15/09/2003 18:34 GMT+7

Thủy lợi, thủy...hại

Theo LĐ
Theo LĐ

Dự án hồ chứa nước Cà Giây, Lòng Sông (Bình Thuận) và dự án Tân Giang (Ninh Thuận) đã được Nhà nước đầu tư gần 470 tỉ đồng nhằm cải thiện đời sống sinh hoạt và sản xuất cho hàng trăm ngàn dân và hơn 11.000ha. Tuy nhiên, sự quan tâm này đã không mang đến hiệu quả trọn vẹn chỉ vì sự quản lý yếu kém, tùy tiện đã gây ra lãng phí và thất thoát hàng tỉ đồng của Nhà nước.

Đấu thầu tuỳ tiện, tự ý nghiệm thu

Ngay từ khi dự án hồ chứa nước Cà Giây (CG) mở thầu vào năm 1996 đã có nhiều sai phạm. Như việc hồ sơ dự thầu của Cty xây dựng 44 đã bất hợp lệ từ đầu nhưng vẫn đàng hoàng được Ban quản lý Dự án thủy lợi 415 (BQL 415) chấm trúng thầu 50% giá trị khối lượng công trình 31,927 tỉ đồng.

Sự tuỳ tiện trong quản lý đấu thầu tại BQL 415 đã ngang nhiên vi phạm Quy chế đấu thầu ban hành kèm theo Nghị định 43/CP của Chính phủ. Trong dự án CG, Cty tàu cuốc 2 đã trúng 2 gói thầu xây dựng hệ thống kênh Ma OÁ và Chà Vầu với tổng giá trị 6,3 tỉ đồng.

Khởi công từ tháng 4.1998, khi hoàn thành Công trình thủy lợi Tân Giang (TG) có thể tạo nguồn tưới tự chảy cho 3.000ha diện tích canh tác, kết hợp cấp nước cho dân sinh hoạt và phát triển chăn nuôi.

Vào thời điểm ngày 28.12.1999, dù gói thầu số 7 (thân đập) mới xây lắp được khối lượng bêtông 3.261m3, nhưng đơn vị thi công là Cty xây dựng thủy lợi 24 lại được nghiệm thu khối lượng lên đến 5.546m3. Khối lượng được nghiệm thu trước là 2.285m3 (chiếm tỉ lệ 41,2%) với giá trị được Kho bạc Nhà nước tỉnh Ninh Thuận chấp nhận thanh toán vào ngày 25.1.2000 là 1,243 tỉ đồng. Trước đó, Kho bạc cũng đã thanh toán cho phần "nghiệm thu trước" đã được hai bên A-B và tư vấn giám sát chấp thuận với số tiền 326 triệu đồng cho Cty xây dựng 47. Phần khối lượng của 2 Cty trên được nghiệm thu trước chỉ hoàn thành sau đó khoảng 5 tháng.

Nếu tính sơ bộ, với tổng giá trị 1,569 tỉ đồng được "cho vay trước" trong 5 tháng cũng phát sinh lãi từ 40-50 triệu đồng. Không hiểu vì sao BQL 415 và tư vấn giám sát lại "tốt" với đơn vị thi công bằng cách "cho vay" không lấy khoản lãi như thế? Việc làm này không thể chấp nhận vì đã vi phạm Điều lệ quản lý đầu tư xây dựng ban hành kèm Nghị định 52/CP của Chính phủ.

Và quản lý yếu kém làm lãng phí hàng tỉ đồng

Một số phòng ban thuộc các đơn vị, cơ quan của Bộ NNPTNT tỏ ra yếu kém về nghiệp vụ thẩm định. Sự yếu kém này còn bộc lộ trong việc tham mưu cho cấp trên phê duyệt báo cáo khả thi và thiết kế kỹ thuật-tổng dự toán dự án CG, Bộ đã cắt bỏ hàng loạt các hạng mục cần thiết như xử lý nền đập, đất đắp đập, khoan phụt thân đập chống thấm, tràn xả lũ...Tháng 10.1998 Bình Thuận có mưa lớn, nước hồ CG lên nhanh đến cao trình 73m (cao trình tràn tự do 74,7m) theo những vết nứt chưa được xử lý, tạo nên dòng thấm lớn. Đập đất bị lún và nứt. Cho đến lúc này, Bộ NNPTNT mới đưa ra các biện pháp xử lý mà chính mình đã cắt bỏ trước đó, với khoản kinh phí bổ sung phát sinh hạng mục 14,3 tỉ đồng. Riêng việc đào ra đắp lại đoạn đập bị lún nứt, Nhà nước lại phải mất thêm 1,53 tỉ đồng. Hai trường hợp kể trên đã lãng phí của Nhà nước hơn 2,1 tỉ đồng, thời gian thi công CG còn bị kéo dài từ 33 tháng lên 47 tháng. Theo kết luận của Thanh tra Bộ Tài chính, mặc dù được Bộ NNPTNT giao nhiệm vụ chủ đầu tư 3 dự án xây dựng công trình thủy lợi CG, Lòng Sông và Tân Giang, nhưng trong quá trình quản lý BQL 415 đã để xảy ra quá nhiều sai phạm, kéo dài nhiều năm từ 1994 đến 2002. Hàng tỉ đồng tiền Nhà nước bị móc ruột, xà xẻo. Trong tổng cộng 52 gói thầu thuộc 3 dự án trên đã có 8 gói thầu được BQL 415 đồng thuận với các đơn vị thi công móc của Nhà nước hơn 2,36 tỉ đồng.

Theo LĐ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên