17/11/2003 16:20 GMT+7

"Tôi hy vọng những âm thanh mới của giao hưởng Việt Nam"

Theo LĐ
Theo LĐ

Graham Sutcliffe có một khuôn mặt đẹp kiểu trí tuệ, và một phong cách lịch sự vừa đủ để tạo cho người đối thoại thôi thúc muốn khám phá chiều sâu con người này. Nhưng trước hết, ông có một quan niệm rõ ràng về nhạc giao hưởng và không ngần ngại nói lên những ý kiến thẳng thắn về nhạc giao hưởng VN.

QkIYamSG.jpgPhóng to

Graham Sutcliffe

Graham Sutcliffe có một khuôn mặt đẹp kiểu trí tuệ, và một phong cách lịch sự vừa đủ để tạo cho người đối thoại thôi thúc muốn khám phá chiều sâu con người này. Nhưng trước hết, ông có một quan niệm rõ ràng về nhạc giao hưởng và không ngần ngại nói lên những ý kiến thẳng thắn về nhạc giao hưởng VN.

* Nhạc giao hưởng là dòng nhạc hàn lâm, kén khán giả và dường như không dành cho số đông giới trẻ. Trong xu hướng phát triển mạnh mẽ của thế giới hiện nay, không lẽ nhạc giao hưởng vẫn luôn yên tâm với vị thế riêng của mình, mà không tìm thêm những hướng đi mới để thu hút đông đảo công chúng hơn?

- Nhạc giao hưởng có nhiều dòng: Nhạc cổ điển, tiền cổ điển, đương đại... Chưa ai định nghĩa rõ nhạc giao hưởng đương đại là gì, mà chỉ tạm hình dung đó là nhạc của những tác giả đang sống. Giao hưởng đương đại đề cao những thể nghiệm, khám phá mới về âm thanh như kết hợp trompeth với ca sĩ, phối hợp trompeth với hautbois...

Giới trẻ ở Châu Âu (từ 20-30 tuổi) sẽ thích nhạc giao hưởng khi nó tự do hơn về cấu trúc, nội dung (sự phá cách gần với nhạc jazz). Nhiều nhạc sĩ lớn ở Châu Âu đã đưa hát vào giao hưởng, khi đó giọng của ca sĩ được coi như một nhạc cụ; và còn nhiều thể nghiệm khác nữa để hấp dẫn công chúng.

* Nhạc giao hưởng xuất phát từ Châu Âu, vậy khi các dàn nhạc Châu Á biểu diễn, hẳn cách tiếp cận và cảm xúc thể hiện sẽ rất khác nhau. Vậy tính bản địa hoá ở đây nên hiểu như thế nào? Trong các cuộc thi Concourt, giám khảo sẽ chú trọng tới những yếu tố gì khi chấm điểm?

- Trong quan niệm của tôi: Nhạc giao hưởng là của thế giới. Nhưng người Châu Á có thể không hiểu nhạc giao hưởng bằng người Châu Âu vì Châu Á có 5 âm, Châu Âu có 8 âm. Vì thế, dù là dàn nhạc giao hưởng của Trung Quốc, Malaysia hay VN thì nhạc sĩ cũng phải có căn bản âm nhạc của dân tộc mình.

Khi chấm thi Concourt, đương nhiên giám khảo chấm đầu tiên là kỹ thuật, tiếp sau phải là phong cách biểu diễn, phải có nét riêng biệt. Ví như sự khác nhau về cao độ, sự "cân bằng" giữa các nhạc cụ như thế nào, và cả sự tương phản nữa... thuộc về quyền của người chỉ huy. Vì thế, ở đây chỉ huy dàn nhạc sẽ quyết định điều đó theo ý tưởng của anh ta.

* Ông giải thích như thế nào về hiện tượng một số nghệ sĩ nổi tiếng VN ra nước ngoài để tiếp tục thể hiện tài năng như Tôn Nữ Nguyệt Minh, Đặng Thái Sơn, phải chăng vì nhạc giao hưởng xuất phát từ Châu Âu nên không gì hơn là trở về cội nguồn của nó?

- Tôi khó mà giải thích rõ chuyện này, nhưng có thể là họ muốn thể nghiệm. Dù nhiều nhạc công VN được đào tạo tốt từ một số nhạc viện danh tiếng trên thế giới, nhưng trình độ biểu diễn ở dàn nhạc giao hưởng ở đây không thể so với những dàn nhạc lớn ở Châu Âu.

Bên đó, các nhạc công kiếm đủ tiền để sống và nuôi cả gia đình. Như ở Anh, một nghệ sĩ có thể kiếm được 2000USD/tháng, còn ở VN thì nhạc công hưởng lương có 400.000VND/tháng, quá thấp! Nhưng các buổi diễn thêm thì có tiền, may mắn một tháng có thêm 2 chương trình thì nhạc công có thể kiếm được 1 triệu/tháng - cũng gọi là tạm đủ sống!

Tốt nghiệp ĐH Birmingham (Anh) khoa Ngoại ngữ và Âm nhạc, Graham Sutcliffe đến VN năm 1990 như một khách du lịch. Và đất nước với những con người thân thiện này đã giữ chân Graham bằng một sức hút làm ông không thể cưỡng lại được. Graham trở thành giáo viên dạy tiếng Anh ở các trung tâm tại TPHCM. "Ban đầu, tôi không thể nghĩ mình sẽ làm âm nhạc. VN nghèo thế làm sao có nhạc viện, có dàn nhạc giao hưởng. Nhưng một năm sau thì tôi biết đó là suy nghĩ bảo thủ của mình"...

Sáng là Nhạc trưởng của Dàn nhạc Giao hưởng VN, chiều làm Giám đốc Dự án Nghệ thuật cho Hội đồng Anh, Graham có rất ít thời gian để nghỉ ngơi. Thú vui duy nhất của ông trong thời gian rỗi là nghe nhạc, thi thoảng lắm mới đến nhà bạn bè hoặc "lang thang trên phố"- theo cách nói của ông. Graham có cái vẻ cô độc của một nghệ sĩ, nhưng đó là cái cô độc "cần thiết" để tạo ra một dấu ấn riêng trong nghệ thuật...

* Với Dàn nhạc Giao hưởng VN thì sao?

- Dàn nhạc có 75 người, đa số muốn sống bằng âm nhạc, có nhiều người cả gia đình đều làm nghệ thuật nên dễ thông cảm với nhau. Việc tìm thêm các chương trình biểu diễn cho đoàn không phải là trách nhiệm của tôi, nhưng tôi cố gắng làm. Một số người trong đoàn có thể có cửa hàng riêng tại nhà, tốt thôi, tuy nhiên, nếu họ đi làm thêm nhiều nghề khác thì khó toàn tâm toàn ý cho nghệ thuật.

* Trong khi ở các nước Châu Âu, trẻ em được tiếp xúc với nhạc giao hưởng ngay từ bé để có những khái niệm cơ bản nhất, thì VN mới đang nhen nhúm dự án đưa trẻ em tiếp cận với dòng nhạc bác học này. Bên cạnh đó, dòng nhạc giao hưởng ở VN cũng có những thể nghiệm mới, để đến với công chúng rộng rãi hơn. Ông nhận xét gì về sự "chuyển mình" này?

- Phải luôn xây dựng những chương trình thú vị dành cho lớp trẻ. Một số nhạc sĩ VN đã thể nghiệm như ông Trọng Bằng đưa thêm đàn bầu vào dàn nhạc, Quang Hải đưa đàn tranh, Đỗ Hồng Quân cũng sử dụng tiết tấu nhạc của một số dân tộc thiểu số ở VN. Song sự thể nghiệm vẫn chưa nhiều so với các nước Châu Âu. Đã đến lúc, dàn nhạc giao hưởng có thể rút bớt quân số để gọn nhẹ hơn.

Nhưng vấn đề chủ yếu của nhạc giao hưởng VN nằm ở khâu đào tạo. Trong khi người chơi violoncelle nhiều, thì kèn hautbois lại thiếu, mà một dàn nhạc ít nhất cần 2 người. ở Anh có mấy nghìn người thổi kèn hautbois giỏi thì ở VN giỏi chỉ có 3 người, rất giỏi có 2 người. Nhạc viện đúng ra phải là nơi đào tạo nhạc công cho cả nước thì lại không thích sinh viên tốt nghiệp nhạc viện đi làm chỗ khác. Đó là một quan niệm sai lầm.

* 10 năm sống ở VN đã đủ để ông hiểu về người VN?

- Lần đầu tiên, tôi đến VN đúng vào dịp Tết và ngạc nhiên vì sự cởi mở, thân thiện của họ với người Châu Âu. VN có một thứ "văn hoá ngoài trời" rất hay, hoàn toàn khác với các nước khác.

Và sau 11 năm thì tôi cảm nhận rõ: Người VN luôn nhìn vào tương lai với một sự lạc quan. Họ có một cá tính mạnh (so với các nước trong khu vực), điều này giúp ích rất nhiều để tạo tiếng nói riêng trong nghệ thuật. Nhưng tôi nghĩ mình mới chỉ hiểu một phần, còn nhiều điều khám phá mới trong tương lai.

* Còn sự thích nghi khó nhất ở đây?

- Tính cộng đồng của người VN rất mạnh. Cấu trúc gia đình ở Châu Âu không chặt chẽ như ở VN, người VN đòi hỏi một sự chia sẻ, quan tâm tới nhau mạnh mẽ. Là người Châu Âu, tôi rất khó thích nghi với điều đó.

* Ba năm nay, ông vẫn dành thời gian cho các dự án nghệ thuật của Hội đồng Anh, điều đó có giúp ích gì cho niềm đam mê âm nhạc của ông?

- Hội đồng Anh đã tạo điều kiện cho nhiều nghệ sĩ VN có điều kiện hoạt động nghệ thuật tốt hơn. Gần đây nhất là dự án tạo cầu nối cho các nghệ sĩ VN và các tổ chức phát triển cùng kết hợp với nhau để tham gia những dự án phát triển cộng đồng.

Điều này thách thức các nghệ sĩ đôi khi không nên đưa ra quan điểm riêng của mình thế nào là nghệ thuật thực sự mà để cộng đồng tự xác định theo cách nhìn của họ. Khi tôi tham gia làm những dự án đó thì có nhiều điều kiện giao lưu với các nghệ sĩ và đương nhiên bạn càng sống trong một môi trường nghệ thuật thì càng tốt cho sáng tạo của bạn.

* Nếu có một ngày nào đó, ông tỉnh dậy và không còn âm nhạc?

- Thì tôi sẽ chết. Cuộc đời này là vô nghĩa nếu thiếu âm nhạc. Âm nhạc là một thế giới rộng lớn, mà bạn không bao giờ có thể biết hết được. Nghệ thuật, không thể chấp nhận sự nửa vời, bạn phải dành trọn đam mê cho nó.

* Xin cảm ơn ông.

Theo LĐ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên