01/10/2003 06:37 GMT+7

Người đàn bà mộng du - Thêm một phim tốt về chiến tranh?

HÀ AN<BR>
HÀ AN

TT - Người đàn bà mộng du - kịch bản do Nguyễn Quang Thiều chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, đạo diễn Thanh Vân, quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nhạc sĩ Phó Đức Phương, diễn viên Hồng Ánh, Võ Hoài Nam...

30aBPAJT.jpgPhóng to
Hồng Ánh (nữ quân y sĩ Quỳ) và Xuân Nguyên (bác sĩ Thương)
TT - Người đàn bà mộng du - kịch bản do Nguyễn Quang Thiều chuyển thể từ truyện ngắn nổi tiếng Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu, đạo diễn Thanh Vân, quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, nhạc sĩ Phó Đức Phương, diễn viên Hồng Ánh, Võ Hoài Nam...

Trong các sáng tác của mình, Nguyễn Minh Châu nhiều lần trở đi trở lại với những con tàu. Con tàu trong Khách ở quê ra, Cơn giông, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành... không chỉ là phương tiện vận tải, nó là cái gạch nối nhà quê và thành phố, quá khứ và tương lai, nhớ mong, chờ đợi và gặp gỡ...

Và những người đi tàu của Nguyễn Minh Châu bao giờ cũng tất bật, vội vã, lao về nhà ga phía trước. Họ là những con người hành động. Chính vì vậy mà họ không bao giờ cũ, dù hầu hết trong số họ là “những người đi từ trong rừng ra”, từ “miền cháy” đến, là “khách ở quê ra”...

Cũng chính vì thế mà tác phẩm của Nguyễn Minh Châu luôn hiện đại với thời gian.

Nhưng người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu đã trở thành Người đàn bà mộng du trên phim. Vẫn biết không ai ngốc nghếch đến độ đòi phim phải giống y như truyện, nhưng một khi nó lại... không bằng truyện thì người ta cứ luôn có ý muốn đem nguyên tác văn học ra so sánh.

Nữ quân y sĩ Quỳ xinh đẹp, người đàn bà một mình làm chủ trái tim của tất cả những người lính trong một cánh quân lớn trên rừng Trường Sơn, đã được Hồng Ánh thể hiện một cách... xinh đẹp và dễ thương. Cô thể hiện chị Quỳ - linh hồn của Trường Sơn - bằng vẻ đẹp đằm thắm, tràn trề nữ tính và căng đầy sức sống của mình.

h9g9kwOr.jpgPhóng to
Một cảnh trong phim
Và đạo diễn để cho những người đàn ông - lính đi qua đời Quỳ như một cuộc điểm danh: trung đoàn trưởng Hòa (Võ Hoài Nam) - người anh hùng bị Quỳ cảm thấy “có những khi tầm thường” vì anh thích nuôi gà và có bệnh mồ hôi tay; Hậu (Xuân Diệu) - anh lính giao liên thầm lặng yêu, thầm lặng che chở và thầm lặng chết vì Quỳ; cậu lính trẻ vô danh nhìn trộm Quỳ tắm, bị ăn một cái tát lệch cả hàm nhưng trước khi ra trận lại được người đàn bà kỳ lạ ấy tha thứ và được biết thế nào là tình yêu (dẫu rằng trong phim nó gần như tình mẫu tử) ...

Và những hình bóng ấy đã ám ảnh suốt cuộc đời Quỳ, để chị trở thành người quen sống với người chết, quen với những giấc mơ, những hoài niệm chiến tranh, để Quỳ trở thành người đàn bà mộng du, không chỉ đêm đêm cầm đèn đi soi từng giường bệnh trong quân y viện, mà còn lang thang trong suốt cuộc đời mình, không thể dừng lại ở các ga xép hạnh phúc, cho dù chiến tranh đã kết thúc. Với phần “mộng du” ấy, kể như những người làm phim, nhất là Thanh Vân và Hồng Ánh, đã tương đối thành công.

Nhưng nếu chỉ có vậy, Người đàn bà mộng du vẫn chỉ dừng lại ở mức độ một phim tốt và có những môtip quen thuộc về chiến tranh.

Cái chất “tốc hành”, coi cuộc sống như một con tàu đang lao về phía trước của Nguyễn Minh Châu, không được thể hiện rõ trong phim bằng những giấc mơ thời chiến của Quỳ. Cho dù cuộc tình với kỹ sư Phiên - một người bạn của Hòa, đầy tài năng và đen đủi, đã phải ngồi tù vì dính đến chuyện tiền nong - đã được dành khá nhiều đất để thể hiện một cô Quỳ “hậu chiến”, cho dù Lê Vũ Long đã rất cố gắng thể hiện một người đàn ông - hậu chiến khác hẳn những người lính trong đoạn đời trước của Quỳ, người xem vẫn có quyền hoang mang về tương lai của những số phận như Quỳ: họ sẽ ra sao trong cuộc sống hiện đại? Họ làm sao mà sống như những người bình thường, làm sao biết cách thụ hưởng hạnh phúc bình thường - dù cho đã có người đàn ông đang đêm biết đi mua nước sôi về pha để rửa chân cho mình?

Quỳ của Nguyễn Minh Châu làm cho người ta tin chị sẽ làm chủ được số phận mình, còn Quỳ trên phim thì tiếc là chưa.

Không chỉ là cảm giác thiêu thiếu từ người đàn bà mộng du tên Quỳ, cảm giác quen thuộc lặp lại trong các cảnh chiến tranh: bom đạn, quân y viện, tắm suối... cũng làm cho người xem bị ức chế về cảm xúc, không sẵn sàng tiếp nhận những thông điệp tiếp theo của những người làm phim dù có khi chúng được thể hiện khá tinh tế, bằng rất nhiều cố gắng, tìm tòi, sáng tạo.

Sự “lệch pha” đáng ngạc nhiên giữa âm nhạc và hình ảnh trong phim (dù Phó Đức Phương và Thanh Vân từng rất ăn ý trong Đời cát) cũng gây cảm giác lỏng lẻo cho bộ phim được làm kỹ lưỡng và nghiêm túc này.

Và như thế lại có thêm một phim tốt về chiến tranh nữa ra đời - và vẫn chỉ là tốt thôi. Lại một cơ hội nữa đi qua với các nhà làm phim VN. Nói như vậy, vì đây là một êkip làm phim được đặt nhiều hi vọng.

HÀ AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên