15/07/2016 15:53 GMT+7

Đuổi 3 bảo vệ chặn xe cấp cứu chỉ là thí chốt

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
NGUYỄN NGỌC ĐIỆN

TTO - Mang danh nghĩa là người sử dụng dịch vụ công nhưng người bệnh lại trở thành một thứ “tài nguyên” hay “chùm khế ngọt” được các nhà cung ứng dịch vụ tận lực khai thác kiểu bóc lột.

Lãnh đạo Bệnh viện Nhi T.Ư đã cam kết sẽ “mở cửa” cho 2-3 hãng taxi và xe cấp cứu vào cung cấp dịch vụ vận chuyển, không để Hãng xe ABC độc quyền - Ảnh: NAM TRẦN
Lãnh đạo Bệnh viện Nhi T.Ư đã cam kết sẽ “mở cửa” cho 2-3 hãng taxi và xe cấp cứu vào cung cấp dịch vụ vận chuyển, không để Hãng xe ABC độc quyền - Ảnh: NAM TRẦN
Điều cần thiết là phá vòng vây trói buộc người bệnh, nói rộng ra là người sử dụng dịch vụ, để việc sử dụng dịch vụ phải là kết quả việc thực hiện quyền lựa chọn của người thụ hưởng trong những điều kiện thoải mái, thuận lợi nhất

Vụ ba bảo vệ chặn xe chở bệnh nhi hấp hối ở Bệnh viện Nhi T.Ư gợi lên một thực tại nhức nhối và dai dẳng mà đáng lý ra cần được nhà chức trách xử lý triệt để từ lâu, đó là sự câu kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ công.

Sự câu kết giữa các nhà cung ứng tạo thành một đường dây kéo dài, nối chuỗi dịch vụ khám chữa bệnh trong bệnh viện ra đường phố và về đến tận nhà người bệnh, là một thực tế đã tồn tại nhiều năm. Khám bệnh xong, mua thuốc, rồi đi taxi về nhà, chăm sóc ngoại trú, rồi tái khám, rồi lại mua thuốc...

Tất cả các khâu đều vận hành trong khuôn khổ một hệ thống được tổ chức. Người bệnh bị trói chặt trong vòng vây và bị buộc phải chấp nhận sử dụng dịch vụ theo kiểu “cơm tù”, nghĩa là không có sự lựa chọn, cũng như không có điều kiện thương lượng về giá cả. Mang danh nghĩa là người sử dụng dịch vụ công nhưng người bệnh lại trở thành một thứ “tài nguyên” hay “chùm khế ngọt” được các nhà cung ứng dịch vụ tận lực khai thác kiểu bóc lột.

Vả lại, phải thấy rằng thực tại đó không chỉ được ghi nhận trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Hầu như tất cả các dịch vụ công thiết yếu đều đã và đang bị lũng đoạn bởi tình trạng độc quyền: người học buộc phải theo những lớp học thêm nối dài những lớp học tại trường; người điều khiển phương tiện đi lại trên đường bị dẫn dắt theo kiểu ép buộc để phải đi vào những đoạn đường có thu phí được kết nối thành một dây...

Đáng nói là các đường dây cung ứng dịch vụ độc quyền thường là kết quả của việc nối những mắt xích bên trong khu vực công với những mắt xích bên ngoài. Điều đó có nghĩa là có sự liên minh giữa những người có thẩm quyền trong khu vực công với các cá nhân, tổ chức bên ngoài để thiết lập, duy trì đường dây.

Trong mối quan hệ cộng sinh đó, những nhà cung ứng bên ngoài rõ ràng ở vị thế của người phải cầu cạnh để được kết nối. Do có nhiều người cũng muốn được kết nối vào đường dây cung ứng dịch vụ độc quyền, người muốn được chọn thường phải chấp nhận chi trả, trừ trường hợp là công ty sân sau của quan chức.

Rốt cuộc, người có điều kiện thu lợi nhiều nhất từ việc thiết lập và vận hành của chuỗi cung ứng dịch vụ, không ai khác, là người có thẩm quyền trong việc tổ chức, quản lý phần chuỗi cung ứng nằm trong khu vực công. Mô hình kết nối với quyền lực công để khuếch trương việc kinh doanh có vẻ như ăn nên làm ra nên có xu hướng nhân rộng phiên bản.

Chẳng hạn không biết bằng cách nào đó mà một hãng bia có được sự hậu thuẫn chính thức của chính quyền ở một địa phương để chiếm lĩnh thị phần: chính quyền ra hẳn một văn bản buộc cán bộ, công chức, viên chức phải uống bia của hãng đó và xử lý kỷ luật người vi phạm.

Ba bảo vệ trong câu chuyện gây ồn ào mấy ngày qua đã bị đuổi việc. Ai cũng hiểu đó chỉ là một kiểu thí chốt quen thấy mỗi khi một lợi ích lớn có nguy cơ bị công phá, cần được che chắn, bảo hộ.

Điều cần thiết là phá vòng vây trói buộc người bệnh, nói rộng ra là người sử dụng dịch vụ, để việc sử dụng dịch vụ phải là kết quả việc thực hiện quyền lựa chọn của người thụ hưởng trong những điều kiện thoải mái, thuận lợi nhất.

Muốn làm được điều đó phải có những quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, mạng lưới cung ứng dịch vụ trong khu vực công, người đứng đầu chính quyền địa phương...

Đặc biệt phải có những chế tài thật nghiêm khắc đối với những vị trí này một khi xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, lũng đoạn trong chuỗi cung ứng hoặc trong địa bàn mà mình chịu trách nhiệm quản lý. Có như vậy, người đứng đầu mới chịu áp lực để thực hiện nhiệm vụ của mình một cách mẫn cán và có hiệu quả.

NGUYỄN NGỌC ĐIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên