17/12/2003 08:12 GMT+7

Lão nông và 400 khung nhà tình thương

HỒ VĂN
HỒ VĂN

TT - Trong cái lán trại nhỏ, gần chục thanh niên đang hì hục cưa đục, một ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi sắp xếp lại “tập hồ sơ” những người xin khung nhà và những địa chỉ giao nhà. Đó chính là ông Giáp Văn Bảy, người mà khi nhắc tới nhiều người thường gọi là ông Bảy “nhà tình thương”.

DH443vb3.jpgPhóng to
Ông Bảy đang hướng dẫn thợ trẻ Tâm làm nhà
TT - Trong cái lán trại nhỏ, gần chục thanh niên đang hì hục cưa đục, một ông già râu tóc bạc phơ đang ngồi sắp xếp lại “tập hồ sơ” những người xin khung nhà và những địa chỉ giao nhà. Đó chính là ông Giáp Văn Bảy, người mà khi nhắc tới nhiều người thường gọi là ông Bảy “nhà tình thương”.

Trại mộc từ thiện

Ông Bảy trầm ngâm nhớ lại: “Chẳng biết căn nhà đầu tiên tui làm là năm nào, nhưng tui nhớ là lúc 40 tuổi tui đã theo bác Chính Nhị (Trần Văn Nhị) đi làm nhà cho bà con trong xã”. Đó là những tháng ông đi làm không lấy tiền công, chỉ ngày hai bữa ăn...

Đến giờ ông vẫn còn nhớ lời bác Chính Nhị dặn: “Làm từ thiện là phải hết mình, đừng bao giờ nhậu nghe, dính đến nó là tâm tưởng nghĩ đến danh lợi”. Kể từ đó ông bắt đầu ăn chay, làm nhà cho ai, họ mời uống rượu ông dứt khoát không uống.

Đi làm nhà lần nào ông cũng gặp nhiều bà con nghèo không đủ ăn, ở thì chui rúc dưới miếng tranh, miếng lá. Ông bàn với bác Chính Nhị kêu gọi một số thanh niên trong xã đi xin cây dừa, bạch đàn về làm khung nhà giúp họ có chỗ ra vào.

Kể từ đó, theo chân bác Chính Nhị, ngoài ông Bảy còn có hơn chục thanh niên lập thành một đội “làm nhà từ thiện” thuê mướn ghe đi khắp các vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nơi nào có nhiều dừa là có mặt họ, người leo dừa chặt lá, người cặp đôi cưa cây. Vào những lúc xong vụ mùa nhà ông Bảy vui như ngày hội bởi có hàng chục thanh niên tụ tập giúp ông làm khung nhà, đi đốn dừa.

Cũng từ đó tiếng tăm ông Bảy làm nhà tình thương ai cũng biết và trở thành nơi tin tưởng nhất cho những nhà hảo tâm đóng góp tiền bạc, cây dừa, bạch đàn. Cũng từ đó đơn xin khung nhà của người nghèo khắp nơi gửi về. Nhà ông Bảy trở thành một trại mộc nhỏ. Ông Bảy bỏ hết việc đồng áng cho vợ con, hì hục ngày đêm hoàn thành từng khung nhà.

q1UdB1qz.jpgPhóng to
Ông Bảy đang kiểm tra lại các đơn xin khung nhà của bà con nghèo
Nhiều thanh niên trong xóm ban đầu chỉ giúp đi đốn cây dừa, sau đó xin học nghề để giúp ông. “Tui nghĩ chẳng lẽ bác Bảy già vậy mà còn làm được việc thiện, mình là thanh niên không giúp gì sao. Thế là tui xin ở luôn trong nhà bác Bảy học nghề mộc” - Ngô Văn Tâm (sinh năm 1981), thợ nhỏ tuổi nhất trong trại mộc, nói. Ngoài Tâm còn hàng chục thanh niên trong xóm cũng tới học nghề để giúp ông Bảy.

Nhiều người trong ấp biết nghề cũng tìm tới giúp. Họ làm không công, tiền ăn tự đóng góp với nhau, cây nhà lá vườn có gì ăn nấy. Thấy công việc ngày một nhiều mà nhà ông Bảy quá chật chội, Hội Chữ thập đỏ xã bàn với Ủy ban xã Tân Phước liên hệ giúp ông Bảy một phần đất của nhà chùa Phước Huệ để mở trại mộc.

Ngày 22-3-1999 trại mộc ra đời và lấy tên là “Trại mộc từ thiện”. Tính từ lúc thành lập đến nay, trại mộc đã làm hơn 400 khung nhà tặng người nghèo. Những khung nhà được chở đến Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang và đến tận Kiên Giang..., mỗi căn có diện tích 4,5mx7m, trị giá trên dưới 1 triệu đồng.

“Nhờ ông Bảy nên không còn lang thang nữa!”

Bà Mai Kim Sủi (ấp Tân Quí, xã Tân Phước, huyện Lai Vung, Đồng Tháp) đã nói như thế khi gặp chúng tôi trong căn nhà bà đang ở do trại mộc ông Bảy làm tặng. Trước đây bà cùng chồng và bốn đứa con sống bằng nghề ăn xin và bán vé số. Đêm về họ chui rúc dưới mái hiên của bà con hàng xóm.

Một thời gian sống cảnh màn trời chiếu đất, chồng bà sinh bệnh mà chết. “Tui đã tính dắt tụi nhỏ bỏ xứ mà đi rồi. Cũng nhờ bác Bảy...” - bà Sủi rơm rớm nước mắt kể lại.

Cùng cảnh với bà Sủi là ông Trịnh Văn Lẻn, người cùng xóm. Ông Lẻn đã phải tha phương cầu thực khắp nơi. Giữa năm 2003, ông Lẻn trở về cùng với một người đàn bà và nói là vợ ông. Hai vợ chồng dựng tạm một cái lều ngoài đồng và đi làm thuê làm mướn.

Cám cảnh, ông Bảy lập tức huy động thanh niên trong xóm chỉ hai ngày dựng xong ngôi nhà giúp vợ chồng ông Lẻn có chỗ ra vào.

Còn hàng trăm trường hợp khác nữa mà ông Bảy không nhớ, nhưng có một trường hợp ông không thể quên: đó là ngày 23 tết âm lịch năm 2001, một thanh niên ở xã bên (Vĩnh Thạnh, huyện Thạnh Hưng) tới trại mộc và thưa với ông rằng: “Vợ con sắp đẻ rồi mà không có nhà ở, nhờ bác giúp cho cái nhà chứ không thì vợ con phải đẻ ngoài chòi”.

Lúc đó trại mộc đâu còn ai vì anh em đã về chuẩn bị cho ngày tết, ông liền chạy đôn chạy đáo trong xóm huy động anh em trở lại, chỉ trong hai ngày làm xong khung nhà và thuê ghe tức tốc chở đi. Và đứa trẻ đã ra đời vào ngày cuối năm trong một căn nhà, thay vì căn chòi xiêu vẹo...

Còn những trường hợp không may bị sập nhà hay cháy nhà là trại mộc ông Bảy làm nhanh trong một hai ngày để giúp họ ngay.

Như trường hợp một gia đình ở xã Tân Tiến, huyện Thoại Sơn, An Giang, cả nhà đi làm đồng để lại đứa con nhỏ ở nhà nấu ăn, không hiểu thế nào ngọn lửa bùng lên và thiêu rụi căn nhà. Được tin, chỉ trong một ngày ông đã huy động hơn 20 thợ làm xong một khung nhà và thuê ghe chở tới giúp gia đình người bị nạn.

Giúp hàng trăm người thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất, giã từ cuộc sống tha phương cầu thực, vậy mà gia cảnh ông Bảy lại rơi vào cảnh khốn khó không ai biết. Đó là món nợ ngân hàng 40 triệu đồng mà gia đình ông mang từ vụ vay để trồng quít năm 2000, nhưng không may trận lũ đã quét sạch khi vườn quít sắp tới mùa thu hoạch.

Vậy mà khi nói về mong muốn của mình, ông không nói gì về gia đình mình mà chỉ ước làm sao có nhiều người đóng góp cây dừa, bạch đàn để trại mộc làm thêm được nhiều nhà cho bà con nghèo. Và ông cũng ao ước có thêm được vài cái cưa máy, bào máy để công việc làm nhà được nhanh hơn...

HỒ VĂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên