07/03/2023 13:22 GMT+7

Cần làm rõ sự chồng chéo giữa Luật đất đai và các luật khác

Nêu tình trạng chồng chéo, dư thừa quy định giữa Luật đất đai và các luật khác, đại biểu dự Hội thảo góp ý dự án Luật đất đai (sửa đổi) kiến nghị cần làm rõ vấn đề chồng chéo này để gỡ khó cho các địa phương khi áp dụng luật.

Cần làm rõ sự chồng chéo giữa Luật đất đai và các luật khác - Ảnh 1.

Trước đó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng đã tổ chức lấy ý kiến của rất nhiều đối tượng về dự thảo luật này - Ảnh: CẨM NƯƠNG

Nội dung được đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến cơ quan báo chí góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức sáng 7-3.

Trên chồng chéo, dưới vướng đủ điều

Nêu ý kiến tại hội nghị, phóng viên Đặng Tiến Long (báo Tuổi Trẻ) thông tin từng có những kiến nghị nâng Luật đất đai lên thành bộ luật, nhưng anh cho rằng, đây là một luật chuyên ngành về quản lý và sử dụng đất đai, nên không cần thiết nâng thành bộ luật.

Theo anh, Luật đất đai hiện hành và cả dự thảo sửa đổi hiện nay rất dày, với nhiều chương mục, quy định, trong đó có cả những quy định đã được điều chỉnh ở luật khác.

Ví dụ, về giao dịch (chuyển nhượng, mua bán, tặng cho…) đất đai, Bộ luật dân sự đã quy định rất chi tiết, nhưng Luật đất đai cũng quy định, trong đó có quy định về thời điểm xác lập sở hữu khi nhận chuyển nhượng nhà đất đang khác với quy định trong Bộ luật dân sự.

Hoặc các quy định về quản lý chức năng và việc xây dựng công trình trên đất hiện được Luật quy hoạch và Luật xây dựng điều chỉnh, nhưng Luật đất đai vẫn quy định lại.

Anh Long đề xuất cơ quan soạn thảo cần rà soát và có bảng tổng hợp các điều khoản luật chồng chéo giữa Luật đất đai và các luật khác để bàn thảo, phân định. Nếu quy định thuộc điều chỉnh của luật khác thì không cần phải đưa vào dự thảo Luật đất đai, tránh mâu thuẫn sau này.

Cùng quan điểm, Giám đốc Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM (VOH) Lê Công Đồng cho biết, hiện nay có tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn quy định giữa các luật. Nguyên nhân các luật do các bộ khác nhau chủ trì soạn thảo và không có sự thống nhất quan điểm giữa các bộ trước khi trình luật. 

Ông Đồng minh chứng, khi tổng kết về nghị quyết liên quan tới nông nghiệp trước đây, sau khi các sở, ngành họp trình, ban tổ chức đã tập hợp lại gần 23 trang những nội dung chồng chéo của các thông tư để thực hiện Luật đất đai.

“Đấy là văn bản dưới luật để thực hiện luật mà còn vướng vậy. Luật còn nhiều điểm vướng hơn. Điều này dẫn đến khi giao quyền cho cấp cơ sở quy hoạch, thu hồi, bồi thường tái định cư cứ phải đi xin từng bộ sẽ rất khó”, ông Đồng nói.

Lãnh đạo VOH kiến nghị, trước khi Quốc hội thông qua dự thảo, nên có một kênh phản biện vấn đề chồng chéo này. Phải làm cho rõ các bộ liệu đã thống nhất đối với nội dung của luật này hay chưa. Nếu đã thống nhất, sau này có sự chồng chéo quy định giữa Luật đất đai với các luật, các bộ có chấp nhận lấy Luật đất đai làm gốc hay không?

Đừng để việc thu hồi đất ảnh hưởng quyền lợi người dân

Tại hội nghị, một số đại biểu cũng nêu ý kiến về quy định thu hồi đất hiện nay và trong dự thảo Luật đất đai. Theo anh Đặng Tiến Long, lâu nay, 70% số vụ khiếu kiện, khiếu nại đều liên quan đến đất đai, trong đó phần lớn là người dân khiếu nại, khiếu kiện vì bị ảnh hưởng quyền lợi khi bị thu hồi đất.

Trong khi, khái niệm thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng rất rộng, dễ bị lạm dụng để thu hồi đất cho các dự án thuần thương mại.

Từ đó, anh Long nêu quan điểm cần xem xét bỏ điều khoản về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Nếu xem đất đai là tài sản như quy định của Bộ luật dân sự thì chỉ cần quy định Nhà nước có quyền trưng mua nhà đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, công cộng.

Những trường hợp cần đất làm dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội thì để cho doanh nghiệp tự thương lượng với người dân theo cơ chế thị trường.

“Luật đất đai cần phân định rõ đất công do Nhà nước quản lý và đất không phải đất công (đất do cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp… sử dụng) để đưa ra các quy định quản lý, sử dụng hiệu quả”, anh Long kiến nghị.

Ông Ngô Thái Bình - trưởng ban pháp luật, báo Pháp Luật TP.HCM - cho biết thời gian qua quyền lợi của người bị thu hồi đất phụ thuộc và ảnh hưởng rất nhiều vào mục đích thu hồi. Pháp luật chỉ nên chia các mục đích đó ra để thực hiện các trình tự thủ tục chặt chẽ.

“Mọi người dân đều có quyền và nghĩa vụ đóng góp vào mục đích an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội. Vậy khi họ có đất bị thu hồi, tại sao họ lại bị thiệt thòi mà không để sự thiệt thòi ấy chia đều cho tất cả mọi công dân?”, ông Bình trăn trở và cho rằng khi thu hồi đất, người dân phải được đảm bảo quyền lợi như nhau.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý 4 vấn đề cơ bản để hoàn thiện Luật đất đaiChủ tịch Quốc hội lưu ý 4 vấn đề cơ bản để hoàn thiện Luật đất đai

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi cùng GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, chủ trì tọa đàm góp ý dự thảo Luật đất đai sáng 4-3, tại Hà Nội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên