07/01/2023 17:16 GMT+7

Chậm thanh toán cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 vì sợ trách nhiệm, sợ sai?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho hay các lực lượng vào tuyến đầu chống dịch COVID-19 không cần biết được hưởng bao nhiêu vì lúc đó chỉ lo bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân. Nhưng căn cứ thủ tục, chậm thanh toán gây tổn thương đến tinh thần của họ.

Chậm thanh toán cho lực lượng tuyến đầu chống dịch COVID-19 vì sợ trách nhiệm, sợ sai? - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Ảnh: PHẠM THẮNG

Chiều 7-1, Quốc hội thảo luận về đánh giá việc thực hiện quy định tại nghị quyết 30 ngày 28-7-2021 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đề xuất nội dung đưa vào nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại nghị quyết số 30. 

Đồng thời cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật dược.

Cần liệu pháp đủ mạnh "xốc" lại tinh thần

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nhìn nhận, đại dịch COVID-19 "như một cơn cuồng phong có tuổi thọ cao hơn bất kỳ cơn bão nào", đã làm xuất hiện những lỗ hổng, kẽ hở trong nhiều cơ chế, chính sách... mà có những việc phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết. 

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nam đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết toàn diện thực tiễn chống dịch và những vướng mắc phát sinh... như một chứng cứ lịch sử, làm cẩm nang cho hiện tại, con cháu về sau. 

Ông chỉ rõ cần cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình chống dịch tại địa phương và các bộ ngành. Các vấn đề mang tính khách quan cần có biện pháp giải quyết và chủ quan phải xử lý. 

Đồng thời các cơ chế, chính sách, giải pháp phải như một liệu pháp đủ mạnh để "xốc" lại tinh thần hăng say, nhiệt huyết, xả thân vì cộng đồng của tất cả lực lượng tham gia chống dịch.

Từ đó chúng ta có đủ lực lượng dự phòng, ứng phó kịp thời với những vấn đề tương tự trong tương lai.

Chậm thanh toán gây tổn thương tinh thần

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cũng đánh giá cao nghị quyết số 30 là sáng kiến lập pháp chưa có tiền lệ.

Từ đó đã huy động nhiều lực lượng tuyến đầu tham gia chống dịch, trong đó có 300.000 cán bộ y tế, quân đội, công an và 31 địa phương tham gia hỗ trợ các tỉnh phía Nam chống dịch.

Tuy nhiên việc chậm thanh toán cho các chiến sĩ, cho các lực lượng tuyến đầu đã gây tổn thương đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu khi tham gia chống dịch. 

"Họ không cần biết họ sẽ được hưởng bao nhiêu tiền, vì lúc đó họ chỉ lo bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết. Nhưng chúng ta cứ căn cứ thủ tục, chậm thanh toán gây tổn thương đến tinh thần của họ", ông Ngân nêu.

Do đó, ông đề nghị việc thanh toán cho lực lượng tuyến đầu, thanh toán chi phí phòng, chống dịch COVID-19 cho cơ sở y tế và chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 quy định trong dự thảo nghị quyết các thủ tục phải hết sức đơn giản, rút gọn. 

Đồng thời nên áp dụng thêm cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách đối với việc mua sắm vật tư y tế, đầu tư cơ sở, trang thiết bị hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh; phải tăng cường công tác phân tích, dự báo; tăng thêm chi phí cho ngành y tế để tăng cường công tác phân tích, dự báo phòng, chống các dịch bệnh...

Liên quan việc thanh toán chế độ, chi phí chậm, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng cần nhìn nhận lý do vì sao để chậm trễ như vậy, bởi Quốc hội đã cho phép và Chính phủ không phải thiếu kinh phí. 

Ông đặt câu hỏi đó có phải là do thiếu tinh thần trách nhiệm vì chưa rõ cần làm thế nào, hay là bị mất phương hướng sau khi một loạt sai phạm xảy ra và vì những người có trách nhiệm sợ sai?

Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện việc này quyết liệt, cần làm ngay, chỉ ra cách làm như thế nào và cụ thể cơ quan, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm.

Ông Trí cũng đề nghị cần rút kinh nghiệm trong sản xuất vắc xin bởi vừa qua Việt Nam đã không có vắc xin riêng.  

"Lý do là đã đi sai đường, chúng ta đã đặt gánh nặng sản xuất vắc xin trên vai những công ty tư nhân. Công ty tư nhân tốt, nhiều tiền nhưng về trí tuệ, kiến thức khoa học chưa đầy đủ. 

Tại sao không tập trung đội ngũ những nhà khoa học sản xuất vắc xin, tiếp thu cho hết kiến thức của thế giới để làm vắc xin?", ông đặt vấn đề.

Ông cho rằng nên rút kinh nghiệm và chúng ta "không đi từ A đến Z", mà có thể mời chuyên gia quốc tế, mua hẳn công nghệ để tổ chức nhà máy sản xuất, kịp thời có ngay cho người dân sử dụng. 

Ông đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm tổ chức hệ thống sản xuất vắc xin bài bản, quy củ, đúng cách, phục vụ đất nước phòng, chống những đợt dịch khác tương tự.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói về vướng mắc lớn sau chống dịch COVID-19Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nói về vướng mắc lớn sau chống dịch COVID-19

Bà Trần Thị Nhị Hà cho hay tại thời điểm dịch bệnh bùng phát, khi triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch, nhu cầu sử dụng trang thiết bị, vật tư rất lớn nên các địa phương phải huy động, trưng dụng trang thiết bị, nhân lực của tư nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên