20/03/2004 16:53 GMT+7

Chuyện ông Ba Đông

LÊ THANH TRỪ
LÊ THANH TRỪ

TTCN - Với chiếc xe đạp mini mua từ năm nảo năm nào, thoắt cái ông ở nơi này, thoắt cái ông ở chỗ nọ. Trong nhà ông, tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài… chật cả phòng khách. Còn ở phòng vẽ thì ngổn ngang những tranh vừa vẽ xong, tranh còn dang dở cùng những phác thảo màu, đen trắng…

HuGVxt2k.jpgPhóng to
TTCN - Với chiếc xe đạp mini mua từ năm nảo năm nào, thoắt cái ông ở nơi này, thoắt cái ông ở chỗ nọ. Trong nhà ông, tranh lụa, tranh sơn dầu, sơn mài… chật cả phòng khách. Còn ở phòng vẽ thì ngổn ngang những tranh vừa vẽ xong, tranh còn dang dở cùng những phác thảo màu, đen trắng…

Có điều ít khi gặp được ông ở nhà. Ông đi hội họp, đi dạy ở Trường đại học Kiến trúc, Đại học Mở, Đại học Văn Lang, ở các lớp luyện thi... cả trong lẫn ngoài giờ hành chính. Ông còn tham gia Hội Cựu chiến binh, Hội Hữu nghị VN - Cuba, Hội Mỹ thuật TP.HCM (ủy viên ban chấp hành); lại còn dành thời gian đi thực tế sáng tác ở các tỉnh xa...

Có lần ông tham gia một đoàn họa sĩ đi thực tế. Sáng sớm lên xe đò từ Sài Gòn đến thị xã Vĩnh Long đã hơn 12g trưa, cả đoàn cơm nước nghỉ ngơi qua loa. 13g30 đoàn thuê đò máy chạy dọc theo sông để quan sát, xếp chương trình làm việc. Anh em cùng đi mải ngắm phong cảnh, trò chuyện, trong khi đó họa sĩ Huỳnh Phương Đông với cây bút chì than ký họa xoành xoạch. Mắt nhìn, tay vẽ, thỉnh thoảng ông còn chen vài câu dí dỏm với những đồng nghiệp ngồi quanh. Những ghi chép kiểu này của ông thật sinh động mà cũng khá hoàn chỉnh.

Tới ngày thứ ba, sau bữa cơm trưa cùng đoàn, Huỳnh Phương Đông vội vã khăn gói giã từ anh em, đón xe về Sài Gòn. Học trò của ông đang đợi thầy. Thầy Huỳnh Phương Đông đã xếp lịch “khít rim” đâu vào đấy cả rồi.

***

AXBwTuQt.jpgPhóng to
Nhưng đây chỉ là chuyện của mấy năm về trước chứ giờ họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã ngấp nghé tuổi tám mươi - cái tuổi buộc ông phải treo chiếc xe đạp mini thân yêu của mình lên vách nhà kho. Những lần đến dự các buổi khai mạc triển lãm tranh, lão Ba Đông đành phải chịu ngồi sau chiếc Honda để bác sĩ Thu, “phu nhân” của lão, đèo, còn những cuộc đi lại khác đã có xe ôm đưa đón.

Tuy thế, Ba Đông vẫn chưa chịu tỏ ra là người “tuổi tác”. Lần thăm lại chiến khu Rừng Sác, vùng đất chiến trường đầu tiên của ông thời chống Pháp, Ba Đông xông xáo kém gì lớp trẻ. Đấy là chuyến đoàn làm phim tài liệu về chiến khu Rừng Sác quay cảnh một thời gian khổ và hào hùng của lão họa sĩ Hoàng Trầm, bạn đồng môn và cũng là người cùng Huỳnh Phương Đông thóat ly đi kháng chiến.

Trên đoạn đường Sài Gòn - Cần Giờ hơn 70 cây số, hai ông lão Hoàng Trầm và Huỳnh Phương Đông không ngừng chuyện vãn. Chốc chốc ông Ba Đông lại cất tiếng cười ha hả sảng khoái. Sức khỏe của ông già Ba Đông đáng nể thật!

***

Đầu năm 1947, có bốn học sinh trường vẽ Gia Định hoạt động bí mật trong lòng địch ở khu vực Sài Gòn. Sau thời gian làm công tác rải truyền đơn và vẽ khẩu hiệu kêu gọi nhân dân đứng lên chống ngoại xâm, họ cùng rút về chiến khu. Đó là Hoàng Trầm, Trần Trung Hiếu, Nguyễn Đức Gia và Huỳnh Công Nhãn. Bốn chàng khăn gói đón xe đò đi về Long An, đến điểm hẹn họ xuống xe. Rõ ràng đây là cây gáo cụt ngọn bên lề, nhưng sao chẳng thấy ai ra đón. Hoảng quá! Nguyễn Đức Gia bình tĩnh hơn: - Lộ rồi bay ơi, mau mau rút về Rừng Sác thôi. Không thì chết!

Thế là cả nhóm ba chân bốn cẳng lao đến nơi không hề định trước. Ở chiến khu Rừng Sác, Huỳnh Công Nhãn nhờ vóc vạc khỏe mạnh, nhanh nhẹn nên được chuyển sang bộ đội chiến đấu. Đó là đơn vị bộ đội Bình Xuyên khét tiếng một thời.

Chiến khu Rừng Sác là một vùng đầm lầy nước mặn, vòng ngoài dày đặc đồn bót của giặc Pháp bủa vây, bên trong là rừng đước, tràm, mắm, chà là… rậm rịt cành lá, chằng chịt rễ đước, muốn băng rừng phải trèo lên rễ đước mà chuyền, rồi tuột xuống sình lầy mà bước. Di chuyển đường dài thì có xuồng theo những con rạch quanh co, phải luồn lách hết sức chật vật.

Khi giặc tấn công, anh em bộ đội lội dưới sình chiến đấu, có khi lún xuống tận bụng, tận ngực… lại chịu gai góc xóc vào chân, xót thấu trời. Trong rừng cá sấu nhiều vô kể, có lúc bộ đội còn thấy trong sâu cả cọp nữa. Doanh trại lính dựng lưng chừng thân cây, lúc nào cũng dày đặc muỗi mòng, bù mắt… Mười người có tới bảy, tám sốt rét kinh niên, mặt mày xám xịt, xanh lè.

Đáng sợ nhất là thiếu nước uống. Giặc ngày đêm tấn công, anh em chiến đấu phải chịu đói vài ngày là chuyện không lạ lẫm nhưng thiếu nước là chuyện sinh tử. Có những lúc thiếu nước ngọt bộ đội phải nhai đọt chà là cầm hơi. Vào những đêm không trăng, anh em len lỏi ra vùng giặc chiếm đóng xin nước giếng của dân. Nhưng những đêm tối trời đó giặc thường ém quân phục kích. Biết bao chuyến đi lấy nước nhưng không thấy người về, đến độ quân ta ví von là “đem máu đổi lấy nước giếng”. Mãi về sau bộ đội mới nảy ra sáng kiến cất nước mặn lấy nước ngọt như kiểu nấu rượu. Khi từng giọt từng giọt nước ngọt trong veo rơi xuống, những bộ mặt gian khổ của các chiến sĩ tươi rói lên, mừng đến rơi nước mắt.

Song nước cất kiểu đó được quá ít ỏi, chỉ để uống và nấu cơm, bộ đội vẫn phải tắm rửa bằng nước mặn. Chẳng ai thoát khỏi ghẻ lở khắp mình, trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mê gãi đến rách da. Gian khổ đến cùng cực là thế, nhưng chiến công của bộ đội Rừng Sác lại thật lẫy lừng; như trận đốt kho xăng Nhà Bè hay nhấn chìm tàu chiến cỡ lớn của Pháp trên sông Lòng Tàu.

Cuối năm 1947, Huỳnh Công Nhãn được chuyển về công tác ở ban chính trị chi đội 21. Chính ở đây, Nhãn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cũng chính nơi này Nhãn một lần vuột khỏi tay thần chết.

Hồi đó, tướng Bảy Viễn, tư lệnh bộ đội Bình Xuyên, nguyên là một tướng cướp lẫy lừng tên tuổi thời Pháp thuộc. Khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Bảy Viễn thành lập ngay bộ đội Bình Xuyên. Với bản chất một kẻ côn đồ, Bảy Viễn toan tính cướp quyền các đơn vị bộ đội ở cùng vùng, lập quân khu riêng. Hắn ra lệnh cho Tư Hoạch, chi đội trưởng chi đội 21, bắt giam tất cả chính trị viên do Đảng Cộng sản đưa vào cũng như các đảng viên được phát triển sau đó để đưa đi thủ tiêu từng người một. Rất may là số đảng viên này được chi đội 4 của Mười Trí kịp về giải thoát.

Cuối năm 1954 các lực lượng vũ trang tập kết ra Bắc, Huỳnh Công Nhãn được chuyển ngành theo học mỹ thuật. Tốt nghiệp, Nhãn cùng Xu Man, Quách Phong, Hồng Châu, Lý Châu Hoàn… tự nguyện trở về miền Nam góp phần mình trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, dù lúc này anh đã có một mái ấm gia đình với người vợ trẻ đẹp rất mực yêu thương. Từ đó Nhãn lấy tên là Huỳnh Phương Đông. Cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào Nam, đi cùng Huỳnh Phương Đông ngoài cây súng AK là cái cặp vẽ, hộp màu, cọ, cây bút chì than…

Những năm cuối thập kỷ 1960, Hà Nội nhận được những bức ký họa từ chiến trường gửi ra như những thông tin mọi mặt về cuộc kháng chiến giải phóng miền Nam. Những bức ký họa ấy không chỉ phục vụ nhân dân, chiến sĩ ta ở miền Bắc mà còn đến với nhân dân và bạn bè khắp năm châu. Trong những lần tham gia chiến dịch hay những chuyến đi thực tế ở các chiến trường đồng bằng sông Cửu Long, các họa sĩ Thái Hà, Cổ Tấn Long Châu, Lê Lam… không chỉ là những cây bút ghi chép tại mặt trận mà còn những tay súng tham gia chiến đấu. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông cũng vậy. Có lần đoàn đi tải gạo, đến đoạn Cần Xe - Trảng Bom gặp ngay máy bay địch bắn phá, khi vừa tan cuộc khói lửa chung quanh còn bốc lên ngùn ngụt, đã thấy Ba Đông lấy giấy bút ra, đứng giữa đồng không ghi ghi chép chép.

Trong số tranh ký họa tại mặt trận mà các họa sĩ quân giải phóng từ khu R gửi ra Hà Nội, có mảng ký họa chân dung những anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ và nhiều nhất vẫn là của Huỳnh Phương Đông. Ông không chỉ vẽ khá nhanh các chân dung mà còn thể hiện được tính cách “người mẫu”; chỉ cần phác qua vài nét đã rõ người trong tranh là ai. Và Huỳnh Phương Đông luôn say mê ký họa chân dung bất kỳ khi nào có dịp. Có lần ông đi dự một liên hoan cuối năm, khi bàn tiệc đã dọn ra ông vẫn mê mải ký họa cho một đồng nghiệp bức chân dung kỷ niệm. Nhiều người vây quanh trầm trồ. Ba Đông chợt nhận ra một người bạn cũ.

- À, anh Sáu hả? Đợi chút nhen. Tôi sẽ kỷ niệm anh một bức…Chân dung người bạn cũ vừa vẽ xong chưa kịp ký tên đã có người khác ngồi thay chỗ. - Đợi đấy, đợi đấy. Rồi lại một người nữa, người nữa... Huỳnh Phương Đông vẽ tặng không biết mệt. Khi xong bức cuối cùng mới hay những người dự tiệc đã dần dần đứng lên bắt tay nhau từ giã. Bữa đó lão họa sĩ về nhà, lặng lẽ xuống bếp tìm… nồi cơm nguội.

LÊ THANH TRỪ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên