12/12/2003 06:03 GMT+7

Sinh viên và chuyện "sống thử"

NGUYỄN ĐỨC GIANG (Hà Nội)
NGUYỄN ĐỨC GIANG (Hà Nội)

TT - “Nhóm tớ có bốn người (nữ), khi nghe nhắc đến “chuyện ấy” thì một người “Eo ôi! Thế á?”, hai người lưỡng lự không ủng hộ cũng không bị sốc, còn một người thì coi là chuyện thường gặp, chẳng có gì lạ”. Một người bạn của tôi kể vậy rồi tự nhận mình là một trong hai người lưỡng lự.

c8HPVyp0.jpgPhóng to
Thông điệp của Trung tâm Tư vấn giới tính và sức khỏe sinh sản “Ngôi nhà tuổi trẻ” (số 5 Nguyễn Quý Đức, Thanh Xuân, Hà Nội)
TT - “Nhóm tớ có bốn người (nữ), khi nghe nhắc đến “chuyện ấy” thì một người “Eo ôi! Thế á?”, hai người lưỡng lự không ủng hộ cũng không bị sốc, còn một người thì coi là chuyện thường gặp, chẳng có gì lạ”. Một người bạn của tôi kể vậy rồi tự nhận mình là một trong hai người lưỡng lự.

Không sống thử vì không thích

Một cuộc điều tra nhỏ của chúng tôi đã được tiến hành ở sáu trường đại học trên địa bàn Hà Nội (Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Công đoàn, Thủy lợi, ĐH Mở, Khoa học xã hội và nhân văn). Trong 130 phiếu phát ra đều có câu hỏi: “Giả sử có thể lựa chọn, bạn có muốn sống thử không?”. Trả lời “không” là 85 người, trả lời “có” là 24 người (tỉ lệ 4-1), còn lại không trả lời.

Với câu trả lời “không”, 66/85 người (chiếm 78%) đã chọn lý do: đơn giản là vì không thích. Họ không chọn các lý do về sức khỏe, về học tập và công việc, về dư luận xã hội. Vậy thì, khi có nhân tố nào đó tác động, một ai trong số họ cũng rất có thể hứng lên mà thích, biết đâu?!

Những cách nhìn khác nhau

Cũng câu hỏi “Bạn có muốn sống thử không, vì sao?”, từ phía những người “không”, có những câu trả lời khá kiên quyết. Có bạn viết: “Vì đó là một điều ngu ngốc!”. Có bạn viết: “Tôi cảm thấy như mình đã chết nếu sống cuộc sống đó!”.

Còn đây là một ý kiến tâm huyết: “Tôi cho rằng nếu chấp nhận sống thử thì bạn trai tôi và gia đình của anh ấy sẽ không tôn trọng tôi và nó không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Hơn nữa tôi vẫn tôn trọng vẻ đẹp trinh trắng của một người con gái khi chưa kết hôn”.

Bạn Đ.T.T. (K46 Báo chí, ĐH KHXH & NV) nói: “Trong khi tất cả còn ở phía trước, tuổi trẻ còn bao vướng bận với sự nghiệp bản thân, cống hiến cho xã hội, một số bạn trẻ đã vội loay hoay tìm cái vỏ ốc bình yên cho mình. Tình yêu đẹp, và họ tự nhận là đã suy nghĩ chín chắn, họ quyết định sống chung. Liệu cả hai bạn có thể hết lòng phấn đấu cho sự nghiệp của bản thân trong khi lẽ đương nhiên là phải đối mặt với cơm áo gạo tiền?”.

Có những kiến giải muốn “cảm thông” với những đôi bạn trẻ “sống thử”. Đ.T.H. (K8 E khoa Anh, ĐH Mở) nói: “Họ thiếu thốn tình cảm khi xa nhà mà khả năng lại chưa kham nổi một gia đình, còn nhiều mục tiêu trước mắt nên họ không lấy nhau được. Cho nên họ sống thử”. Hoặc như: “Có thể là vì tình yêu của họ chứ!”. Hoặc như: “Muốn thử xem liệu cả hai có hợp nhau trước khi đi đến hôn nhân”. Còn đây là một ý kiến tỏ vẻ lo ngại thay cho các bạn trẻ: “Họ nông nổi quá, chưa lường hết được những hậu quả xấu có thể xảy ra”...

Và chuyện về xóm trọ

Ở xóm trọ, SV có một đời sống hoàn toàn độc lập. Độc lập với gia đình, với nhà trường, bè bạn, không ai biết đến nhau. Thực tế 85% ý kiến về “sống thử” tập trung ở nhóm SV thuê nhà trọ.

Ở một xóm trọ SV. Người con trai quê ở Nghệ An, người con gái quê ở Thái Nguyên. Họ sống có vẻ kín đáo. Cuộc sống hằng ngày là đi học, nấu cơm, đi chơi. Họ có đi kiếm việc làm thêm. Có lần “bố vợ” lên chơi, người con gái “giấu” người yêu đi. Rồi một chuyện xảy ra: bố người con gái chết. Người con trai “quên” địa chỉ nhà “bố vợ”, với lý do “lâu rồi nên không nhớ rõ”!

Ở một xóm trọ SV. Hai anh em trai ở một phòng 10m2, có người yêu của anh ở cùng. Người em thường phải ra khỏi nhà những lúc “tế nhị”. Một chiếc giường đôi thì em nằm ngoài, anh nằm giữa, còn “chị dâu” nằm trong! Bữa ăn thường là tự ai nấy lo, hoặc đi ăn quán, hoặc ở nhà ăn mì. Có những khi cả ngày họ tụ tập đánh bài. Cả ba người đều có chung niềm đam mê: số đề!

Ở những xóm trọ SV. Những đôi bạn trẻ chung tiền, chung gạo sống cùng nhau. Công việc đặc trưng cho sự tồn tại của họ trong những xóm trọ là nấu nướng và ăn cùng nhau. Có những lúc họ đóng cửa ở trong phòng suốt... Họ lặng lẽ, không “va chạm” với ai xung quanh nên cũng chẳng ai “chạm” vào họ. Cũng có khi người con trai “nuôi” người con gái, cũng có trường hợp người con gái “nuôi” người con trai. Ngày qua ngày...

Chọn cho mình một lối sống

Một nghiên cứu công bố năm 2002 của Bộ Y tế và ĐH Y Thái Bình kết luận: “Quan niệm về vấn đề quan hệ tình dục trong thanh thiếu niên không còn quá khắt khe như trước. Việc chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân khá dễ dàng là một thực tế. Giới trẻ VN đang chạy theo những lối sống mới. Người lao động trẻ và SV đại học đang thích thử nghiệm tình dục”. (“Thực trạng sức khỏe vị thành niên qua các nghiên cứu từ 1995-2001, 2002”. Dẫn theo khóa luận tốt nghiệp năm 2002 của Lê Xuân Thọ, khoa Xã hội học, ĐH KHXH & NV).

Vấn đề muôn thuở bao giờ cũng là phải hành động và giải pháp. Sau đây là kết quả của cuộc điều tra nói trên về bốn giải pháp:

- Giáo dục đạo đức trong trường phổ thông và ĐH: 29% đồng tình.

- Giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản trong trường phổ thông và ĐH: 60% đồng tình.

- Phát triển các dịch vụ tư vấn tâm - sinh lý miễn phí cho HS, SV: 50% đồng tình.

- Các phương tiện truyền thông đại chúng phải thể hiện rõ ràng là phản đối hay không phản đối: 23% đồng tình.

Và trong một giải pháp tự nêu, một SV đã viết: “Chủ yếu là mỗi người phải tự ý thức được các giá trị cuộc sống của mình, bởi vì giáo dục nhiều khi cũng không có tác dụng lớn vì SV là tầng lớp đã được hiểu biết nhiều”.

NGUYỄN ĐỨC GIANG (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên