11/12/2003 06:00 GMT+7

Giết mổ gia súc, gia cầm chết - bệnh: "Rất khó kiểm tra"!

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Theo số liệu của Chi cục Thú y TP.HCM, bình quân mỗi tháng các đơn vị trực thuộc phát hiện, xử lý khoảng 2.300 trường hợp vi phạm hành chính trong công tác thú y. Tính ra mỗi ngày trên địa bàn thành phố xảy ra gần 77 vụ vi phạm. Vì sao vẫn còn những người mua bán, giết mổ gia súc gia cầm đã chết, bị bệnh? Có giải pháp nào chấn chỉnh thực trạng này? PV Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn An Hòa (ảnh), quyền chánh thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM.

iBJhpyu5.jpgPhóng to
Ông Nguyễn An Hòa
TT - Theo số liệu của Chi cục Thú y TP.HCM, bình quân mỗi tháng các đơn vị trực thuộc phát hiện, xử lý khoảng 2.300 trường hợp vi phạm hành chính trong công tác thú y. Tính ra mỗi ngày trên địa bàn thành phố xảy ra gần 77 vụ vi phạm. Vì sao vẫn còn những người mua bán, giết mổ gia súc gia cầm đã chết, bị bệnh? Có giải pháp nào chấn chỉnh thực trạng này? PV Tuổi Trẻ đã phỏng vấn ông Nguyễn An Hòa (ảnh), quyền chánh thanh tra Chi cục Thú y TP.HCM.

* Gần đây trên địa bàn TP nổi lên vấn đề kinh doanh giết mổ gia súc, gia cầm đã bị chết hoặc bị bệnh ở các cơ sở không có giấy phép kinh doanh...

- Người chăn nuôi cũng như người kinh doanh đều biết việc mua bán thịt chết, bệnh là không hợp pháp, nhưng vì sợ lỗ, vì ham lợi nhuận nên họ thường mua bán lén lút và sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để qua mặt cơ quan chức năng.

Một số người kinh doanh thiếu lương tâm đã mua gia súc gia cầm chết, bị bệnh với giá rẻ rồi dùng thủ thuật (ướp phẩm, hóa chất) để chế biến đem bán với giá cao. Đặc biệt, sau khi chế biến thực phẩm thịt chết, bệnh... họ lại đem đi bỏ mối khắp nơi (thường là quán cơm bình dân, bếp ăn tập thể, các điểm buôn bán lòng lề đường...). Vì vậy chúng tôi rất khó kiểm tra.

Ngay như việc phát hiện những cơ sở kinh doanh này cũng rất khó vì các đối tượng này thường có hành vi đối phó rất tinh vi. Thông thường chúng tôi phát hiện, xử lý được là qua công tác quản lý thú y trên địa bàn và quan trọng nhất là nhờ người dân địa phương phản ảnh, tố giác...

Chi cục Thú y TP.HCM thực hiện công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y động vật, sản phẩm động vật tại 40 cơ sở giết mổ, 287 chợ, 175 cơ sở chế biến và bốn trạm kiểm dịch động vật đầu mối giao thông với khối lượng công việc thực hiện hằng ngày bình quân: kiểm soát giết mổ 6.200 con heo, 15-20 con dê, 100-150 con trâu bò và 53.000 con gia cầm; kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y thịt 1.200-1.500 con heo và 230 con trâu bò được giết mổ từ các tỉnh đưa về TP tiêu thụ và kiểm tra 31 tấn sản phẩm chế biến các loại.

* Như vậy Chi cục Thú y TP chưa có biện pháp gì để ngăn chặn những vụ vi phạm này?

- Hiện nay chúng tôi có năm đoàn kiểm tra thuộc chi cục, lực lượng kiểm tra cơ động, thanh tra giết mổ lậu thường xuyên đi kiểm tra. Ngoài ra, các đơn vị quận huyện cũng chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc phối hợp với các ban ngành chức năng của địa phương đi thanh tra, kiểm tra. Để hạn chế tình trạng vi phạm về vệ sinh thú y, mỗi ngày Chi cục Thú y TP.HCM bố trí 374 kiểm dịch viên và kỹ thuật viên kiểm dịch động vật tại các địa bàn quản lý.

Ngoài ra, chúng tôi còn có gần 100 thanh tra viên thường xuyên thực hiện công tác thanh kiểm tra việc thực hiện công tác thú y và chấp hành pháp lệnh thú y. Tuy nhiên, đến nay tình hình vi phạm, công tác vệ sinh thú y trên toàn địa bàn TP vẫn còn khá nhiều vi phạm, khó có thể ngăn chặn triệt để.

* Việc xử lý vi phạm như thế nào? Mức xử lý có đủ sức răn đe người vi phạm?

- Chúng tôi chỉ xử phạt vi phạm hành chính trong công tác thú y - tùy theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cá nhân, đơn vị của từng cấp - có mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền là 100.000đ, 500.000đ, 1 triệu và 2 triệu đồng. Những qui định xử phạt này là quá thấp, không đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm. Nhiều người sẵn sàng đóng phạt để rồi tiếp tục vi phạm.

Gần đây, chúng tôi căn cứ vào những văn bản mới để đề xuất cấp thẩm quyền quyết định xử lý ở mức cao hơn (1-5 triệu đồng). Tuy nhiên, mức này cũng chưa đủ sức răn đe.

* Nhằm tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các vụ vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, ông có đề nghị gì không?

- Chúng tôi cho rằng một mình ngành thú y không thể quán xuyến hết mà cần phải có sự góp sức của các ngành chức năng, của chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của nhân dân địa phương... thì mới giải quyết triệt để được mọi vấn đề vi phạm về vệ sinh thú y.

Về chủ trương chính sách trong lĩnh vực thú y hiện còn chưa đủ và có một số bất cập. Cụ thể, pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2002 và pháp lệnh vệ sinh an toàn thực phẩm bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-11-2003, nhưng đến nay việc áp dụng thực hiện các văn bản này trong lĩnh vực thú y vẫn chưa được Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn và Cục Thú y hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, chúng tôi đề nghị sớm ban hành nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong công tác thú y phù hợp với pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính mới và phù hợp với thực tế.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên