20/04/2024 16:29 GMT+7

Đường ống ngầm khổng lồ công nghệ Nhật giúp hồi sinh sông Tô Lịch thế nào?

Chuyên gia cho rằng hệ thống cống gom nước thải cùng Nhà máy Yên Xá là điều kiện cần để hồi sinh sông Tô Lịch. Trong khi đó, điều kiện đủ là cần bổ cập dòng chảy cho con sông này.

Hệ thống cống ngầm chạy dọc sông Tô Lịch và các đường cống gom - Ảnh: HỒNG QUANG

Hệ thống cống ngầm chạy dọc sông Tô Lịch và các đường cống gom - Ảnh: HỒNG QUANG

Gần 95% là khối lượng công việc đã hoàn thành của gói thầu số 2, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (Hà Nội).

Với quy mô xây dựng gồm tuyến cống bao chính dài trên 15km và các tuyến cống nhánh với tổng chiều dài 6,4km, gói thầu này kỳ vọng là giải pháp làm sống lại dòng sông Tô Lịch đang ô nhiễm trầm trọng.

Đã tính toán lưu lượng dự phòng cho cả mùa mưa

"Tôi không chắc là họ đã làm ống chạy toàn bộ sông Tô Lịch. Nhà tôi gần bờ sông nhưng không thấy có hoạt động thi công nào cả", độc giả Phạm Linh bày tỏ thắc mắc, sau khi hình ảnh về đường ống gom nước thải sông Tô Lịch của Tuổi Trẻ Online được chia sẻ.

Thực tế, khởi công từ tháng 3-2020, hệ thống cống gom nước thải cho sông Tô Lịch được Công ty Tekken (Nhật Bản) thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm.

Công nghệ này được thực hiện bằng cách đào các giếng cách nhau khoảng vài trăm mét. Máy khoan cùng các ống đúc sẵn sẽ được vận chuyển xuống thông qua các giếng này. Sau khi khoan, các chuỗi ống đúc sẵn được đặt nối tiếp theo đường khoan trong lòng đất.

Máy khoan sau đó sẽ cán đích tại giếng tiếp theo, tạo nên một tuyến ống nối giữa hai giếng. Ưu điểm của phương án này là chỉ cần đào sâu ở các điểm giếng mà không cần đào hở trên toàn tuyến; tránh xung đột với móng, mố trụ của tuyến đường sắt đô thị.

Từ năm 2020 đến nay, nhà thầu đã thi công một đường ống dài xuyên suốt sông Tô Lịch từ khu vực Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) tới điểm giao cắt với sông Nhuệ (huyện Thanh Trì), theo cách như vậy.

Đường ống ngầm khổng lồ công nghệ Nhật giúp hồi sinh sông Tô Lịch thế nào?- Ảnh 2.
Đường ống ngầm khổng lồ công nghệ Nhật giúp hồi sinh sông Tô Lịch thế nào?- Ảnh 3.
Đường ống ngầm khổng lồ công nghệ Nhật giúp hồi sinh sông Tô Lịch thế nào?- Ảnh 4.

Cận ảnh một giếng khoan và đoạn ống ngầm ở giữa tuyến với đường kính 1.800mm - Ảnh: HỒNG QUANG

Khi các đường ống ngầm được thi công xong, toàn bộ nước thải trước đây đổ thẳng ra sông Tô Lịch sẽ được thu gom lại.

Số nước này sẽ được đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý theo công nghệ của Nhật Bản với các bước: vi sinh, lắng bùn, xử lý bằng hóa chất, hai lần khử trùng… trước khi đổ vào sông Nhuệ.

Về kích thước của đường ống, đại diện nhà thầu Tekken cho hay ở đoạn đầu tuyến, đường ống sẽ nhỏ nhất (600mm) và lớn dần về cuối tuyến - khi lượng nước vận chuyển tăng lên (đạt 2.200mm).

Kích thước này đã tính toán ở bước thiết kế kỹ thuật và được các đơn vị chức năng thẩm định. Ngoài ra, các điểm tiếp nhận sẽ trang bị các lưới chắn rác để giảm thiểu tình trạng tắc nghẽn.

"Nguồn nước sau khi xử lý xong sẽ đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt", ông Mai Thanh Phong (kỹ sư kiêm vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá) nói.

Ông đồng thời lý giải, nguồn nước sau xử lý đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt nhưng không đồng nghĩa với việc dùng nước này cho sinh hoạt của người dân, mà sẽ được bơm trả về dòng sông.

Khi cả bốn gói thầu được hoàn thiện, ông Phong nói không chỉ nước thải đổ ra sông Tô Lịch hiện nay được thu gom mà nguồn thải của sông Lừ, sông Sét và một phần nước thải của quận Hà Đông, Thanh Xuân, Đống Đa cũng được xử lý.

"Trong điều kiện thời tiết khô ráo, công suất nhà máy đạt 270.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên khi trời mưa, chúng tôi sẵn sàng tăng thêm 234.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất lên 504.000m3", ông Mai Thanh Phong nói. Ông cho biết sở dĩ làm được điều này là do nhà máy có thêm hệ thống bể lọc cao tải để dự phòng lưu lượng.

Cứu sông Tô Lịch: Có khả thi?

Đánh giá về dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, đại biểu Nguyễn Quang Huân (ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, phó chủ tịch Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam) cho hay đây là dự án lớn, khả thi về lưu lượng khi đáp ứng nhu cầu xử lý nước thải cho khu vực trên 1 triệu dân, với lưu lượng tính toán trung bình khoảng 100 lít/người/ngày.

Để làm sống lại sông Tô Lịch như kỳ vọng, ông Huân đánh giá cần có ba yếu tố quan trọng.

Thứ nhất, có nhà máy xử lý nước thải đủ công suất, được vận hành trơn tru, công nghệ đáp ứng yêu cầu. Trong giai đoạn thử nghiệm, cần có đánh giá đầy đủ về nồng độ nước thải đầu vào.

"Cần làm rõ nguồn nước thu gom dọc hệ thống sông chỉ là nước thải sinh hoạt hay gồm cả nước thải làng nghề, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp. Bởi, nước thải sinh hoạt và nước thải sản xuất sẽ yêu cầu những công nghệ khác nhau", ông Huân nói. Ông cũng bày tỏ lo ngại rằng trong nước thải sản xuất sẽ có hàm lượng kim loại nặng, chất độc lớn.

Thứ 2, có hệ thống cống thu gom toàn bộ nước thải đổ ra sông, lưu lượng đáp ứng cho tầm nhìn lâu dài.

Yếu tố cuối cùng được ông Huân nhắc tới là xử lý môi trường, nạo vét đáy sông Tô Lịch đã bị bồi lắng, tích tụ qua nhiều năm. Sau đó, sử dụng nước sông Hồng để bổ cập, tạo dòng chảy tự nhiên hoặc cưỡng bức cho sông Tô Lịch. Điều này được khuyến cáo cần có đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng.

"Khi sông đã không còn nguồn thải, lại có dòng chảy liên tục thì nó sẽ sống lại", ông Huân nói.

Đường ống ngầm khổng lồ công nghệ Nhật giúp hồi sinh sông Tô Lịch thế nào?- Ảnh 5.
Đường ống ngầm khổng lồ công nghệ Nhật giúp hồi sinh sông Tô Lịch thế nào?- Ảnh 6.
Đường ống ngầm khổng lồ công nghệ Nhật giúp hồi sinh sông Tô Lịch thế nào?- Ảnh 7.

Nước thải sau khi xử lý tại Nhà máy Yên Xá sẽ đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt - Ảnh: HỒNG QUANG

Đồng quan điểm, ông Đào Trọng Tứ, trưởng ban điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng sau khi hệ thống cống gom và Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá vận hành, điều cần làm là bổ cập nước cho sông Tô Lịch để tạo dòng chảy.

Việc này được ông Tứ nhấn mạnh là cần làm dòng chảy cưỡng bức bằng cách bơm trực tiếp nước từ sông Hồng, hoặc lấy nước sông Hồng "quá cảnh" qua hồ Tây rồi chảy về sông Tô Lịch.

"Nguồn nước thải từ Yên Xá sau khi xử lý sẽ đổ về sông Nhuệ. Nếu bơm ngược lại vào Tô Lịch là tốn kém và không khả thi", ông Tứ phân tích.

Vị chuyên gia đồng thời nhấn mạnh yếu tố cảnh quan. "Cần thiết kế và làm lại ngay bờ kè con sông này, bởi bờ kè hiện nay chiếm diện tích lớn, lại chỉ phù hợp với một cống thoát nước chứ không phải của một dòng sông", ông Đào Trọng Tứ tiếp lời.

Cận cảnh đường ống ngầm khổng lồ, thu gom toàn bộ nước thải làm sống lại sông Tô LịchCận cảnh đường ống ngầm khổng lồ, thu gom toàn bộ nước thải làm sống lại sông Tô Lịch

Đường ống ngầm dài khoảng 15km với đường kính lớn nhất đạt 2,2m có nhiệm vụ thu gom toàn bộ nước thải đổ ra sông Tô Lịch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên