17/10/2003 06:19 GMT+7

Người đam mê...đồ đá

TIÊN MINH
TIÊN MINH

TT - Ông Thành đang ở tuổi 50, ngụ tại một ngôi nhà trên đường Hoàng Văn Thụ, thị xã Kontum, có gần 20 năm nối tiếp nghiệp nhà trong chế tác và kinh doanh vàng bạc. Có thể xem đấy là “duyên nợ” để ông đến với thú sưu tầm hiện vật đồ đá, rồi “say” chúng suốt hơn mười năm qua.

1Pnq8B0I.jpgPhóng to
Ông Thành bên một khung kính trưng bày bộ sưu tập hiện vật của mình

“Thật tuyệt vời!” - đó là câu nói mở đầu của phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, trưởng phòng nghiên cứu thời đại đá của Viện Khảo cổ học (thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia), khi ông đưa ra những đánh giá của mình về bộ sưu tập với hơn 3.600 hiện vật thuộc thời đồ đá của ông Văn Đình Thành, một người dân có niềm đam mê về một lĩnh vực dường như chỉ những nhà khảo cổ học mới yêu thích.

Chuyện là vào những năm 1990-1991, dân đãi vàng các nơi đổ về các đoạn sông Krông Pôkô, thuộc địa phận huyện Sa Thầy để tìm vận may. Không cưỡng lại được lời đồn đãi rằng nhiều người đã đổi đời nhờ “trúng mánh”, ông Thành trực tiếp dẫn một số người giúp việc vào bãi vàng thử vận.

Ngày nọ, một người giúp việc tìm thấy từ dưới hố đất một vật nhỏ bằng đá, tròn như chiếc bánh xe và có lỗ ở giữa, anh ta đập vỡ để xem có vàng bên trong không. Vật ấy bể đôi cũng là lúc ông Thành nhìn thấy. Hình thù khá đặc biệt của nó khiến ông nghĩ: “Không thể là hòn đá trong tự nhiên được”, rồi nói lớn: “Là đồ vật của người xưa đó”. Thế là nhiều người liền bảo: “Thứ đó thiếu gì, còn có cả rìu đá, lưỡi cuốc đá nữa, bọn tui lấy làm gì”.

Chỉ với ý nghĩ trước cảnh hoang vu của sông sâu, rừng thẳm lại xuất hiện những vật mang dấu ấn của người xưa, của lịch sử đã khiến ông muốn nhìn thấy hình thù của chúng thế nào, vậy là ông bảo ai tìm thấy chúng mang đến ông mua... Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người trong lúc đào đãi vàng “nhân tiện” tìm thấy những vật có hình dáng đặc biệt đều mang đến cho ông và chỉ đòi hỏi ít tiền mọn hút thuốc, ăn quà.

Ông kể: “Lúc đó chẳng ai hiểu được chúng có giá trị như thế nào, cả tôi cũng vậy, nên thường khi nhận được một vật tôi trả họ năm, ba ngàn đồng. Có người ở bãi vàng lâu ngày, áo quần bị rách tươm, đưa tôi hàng chục viên đá nhỏ mà sau này tôi mới biết mỗi vật như thế là một lưỡi rìu, lưỡi cuốc; đổi lại họ chỉ yêu cầu được nhận một chiếc áo sơmi!”.

Thời điểm trước năm 2000, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử là trưởng đoàn khảo cổ học lên Kontum tiến hành điều tra, thám sát và rồi tổ chức khai quật di chỉ Lung Leng vào năm 2001. Đôi lần ông được ông Thành mời đến nhà để xin ông “chỉ giáo” cho nhiều điều. Nhờ những kiến thức này, ông Thành tiếp tục công việc sưu tầm một cách có hiệu quả hơn và tiến hành xử lý hiện vật trong bộ sưu tập của mình.

Hơn mười năm qua, ông Thành không hề trao đổi hoặc bán đi bất kỳ một hiện vật nào. Với ông, mỗi hiện vật đều gắn liền với từng kỷ niệm mà lòng say mê không cho phép ông quên. Đó là những ngày rong ruổi vào các thôn, làng ở các xã Ya Chim, Kroong (thị xã Kontum) rồi Sa Bình (huyện Sa Thầy)...

Ông nói những chuyến đi sưu tầm được ông thực hiện thường xuyên hằng năm, lúc thì mang theo lương thực, thuốc chữa bệnh, quần áo... lang thang ở các bãi đãi vàng và trao đổi chúng với những người nhặt được hiện vật. Có lúc ông phải kiên trì cả nửa tháng trời để năn nỉ được mua từ một người dân tộc thiểu số đang có trong tay một hiện vật mà với họ chỉ mang ý nghĩa như một linh vật, khi có bệnh sẽ mài vật đó để uống (?).

Những hiện vật mà ông Thành có được chủ yếu là rìu, bôn, cuốc, bàn mài... và phần lớn mang đặc trưng của hậu kỳ thời đại đá mới, nằm trong khung thời gian cách đây 3.000 - 4.000 năm. Mỗi thứ lại có nhiều hình thức, đặc trưng riêng.

Lại nói đến nhận xét của phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử, rằng trong bộ sưu tập của ông Thành có đến hai “bảo bối” mà với cả bảo tàng nhà nước cũng phải ao ước, ngay cả danh sách ước tính trên dưới 2 vạn hiện vật đồ đá của di chỉ Lung Leng được khai quật cũng vắng mặt: đấy là ba mũi qua (một loại vũ khí) bằng đá ngọc, trong đó có một chiếc còn gần như nguyên vẹn; tiếp đến là bàn dùng đập vải vỏ cây được chạm khắc tinh xảo.

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sử đánh giá rất cao những gì mà ông Thành đã làm, về bộ sưu tập khá độc đáo không dễ có ở người thứ hai. Đặc biệt là việc ông Thành đã lựa chọn để trưng bày 2.679 hiện vật trong bốn khung kính tại nhà riêng của mình, chúng được ông trân trọng đặt trong căn phòng đã và đang là nơi thờ tự gia tiên.

TIÊN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên