12/10/2003 20:15 GMT+7

Sản phẩm mới: Thời gian "sống" tính bằng tháng

Theo SGTT
Theo SGTT

Tốc độ tung ra sản phẩm mới của các doanh nghiệp tăng gấp đôi trong vòng 3 năm qua. Chu kỳ sống trên thị trường của sản phẩm theo đó cũng ngắn lại. Chi phí quảng bá cho sự xuất hiện của một loại sản phẩm mới đẩy giá sản phẩm ngày càng lên cao và người gánh chịu cuối cùng là khách mua hàng.

yRQhgc2R.jpgPhóng to
Chi phí quảng bá cho sản phẩm mới đẩy giá sản phẩm ngày càng cao
Tốc độ tung ra sản phẩm mới của các doanh nghiệp tăng gấp đôi trong vòng 3 năm qua. Chu kỳ sống trên thị trường của sản phẩm theo đó cũng ngắn lại. Chi phí quảng bá cho sự xuất hiện của một loại sản phẩm mới đẩy giá sản phẩm ngày càng lên cao và người gánh chịu cuối cùng là khách mua hàng.

Tốc độ ra đời sản phẩm mới ngày càng nhanh

Tính từ đầu năm 2003 đến nay, trên thị trường đã xuất hiện gần 40 mẫu gạch ceramic mới. Sản phẩm dùng trong nhà bếp có gần 100 mẫu mới với đủ các tính năng từ nấu trên bếp đơn giản, nấu bằng điện đến nấu kiểu “kỹ thuật số”.

Các loại thảo dược được chiết suất đã liên tục xuất hiện từ lô hội, nghệ, dưa leo, sữa tươi, cam, trà xanh, gấc...

Theo các nhà sản xuất, ít nhất trong một tháng, bộ phận nghiên cứu, thí nghiệm phải có một sản phẩm mới cho dù sản phẩm này có được tung ra bán trên thị trường hay không.

Trước đây cứ 2 năm các nhãn hiệu mỹ phẩm hàng hiệu thế giới tung ra dòng sản phẩm mới một lần thì nay chỉ còn 1 năm. Các nhóm mặt hàng chất tẩy rửa, dầu gội chỉ còn 3 tháng.

Hai nguyên nhân chính đang tạo thành áp lực buộc các nhà sản xuất phải liên tục cho ra những mặt hàng mới là nhu cầu người tiêu dùng ngày càng cao, liên tục đòi hỏi những sản phẩm mới, tiện dụng và cuộc cạnh tranh giành thị trường giữa các nhãn hiệu ngày càng quyết liệt.

Ví dụ công ty Ðiện Quang, một giai đoạn dài trước 1999 chỉ có hai loại sản phẩm là bóng đèn tròn và bóng huỳnh quang. Nhưng trong 3 năm 2000 - 2003, công ty đã phát triển trên 100 loại sản phẩm mới, mà mỗi loại còn có nhiều kích cỡ, màu sắc, mức giá khác nhau.

Bà Hồ Thị Kim Thoa, giám đốc công ty Ðiện Quang nói: "Chỉ dựa vào chất lượng, giá thì chưa đủ để cạnh tranh với những nhãn hiệu mạnh trên thế giới như Philip, National hay hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường. Chúng tôi phải nhờ vào sản phẩm mới, đa dạng, đáp ứng nhiều nhu cầu khác nhau để cạnh tranh”.

Khi thời gian sống tính bằng tháng

Có ba khuynh hướng phát triển của dòng sản phẩm mới hiện nay là: tăng thêm tiện ích cho dòng sản phẩm cũ; phát triển sản phẩm mới thay thế dựa trên dòng sản phẩm cũ cùng loại; tung ra dòng sản phẩm mới hoàn toàn.

Các công ty nhỏ thường chọn cách tạo nét mới cho sản phẩm cũ bằng bao bì, mẫu mã hoặc tăng thêm một số tính năng mới. Chỉ những công ty lớn hoặc tập đoàn đa quốc gia mới mạnh dạn tung ra sản phẩm mới đi trước thị trường bởi lẽ họ tiến hành các công việc điều tra nghiên cứu nhu cầu người tiêu dùng thường xuyên.

Như tại LG Vina, hàng năm đều có các cuộc khảo sát về sự tác động của môi trường, khí hậu, đời sống đến làn da của phụ nữ để đưa ra dòng sản phẩm mới phù hợp. Còn công ty SC Jonhson Việt Nam cứ mỗi hai tháng lại cho tiến hành kiểm tra đánh giá thị phần tiêu thụ, tìm hiểu những nhu cầu mới.

Cũng chính vì tốc độ phát triển sản phẩm mới nhanh nên buộc nhà sản xuất khi tung hàng ra thị trường phải tạo được những ấn tượng mới, lạ, độc đáo để thu hút sự chú ý của khách hàng.

Các "chiêu" quảng bá tiếp thị thường được vận dụng là ngay khi xuất hiện lần đầu tiên phải tạo được ấn tượng thật mạnh bằng pano, áp phích, băng rôn treo khắp nơi, quảng cáo ồ ạt; phát mẫu dùng thử hoặc tổ chức các hoạt động cố gắng thu hút thật đông người tiêu dùng đến xem...

Theo khảo sát của một công ty dịch vụ quảng cáo ở TP.HCM, bình quân mỗi tháng trên toàn quốc có khoảng 20-30 chương trình giới thiệu sản phẩm mới. Mỗi nhóm ngành hàng đều có ít nhất từ 3-5 sản phẩm mới/tháng.

Cũng theo thống kê của một công ty quảng cáo, chi phí quảng bá cho sự xuất hiện của một loại sản phẩm mới của các công ty lớn hiện nay thấp nhất là 300 triệu và nhiều nhất là 45 tỉ đồng. Chính chi phí này đã góp phần đẩy giá sản phẩm ngày càng lên cao và người gánh chịu cuối cùng là khách mua hàng.

Bên cạnh đó, vòng đời sản phẩm ngắn thì khoảng thời gian để khai thác kinh doanh trở nên ngày càng ngắn hơn. Các nhà sản xuất buộc phải khấu hao nhanh và thu hồi vốn nhanh. Điều này cũng làm cho giá các mặt hàng mới lên cao.

Theo SGTT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên