30/07/2022 18:03 GMT+7

Công ty SJC khẳng định 'không hưởng lợi' từ chênh lệch giá vàng cao

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Trong 10 năm qua SJC không được dập một miếng vàng nào từ nguyên liệu. Từ khi giao thương hiệu vàng, SJC mất hoàn toàn các lợi thế về kinh doanh và khi nghị định 24 được ban hành, lợi nhuận ròng của SJC lao dốc mạnh.

Công ty SJC khẳng định không hưởng lợi từ chênh lệch giá vàng cao - Ảnh 1.

Lợi nhuận của Công ty SJC chỉ bằng 1/5 so với trước khi áp dụng nghị định 24 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Theo đó, từ mức lợi nhuận ròng hơn 300 tỉ - gần 400 tỉ đồng/năm tới hiện nay Công ty SJC chỉ đạt 74 - 80 tỉ lãi ròng mỗi năm.

Bà Lê Thúy Hằng - tổng giám đốc Công ty SJC - cho biết như trên tại buổi họp với các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp kinh doanh vàng về công tác quản lý thị trường vàng do Ngân hàng Nhà nước tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên trong nhiều năm qua Công ty SJC lên tiếng về vấn đề này.

Cụ thể, bà Hằng cho hay từ năm 2012, thương hiệu SJC được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước lựa chọn là thương hiệu vàng quốc gia. Việc sản xuất vàng miếng được Ngân hàng Nhà nước quản lý rất chặt chẽ trong tất cả các khâu của quy trình, bắt đầu từ cân đo sản phẩm, kiểm tra series, đốt nấu và dập ra vàng miếng.

SJC là đơn vị đã được chọn là thương hiệu quốc gia nên luôn luôn tuân thủ đúng các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Giá để gia công các miếng vàng chỉ là 140.000 đồng/lượng. Do vậy vấn đề chênh lệch giá vàng thì Công ty SJC hoàn toàn không có lợi.

"Về giá vàng trên thị trường, SJC không phải người thao túng hay làm giá. Bởi giá vàng do cung - cầu của thị trường quyết định. Tất cả các đơn vị kinh doanh vàng đều hiểu không có đơn vị nào thao túng giá vàng. Việc đầu tiên khi lấy giá vàng là tham chiếu giá vàng thế giới, sau đó theo cung - cầu thực tế của thị trường, quyết định ra giá vàng. Không đơn vị nào có thể tự chủ động định giá trên thị trường", bà Hằng nói.

Thực tế, trên thị trường, các đơn vị tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp kinh doanh vàng có thể có quyền từ chối mua và bán, nhưng SJC vì đã được lựa chọn là thương hiệu vàng miếng quốc gia nên đối với tất cả các nhu cầu mua - bán trên thị trường SJC đều phải thực hiện.

Bà Lê Thúy Hằng cũng cho biết, số lượng vàng trên thị trường còn rất ít, bởi có những năm, những thời điểm, giá nguyên liệu và giá vàng SJC thấp hơn hoặc bằng, các thương hiệu trong nước nấu vàng miếng của SJC để sản xuất nhẫn và nữ trang.

Đặc biệt, năm 2019, thị trường vàng xuất đi nước ngoài rất nhiều cho nên lượng vàng SJC trên thị trường hiện nay còn rất ít. Nguồn cung hiện tại không có trong khi nhu cầu thị trường có, do vậy tạo ra độ chênh về giá so với vàng thế giới.

"Vàng miếng SJC vẫn thể hiện được chất lượng, uy tín của mình và được khách hàng lựa chọn. Nếu thời gian tới cho các thương hiệu khác cùng dập vàng miếng thì cũng là một điều tốt. Công ty nào uy tín, chất lượng thì được thị trường và người dân lựa chọn. Công ty SJC luôn tuân thủ hoạt động của mình trong việc quản lý của Chính phủ, Nhà nước và mong muốn có sự cạnh tranh công bằng", bà Hằng nói.

Thời gian qua giá vàng miếng SJC chênh rất cao so với giá vàng thế giới, có lúc lên đến 20 triệu đồng/lượng. Nhiều câu hỏi được đặt ra là vì sao lại có hiện tượng chênh lệch như vậy? Có hay không lợi ích nhóm, tiền chênh đó ai được hưởng lợi? Tại sao không xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng…

Được biết từ năm 2014 đến nay, Ngân hàng Nhà nước không đưa thêm vàng ra thị trường, chưa kể vàng miếng SJC trong lưu thông thậm chí còn được chuyển hóa sang vàng nguyên liệu để phục vụ cho sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ và các loại vàng trang sức mỹ nghệ này còn được đem xuất khẩu.

Do nguồn cung bị giảm, giá vàng thế giới tăng cao, các doanh nghiệp lại phòng thủ, dự trữ vàng do không biết giá vàng thế giới biến động như thế nào nên giá vàng miếng SJC ngày càng bị đẩy lên cao.

Cuối ngày hôm nay, 30-7, giá vàng thế giới ở mức 1.766,5 USD/ounce. Quy đổi theo tỉ giá niêm yết tại ngân hàng tương đương 50 triệu đồng/lượng.

Trong khi đó giá vàng miếng SJC hôm nay tăng thêm 600.000 đồng/lượng, lên mức 67,1 triệu đồng/lượng. Giá mua vào thấp hơn giá bán ra 1 triệu đồng/lượng.

Công ty PNJ tăng giá bán vàng miếng SJC thêm 200.000 đồng/lượng, lên mức 66,7 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 65,7 triệu đồng/lượng.

Tại Công ty DOJI, giá bán vàng miếng SJC ở TP.HCM mức 66,5 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với ngày hôm qua.

Còn tại các tiệm vàng, giá bán vàng miếng SJC đang khá sát giá bán tại Công ty SJC, ở mức 67,05 triệu đồng/lượng, cách biệt giá mua - bán lên đến 700.000 đồng/lượng.

So với giá vàng thế giới quy đổi, giá bán vàng miếng SJC đang cao hơn đến 17,1 triệu đồng/lượng.


Giá vàng SJC xuống 60 triệu đồng/lượng rồi vọt lên giữa bão tin đồn Giá vàng SJC xuống 60 triệu đồng/lượng rồi vọt lên giữa bão tin đồn

TTO - Có hàng loạt tin đồn trên thị trường vàng trong hai ngày qua khiến giá vàng miếng SJC từ chỗ chốt cứng ở mức 68 triệu đồng/lượng có lúc đã giảm còn 60 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào. Liệu giá vàng miếng SJC có về ngang giá vàng thế giới?

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên