"Di căn" kinh tế thế giới 2003

MAI KIM ĐỈNH (chuyên viên kinh tế - Anh quốc)
MAI KIM ĐỈNH (chuyên viên kinh tế - Anh quốc)

TT - Nhìn lại năm qua, người ta thấy kinh tế thế giới (KTTG) bị tác động bởi năm sự kiện cơ bản sau:

FaNkO07U.jpgPhóng to
Công đoàn Amicus kêu gọi sinh viên Anh tẩy chay ngân hàng, công ty đẩy việc ra nước ngoài
TT - Nhìn lại năm qua, người ta thấy kinh tế thế giới (KTTG) bị tác động bởi năm sự kiện cơ bản sau:

1. Học thuyết quân sự đơn phương của Washington đã vô hiệu hóa Hội đồng Bảo an và Liên Hiệp Quốc (LHQ), chẳng đếm xỉa đến đồng minh truyền thống khi tuyên chiến với Iraq. Kết quả Mỹ gánh trọn kinh phí chiến tranh ước tính 150 tỉ USD so với 7 tỉ năm 1991 (nhờ Saudi Arabia, Kuwait, các nước Ả Rập vùng Vịnh, Nhật và Tây Âu chia sẻ).

2. Hội nghị Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ở Cancun (Mexico) tháng chín không thành công, sau đó Robert Zoellick - trưởng đại diện thương mại Mỹ - tiến hành kế hoạch hình thành Khu mậu dịch tự do toàn Mỹ (FTAA) gồm các nước từ bang Florida đến cực nam châu Mỹ Latin.

Tuy nhiên, hội nghị FTAA vào trung tuần tháng mười một qua tại Miami không đạt kết quả do Brazil chống đối. Nhằm để vớt vát, ngày 17-12 Washington cùng bốn nước Trung Mỹ thỏa thuận lập “khu mậu dịch tự do thu hẹp”. Hội nghị trung tuần tháng mười hai của Hội đồng trung ương WTO nhằm khai thông bế tắc sau Cancun cũng không thành công.

Uy tín của WTO càng bị thách thức trước phong trào thi đua xây dựng khu thương mại song phương, đa phương hay khu vực, làm méo mó nền thương mại tự do hóa. Về danh nghĩa các khu vực này nhằm hạ thấp hay tháo gỡ hàng rào thuế quan, loại trừ bao cấp. Thực chất chúng không thể cạnh tranh hiệu quả với các nước ngoài khuôn khổ vốn vẫn duy trì bao cấp, trợ giá xuất khẩu.

3. Bất đồng quan điểm không còn che đậy giữa LHQ và các định chế quốc tế - Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB) - bao lâu nay được coi là “sân sau” của nhóm nước quyền lực. IMF - WB - WTO luôn giương cao ngọn cờ “toàn cầu hóa” kèm khẩu hiệu nhân đạo “xóa đói giảm nghèo”. Tuy nhiên, ngày 10-10, nghiên cứu mang tên “UN Habitat” của LHQ nghiêm khắc phê phán tình trạng đói nghèo đã không giảm mà tăng gấp hai, với gần 1 tỉ người tiếp tục sống trong các ổ chuột nhớp nhúa (hơn 550 triệu người ở châu Á). LHQ tấn công chính sách thương mại toàn cầu hóa mang lợi ích cho các nhà doanh nghiệp thành phố, trong khi người nghèo ở các nước kém phát triển bị đẩy khỏi cơ chế.

Ngay sau thất bại của WTO ở Cancun, Hội đồng Thương mại & phát triển LHQ (UNCTAD) cảnh giác Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chỉ quan tâm đến yêu cầu xóa bỏ hàng rào thương mại, thay vì hợp tác thúc đẩy kinh tế toàn cầu. UNCTAD cáo buộc luận điểm sai lầm khi cho rằng các nước kém phát triển đủ năng lực xuất khẩu cùng mặt hàng với nhóm giàu. Thực tế, nhóm nước nghèo chỉ có lao động không chuyên rẻ tiền; trong khi các nước giàu nắm trong tay thị trường và công nghệ. UNCTAD không ngần ngại kết luận: “Tự do thương mại cho tất cả chỉ mang lại tai họa đối với mọi người”.

4. Mỹ và EU luôn chủ trương thương mại toàn cầu hóa phải đi đôi giải phóng thị trường dịch vụ, lao động... Tuy nhiên, trước thực trạng các công ty Mỹ và Tây Âu theo đuổi mục tiêu giảm chi phí, liên tục “xuất khẩu” công ăn việc làm từ chính quốc sang một số nước châu Á có nguồn nhân lực vừa rẻ tiền vừa có trình độ chuyên môn cao, thông thạo tiếng Anh như Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Trung Quốc (TQ)... thì không chỉ Chính phủ Mỹ, EU mà cả hệ thống nghiệp đoàn cũng phải tìm mọi biện pháp hạn chế xu hướng này.

Các nhà làm luật của một số bang thúc ép Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm các công ty hưởng kinh phí ngân sách liên bang lại thuê mượn công nhân bên ngoài. Hội thảo tại Đại học Connecticut không ngần ngại kêu gọi đình chỉ mọi hình thức chuyển công việc ra nước ngoài. Cuối năm 2003, công đoàn Amicus kêu gọi sinh viên Anh tẩy chay ngân hàng/công ty đẩy việc ra nước ngoài.

5. Chưa bao giờ KTTG lại lạc lõng, cá biệt như hiện nay. Mỹ không còn là cỗ xe thúc đẩy tăng trưởng giữa lúc các trung tâm kinh tế khác chưa đủ tầm cỡ. Lehman Brothers phát tín hiệu bi quan về viễn cảnh kinh tế Mỹ sụp đổ qua các dấu chỉ: từ vai trò cung ứng tín dụng đầu thập niên 1990 chuyển thành con nợ, dẫn đến thâm thủng cân thanh toán vãng lai. Nợ nước ngoài từ 25% GDP (2002) tăng lên 40% (4.000 tỉ USD) trong 12 tháng. Trong thập niên 1990, đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) của Mỹ chiếm tỉ trọng 49% tổng kim ngạch và tiếp nhận 14% FDI toàn cầu. Năm 2002, tỉ lệ đối ứng là 22% và 19%.

Cơ cấu lợi nhuận doanh nghiệp Mỹ biến chuyển sâu sắc: 25% lợi tức công ty đa quốc gia Mỹ sản sinh từ nội địa. Năm 2001, 25% lợi tức là do tạo lập từ bên ngoài. Trọng lượng kinh tế Mỹ và Canada chỉ bằng 34% GDP toàn cầu so với 30% của EU và 20% Đông Bắc Á (Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong). FDI của Mỹ rót vào ASEAN từ 75% giảm xuống còn 10% thập niên 1990.

Những thách thức cho EU và Trung Quốc

cqATwQ8A.jpgPhóng to
Biểu tình chống toàn cầu hóa tại Hội nghị WTO ở Cancun 9-2003
Giữa lúc kinh tế Mỹ đi xuống, khu vực 12 nước sử dụng đồng euro tăng trưởng 0,6% năm 2003 và dự kiến chưa đến 2% năm sau. Đến tháng 5-2004, thêm 10 nước Đông Âu gia nhập EU. Tuy nhiên, đến nay EU vẫn chưa thỏa thuận được hiến pháp mới trong khi Đức và Pháp đã không tuân thủ thỏa ước về tăng trưởng ổn định liên quan định mức thiếu hụt ngân sách không quá 3% GDP.

Ngoài ra, đồng euro bị đẩy giá quá đà, năng suất lao động thấp so với Mỹ, chưa có giải pháp chung về chính sách bao cấp nông nghiệp (CAP) đặt ra không ít thách thức đối với EU năm 2004.Dẫu tiếp tục tăng trưởng ổn định năm 2003, kinh tế TQ đang có dấu hiệu nóng lên. Thị trường Mỹ thiếu hấp dẫn khi USD liên tục trượt giá, TQ trở thành chỗ dựa kinh tế các nước châu Á.

Yêu cầu mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm mới dẫn đến cân thanh toán vãng lai của TQ từ thặng dư 35,4 tỉ USD giảm còn 11,4 tỉ (2003) và dự kiến chỉ còn 6,7 tỉ năm 2004. FDI tiếp tục đổ vào TQ 65 tỉ USD, chỉ sau Mỹ (153 tỉ); trong khi TQ vẫn chưa khai thông ba thách thức:

Một là hạn chế tài nguyên, nhất là dầu khí và than đá, dẫn đến thiếu hụt điện trầm trọng ở các khu vực sản xuất. Giá thành sản xuất tăng do phí vận chuyển cao, đẩy chỉ số tiêu dùng tháng mười một tăng 3%, cao nhất trong 12 tháng.

Hai là nợ khó đòi chưa xử lý, chỉ riêng bốn ngân hàng lớn nhất TQ lên đến 2.000 tỉ nhân dân tệ (240 tỉ USD) = 23% trị giá tài sản. Bắc Kinh vừa quyết định thành lập ban tư vấn, gồm cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh quốc Edward George, chủ tịch Cục Dịch vụ tài chính Anh quốc Howard Davies, tổng giám đốc Ngân hàng Thanh toán quốc tế Andrew Crockett... nhằm mục tiêu hoàn thiện hệ thống ngân hàng. Do ngân hàng yếu kém, Bắc Kinh chưa thể xem xét điều chỉnh tỉ giá giữa NDT và USD.

Ba là tỉ giá hiện hành 1 USD = 8,28 NDT đang là đích tấn công của Washington. Chừng nào chế độ tỉ giá chưa giải quyết thỏa đáng, quan hệ thương mại giữa TQ với Mỹ, EU còn tiếp tục lấn cấn.

Tóm lại, toàn cảnh KTTG 2003 chịu tác động bởi năm yếu tố chưa được giải quyết rốt ráo. Bước sang năm 2004, KTTG đòi hỏi thiết chế mới làm sao vừa đảm bảo quyền lợi các nước đang phát triển, vừa cải thiện đời sống của hơn 1 tỉ người hiện mỗi đêm phải lên giường với bao tử lép kẹp vì thiếu ăn.

MAI KIM ĐỈNH (chuyên viên kinh tế - Anh quốc)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên