08/08/2008 08:16 GMT+7

Đảo chính quân sự ở Mauritania

THANH TRÚC
THANH TRÚC

TT - Chính quyền dân chủ non trẻ của đất nước châu Phi Mauritania đang đứng trước thách thức sau khi các tướng lĩnh quân đội tiến hành đảo chính lật đổ tổng thống hôm 6-8.

Rj2VpTht.jpgPhóng to
Từng là những người cùng chí hướng, Tổng thống Abdallahi (trái) và tướng Abdelaziz (phải) giờ đây đang đứng trên hai chiến tuyến - Ảnh: AFP

Theo Reuters, quân đội đã bắt giam tại nhà Tổng thống Sidi Mohamed Ould Cheikh Abdallahi và Thủ tướng Yahya Ould Ahmed, đồng thời tuyên bố thành lập "hội đồng quốc gia" do tướng Mohamed Ould Abdelaziz đứng đầu.

Tướng Abdelaziz là một trong bốn tướng lĩnh quân đội vừa bị Tổng thống Abdallahi sa thải vì họ đứng về phía các nghị sĩ tố cáo tổng thống tham nhũng và thân chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Trong thông cáo phát trên đài truyền hình quốc gia gần 14 giờ sau cuộc đảo chính, các tướng lĩnh cam kết sẽ tiến hành một cuộc bầu cử minh bạch và tự do trong thời gian sớm nhất. Tạm thời đất nước sẽ được điều hành bởi hội đồng quốc gia gồm 11 thành viên, tất cả đều là chỉ huy quân sự cấp cao ở Mauritania.

Thông cáo không nêu lý do cuộc đảo chính, song giới phân tích nhận xét đó là kết quả của những bất đồng chính trị kéo dài trong thời gian qua trong chính quyền Mauritania.

Ông Abdallahi lên làm tổng thống năm 2007 sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Mauritania kể từ năm 1960. Có được kết quả đó là nhờ một cuộc đảo chính năm 2005 do tướng Abdelaziz lập kế hoạch, lật đổ Tổng thống Maaouya Ould SidAhmed Taya, chấm dứt 21 năm Mauritania bị cai trị dưới chế độ độc tài. Tuy nhiên, sau hơn một năm lãnh đạo đất nước, Tổng thống mới Abdallahi đã thực hiện một loạt quyết định khiến giới quân sự và các nghị sĩ không hài lòng.

Đầu tiên, ông mở một cuộc đối thoại với các phần tử Hồi giáo bị cho là có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al Qaeda ở Bắc Phi. Ông cũng đã thả một số nghi phạm khủng bố khỏi nhà tù Mauritania không lâu sau khi lên nắm quyền. Thứ hai, các nghị sĩ cáo buộc Abdallahi có những biểu hiện đi theo hướng lãnh đạo độc tài giống như cựu tổng thống Taya, thể hiện qua việc ông bổ nhiệm 12 vị trí bộ trưởng cho những người trong phe Taya.

Theo AP, điều này khiến các nghị sĩ bất bình và họ đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào tháng sáu vừa qua để cải tổ nội các. Song trong nội các mới thành lập ngày 10-7 vẫn xuất hiện một số nhân vật chủ chốt dưới thời Taya. Quá tức giận, 48 nghị sĩ đã từ chức khỏi quốc hội hôm 5-8.

Mauritania có dân số 3,4 triệu người. Kể từ khi giành độc lập từ Pháp vào năm 1960, quốc gia nhỏ bé nằm ở tây bắc châu Phi này đã chứng kiến hơn 10 cuộc đảo chính hoặc âm mưu đảo chính. Mauritania nhập khẩu hơn 70% lương thực dùng trong nước. Cuộc khủng hoảng lương thực gần đây đã làm đời sống dân chúng khó khăn hơn ở đất nước mà đa số dân có thu nhập khoảng 5 USD/ngày.

Tại cuộc họp báo sau cuộc đảo chính, nghị sĩ Mohamed Yahya Khirchi đã đọc một bản thông cáo do 48 nghị sĩ ký tên cho biết họ ủng hộ cuộc đảo chính. Thông cáo có đoạn: "Các thành viên của quốc hội Mauritania muốn nhấn mạnh một điều, chính quân đội đã giải phóng nhân dân Mauritania khỏi sự cai trị độc tài của tổng thống Taya. Hôm nay, họ một lần nữa đang bảo vệ những thành quả dân chủ mà chúng ta đã đạt được".

Reuters cho biết ngoài những quyết sách gây bất đồng, Tổng thống Abdallahi còn bị các nghị sĩ tố cáo tham nhũng. Ông đang đối mặt với các cáo buộc dùng quỹ công để xây một nhà thờ Hồi giáo trong khu dinh thự tổng thống và tài trợ một quỹ do vợ ông điều hành. Bản tin trên Euro News dẫn lời một cư dân sống ở thủ đô Nouakchott than phiền tổng thống đã điều hành kinh tế kém, dẫn đến giá cả các mặt hàng tăng cao. "Không ai mua nổi thức ăn vì tất cả hàng hóa đều tăng giá, còn tổng thống thì đi du lịch suốt" - người này nói.

Tương tự cuộc đảo chính năm 2005, sự thay đổi quyền lực lần này ở Mauritania đã nhanh chóng gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên thế giới. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon bày tỏ lo ngại sâu sắc về cuộc đảo chính và kêu gọi Mauritania nhanh chóng khôi phục trật tự hiến pháp.

Chủ tịch Hội đồng phát triển Liên minh châu Âu (EU) Louis Michel dọa EU sẽ cắt khoản viện trợ 241 triệu USD cho Mauritania, nếu chính phủ không phục hồi chức vụ cho tổng thống và thủ tướng nước này. Trong khi đó, Liên minh châu Phi tuyên bố sẽ cử đại diện đến thủ đô Nouakchott của Mauritania để tìm hiểu tình hình.

THANH TRÚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên