08/06/2023 09:51 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu nguyên nhân chậm tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng nói dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành chậm trễ do khó khăn về nguồn vốn đối ứng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu nguyên nhân chậm tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng - Ảnh: GIA HÂN

Chậm tiến độ do vốn

Sáng 8-6, tiếp tục trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trao đổi với tranh luận của đại biểu về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ông cho biết dự án này trước đây bị chậm trễ do Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) khó khăn về nguồn vốn đối ứng, dẫn đến các nguồn vốn JICA, ADB không giải ngân được, khi hiệp định của ADB hết hạn không gia hạn được.

Vừa qua bộ đã phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn, VEC để trình Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ vấn đề tài chính cho VEC. Trên cơ sở báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, đến nay các vướng mắc đã được giải quyết.

Cụ thể, nguồn vốn JICA đã được Quốc hội giao vốn đối ứng và Chính phủ thống nhất chủ trương giao cho VEC. Thách thức lớn nhất là 2 cây cầu xây dựng bằng nguồn vốn JICA, nên khi vốn đối ứng được giải quyết, các nhà thầu sẽ tiếp tục xây dựng.

Theo kế hoạch, các đoạn, tuyến sử dụng vốn ADB sẽ hoàn thành trong quý 1 và quý 2-2025. Hai cây cầu và toàn tuyến hoàn thành chậm nhất vào quý 3-2025.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Phó thủ tướng Lê Minh Khái nói thêm về dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Ông Khái cho hay bộ trưởng nói về vốn nhưng chỉ là một phần bởi ông đã đến thị sát trực tiếp. Mấu chốt là một số dự án của nhà đầu tư nước ngoài có khiếu kiện, khiếu nại về việc ngừng, nghỉ. Nếu không giải quyết được thì tiến độ dự án còn chậm.

Bộ có trách nhiệm cùng đăng kiểm về những tiêu cực, sai phạm

Vấn đề đăng kiểm tiếp tục được đại biểu tranh luận. Bộ trưởng Thắng tiếp tục nhận định đây là sự cố "hết sức đau xót", bộ có trách nhiệm cùng đăng kiểm về những tiêu cực, sai phạm. 

Tuy vậy, điều tra, khởi tố, bắt giam các bị can là do công an các địa phương làm. "Không thể nói Bộ Công an trước khi xử lý chỗ này, chỗ kia thì trao đổi với Bộ Giao thông vận tải. Do vậy, khi xảy ra ở đâu, tôi trực tiếp trao đổi, báo cáo Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm để có phương án giải quyết", ông Thắng chia sẻ.

Cụ thể, khi cơ quan cảnh sát điều tra khám xét các trung tâm đăng kiểm thì bộ có văn bản đề nghị Bộ Công an khi giữ máy móc, thiết bị niêm phong cần làm sớm, làm nhanh, sau đó bàn giao lại cho trung tâm đăng kiểm để Cục Đăng kiểm tiếp quản, bố trí lực lượng.

Tuy nhiên, 75% trung tâm đăng kiểm là của tư nhân nên không phải muốn khôi phục là làm được. Mỗi trung tâm chỉ có một đăng kiểm viên bậc cao, thường là lãnh đạo kiểm soát trung tâm, nên không thể thay thế ngay.

Nhân sự này đào tạo cũng mất khoảng 1,5 năm nên không thể bố trí ngay để khôi phục các trung tâm.

Về trách nhiệm, ông cho biết bản thân và các lãnh đạo bộ đã trực tiếp chỉ đạo ngay khi xảy ra sự việc, đưa ra giải pháp cả ngắn hạn và dài hạn để cơ bản giải quyết được khủng hoảng đăng kiểm.

Trả lời thêm sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói một trong các nguyên nhân chính dẫn đến sai phạm ở trung tâm đăng kiểm là do Bộ Giao thông vận tải không phản ứng kịp thời khi các quy định pháp luật liên quan đăng kiểm thay đổi.

Cụ thể, khi bộ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định 139 liên quan hoạt động đăng kiểm, có nội dung quan trọng về quy hoạch mạng lưới đăng kiểm. Nhưng khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch này không còn hiệu lực song bộ không thay đổi kịp thời các chính sách, dẫn đến các trung tâm đăng kiểm "nở rộ".

Trong 2 năm, số trung tâm đăng kiểm đã lên đến 281, vượt cả quy hoạch đến năm 2030, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, tiêu cực.

Việc nhiều xe hết niên hạn vẫn đưa vào hoạt động, ông Thắng thừa nhận có "yếu tố tham nhũng, tham ô" và có trách nhiệm, đạo đức từ lãnh đạo cục, phòng, cấu kết với các trung tâm đăng kiểm, vô hiệu hóa kiểm tra, giám sát.

“Khi đã cấu kết thì không thể lấy đá ghè chân mình”, ông Thắng nói và cho biết trong sửa đổi nghị định 139 đã khắc phục vấn đề này.

Bất ngờ đường sắt Cát Linh - Hà Đông lãi gần 100 tỉ đồng

Trao đổi vấn đề ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho rằng để giải quyết thực trạng này cần lâu dài và phải quản lý, siết chặt quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số.

"Nếu vùng trung tâm, đô thị lõi tiếp tục mọc lên các khu đô thị, nhà cao tầng thì tiếp tục nguy cơ ùn tắc", ông Thắng nói.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh giao thông công cộng rất cần thiết cho các đô thị lớn, bộ sẽ phối hợp để phát triển, đặc biệt là đường sắt đô thị. Ông chia sẻ "rất bất ngờ" với thông tin sau 19 tháng vận hành, tàu Cát Linh - Hà Đông hằng ngày có 31.000-33.000 người đi, cao điểm 55.000 người/ngày, lần đầu tiên báo lãi gần 100 tỉ đồng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết không quá đầu tháng 7, đăng kiểm trở lại bình thườngBộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cam kết không quá đầu tháng 7, đăng kiểm trở lại bình thường

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chiều 7-6 cam kết chỉ trong vòng hết tháng 6, không quá đầu tháng 7, các trung đăng kiểm sẽ hoạt động trở lại bình thường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên