31/12/2003 07:05 GMT+7

Nhậu thịt chim trời

ĐẶNG THÁI HUYỀN
ĐẶNG THÁI HUYỀN

TT (Hà Nội) - Giờ đây, khi mà ngay cả thịt thú rừng, hải sản... là những “sơn hào hải vị” cũng đã trở thành món “nhạt miệng” đối với những người Hà Nội lắm tiền, ưa tìm thú vui ăn uống, thì họ lại phát hiện “mốt” nhậu mới là kéo đến các quán có món chim trời đang mọc lên rất thức thời ở ngoại thành...

vaiMPkNT.jpgPhóng to
Một góc phố thịt chim trời, thịt thú rừng ở Hòa Lạc
TT (Hà Nội) - Giờ đây, khi mà ngay cả thịt thú rừng, hải sản... là những “sơn hào hải vị” cũng đã trở thành món “nhạt miệng” đối với những người Hà Nội lắm tiền, ưa tìm thú vui ăn uống, thì họ lại phát hiện “mốt” nhậu mới là kéo đến các quán có món chim trời đang mọc lên rất thức thời ở ngoại thành...

“Hương vị trời xanh”!

Nơi được coi “phố thịt chim” nằm lọt giữa khu trang trại các “quan”, gần khu công nghệ cao Hòa Lạc chỉ cách thủ đô khoảng 30km.

Những dãy nhà sàn, quán nhậu biển hiệu “gà ri, thú rừng, chim trời, cá nước”... san sát hai bên đường cao tốc với đủ dáng vẻ, bản sắc xứ Mường. Dọc “phố chim trời” dài trên 1km, sân nhà hàng nào cũng phơi ra dãy lồng chim các loại nhốt chung gà ri rất bắt mắt. Ngoài bồ câu, cu gáy... còn nhiều loài tôi chưa biết.

Chủ quán tiếp thị: “Đây là chim ngói, sâm cầm, gà đồng, diệc, đa đa; còn đây là cu gáy, giẽ đất, tu huýt... Mấy tháng trước còn có sẻ đồng, cò khoăm, cò bợ... nhưng đã hết mùa”.

Tôi ngỡ ngàng: “Bây giờ khách ăn cả sẻ đồng, cu gáy, cò?”. Chủ quán: “Ăn tất”. Ngừng chốc lát, ông ta tiếp: “Toàn những món các anh (thực khách) nghĩ ra, chúng tôi chỉ biết phục vụ. Ngày xưa bẫy được cu gáy chỉ để nuôi hót, nhưng nay bán cu gáy thịt còn đắt hơn nuôi hót. Trước cò bị chê là tanh, cũng không ai nuôi làm cảnh, thế mà nay không đủ chế biến chả cò, cháo cò...”.

Ông ta còn nói ăn cu gáy trống rất bổ. “Hôm nay các anh hên vì thợ bẫy vừa đưa thêm; hôm qua muốn ăn cu gáy phải điện đặt trước ba tiếng”. Nhìn lũ chim bị nhồi chặt trong lồng chỉ có phép thánh mới cứu được chúng ra, Hải “sành”, Tuấn “phê” cùng đi với tôi hoa cả mắt vì không biết gọi món nào.

oYfZGRAN.jpgPhóng to
Những con cò từ vườn cò Ngọc Nhị bị mắc bẫy được đưa về bán rao dọc chợ chim cao tốc
Chủ quán khuyên: “Lộc trời mỗi lần thưởng thức một tí, bữa nay các anh không thể ăn hết ngần ấy món (loài). Theo tôi, các anh nên ăn cu gáy, diệc, sâm cầm. Bữa mai quay lại thì gọi chim ngói, đa đa, gà đồng... là biết đủ hương vị trời xanh”.

Hai thiếu niên thừa lệnh chủ quán bước tới lồng sắt bắt bốn sâm cầm, bốn cu gáy và một con diệc giơ lên cho Hải “sành” kiểm tra béo gầy rồi xách về phía sau nhà. Tôi theo ra khu nhà bếp thấy góc nhà còn mấy lồng chim trời nữa, chứng tỏ lượng chim chờ được lên đĩa rất lớn.

Vợ chủ quán với 4-5 thiếu niên đi ủng hì hục vuột lông hàng trăm con chim trong chậu nước đen ngòm. Cũng cắt tiết, moi mổ, giội nước ào ào, loáng cái đã đưa lên chế biến trên bếp than đỏ rực lửa để kịp phục vụ thực khách đang bồn chồn ngửi thấy mùi chim nướng, chim quay thơm nức.

Trong góc quán mấy cậu bé 10-12 tuổi (đã bỏ học) cũng đang hổn hển vót hàng trăm ống nứa non nướng cơm lam, thịt chim, thịt thú rừng, gà ri...

Ông Đinh Văn Toan, chủ nhà hàng Hải Hà nằm sâu trong khu trang trại, cách đường cao tốc 100m, kể: “Trước, đây là nơi “phát minh” món thịt gà chọi. Sau có quá nhiều nơi bắt chước chúng tôi mới “chuyển gam” sang chim trời. Vả lại nguồn chim trời (săn bẫy) về quá nhiều, ngon, lại kiếm dễ hơn cả gà chọi”.

Chủ quán “thú rừng, cơm lam, chim trời” Thắng Lợi cho biết mặc dù chỉ mới “khai sinh” ba, bốn năm nay nhưng ngay thuở ban đầu các nhà hàng đã chật ních khách; xe luôn để kín sân, nhiều chủ phải thuê thêm bãi gửi xe, cơi nới quán nhậu.

Mấy nhân viên nhà hàng Bình Dương tiết lộ: “Khách tìm đến đều là dân Hà Nội, số ít là quan chức, kẻ làm ăn, buôn bán (tức có tiền) từ các tỉnh lẻ tạt qua. Nhiều người đến đây là dân buôn bất động sản từ khi cơn sốt trang trại bùng nổ”. Hòa Lạc trở thành khu ăn chơi “thập cẩm” tự bao giờ?

Ông Toan khoe khu này món gì cũng có. Từ thịt thú rừng loại “độc” đến nhiều nhất, mua bán, làm thịt công khai nhất là chim trời.

“Không sợ cán bộ đến hỏi thăm sao”?”. Ông Toan dửng dưng: “Đây là khu giáp ranh giữa ba huyện Thạch Thất, Quốc Oai (tỉnh Hà Tây) và Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), hàng (chim và thú) vừa nhiều, dễ tiêu thụ lại... chẳng thuộc ai quản lý”.

Theo ông Toan, cách Hòa Lạc không xa là “thị trấn thú rừng” Xuân Mai - Lương Sơn (phía nam) và Đồng Mô (phía bắc) đều bị “ép” rất chặt nên toàn bộ thú, chim trời đang chạy về “thánh địa” này.

Tấp nập như... chợ chim trời

Dải bán sơn địa từ huyện Ba Vì, Lương Sơn đến Thạch Thất, Quốc Oai (tỉnh Hà Tây)... hàng trăm năm qua là “thánh địa” dừng chân của hàng vạn chim ngói, chim cu dọc hành trình di trú về phương Nam. Nhưng chúng chưa kịp tránh rét đã sa vào lưới hàng trăm thợ săn ngày đêm ẩn nấp trên những cánh đồng vừa gặt. Đây cũng là vành đai vườn cò Ngọc Nhị, nơi đàn cò đến kiếm mồi rồi mắc bẫy, bị thợ săn đưa đến chợ chim.

Từ đầu tháng chín đến cuối tháng ba âm lịch là mùa làm ăn của đội thợ săn và các chợ chim lại tấp nập. Đạt “lai căng” kể đúng mùa cò hoặc chim ngói, lượng chim từ khắp nơi đưa về Hòa Lạc nhiều tới mức các chủ quán nhậu cũng không mua xuể, buộc các “lái chim” phải chở về những chợ chim tự phát để bán cho khách vãng lai, như chợ chim trời Hòa Lạc và chợ Hoàng Ngô (cách Hòa Lạc 10km) tại cao tốc Láng - Hòa Lạc giao đường 72.

Giữa mùa, những nơi này có 15-20 chủ ôm hàng chục lồng chim các loại xếp dọc lề đường. Chỉ 12.000- 20.000 đồng/chim ngói, 30.000 đồng/cu gáy, 40.000-70.000 đồng/xâu gà đồng, sâm cầm, le le, tu huýt, giẽ nâu...

Mấy ngày lang thang xã Hoàng Ngô (huyện Quốc Oai), tôi phát hiện làng này có rất nhiều người buôn chim tầm cỡ. Hưởng, chàng trai đứng bán chim ngói, cu gáy, cò ruồi, sâm cầm trên chợ Hoàng Ngô, là một trong nhiều “cai” thu gom chim của thợ bẫy để cung cấp cho Hòa Lạc.

Để đủ hàng, họ phải lập “chân rết” (buôn đường dài) đến tận Nam Định, Bắc Ninh, Thanh Hóa. Một số “cai” khác lại thu gom chim của vùng Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái... nơi nhiều gà đồng, sâm cầm, dẻ thiu, giẽ đất nhất. Sáng tinh sương, từng ôtô chim vẫn ầm ầm về Hoàng Ngô, Hòa Lạc.

Sang tháng mười hai âm lịch, mùa săn (buôn) chim ngói kết thúc, nhưng mùa săn giẽ, ri rít, sít xanh... lại mới bắt đầu. Quán nhậu Đạt “lai căng” đã xuất hiện thịt chim giẽ, loài có màu lông nâu trông rất đáng yêu, chỉ hoạt động ban đêm, người ta chỉ biết tới chúng khi cái “máy sát chim” (cassette phát tiếng chim giả) xuất hiện khắp huyện Quốc Oai, Thạch Thất, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Tây) và nhiều tỉnh khác.

Từ nay đến tết âm lịch, mùa săn chim đêm mới thảm khốc nhất và những “chợ chim liên tỉnh” cũng xôn xao nhất.

Thương quá những con chim trời...

ĐẶNG THÁI HUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên