17/09/2003 07:10 GMT+7

Kênh Chợ Gạo sạt lở...

MIÊN HẠ
MIÊN HẠ

TT (Tiền Giang) - Tuyến kênh Chợ Gạo dài 28,5km không những là tuyến giao thông thủy độc đạo nối liền sông Vàm Cỏ và sông Tiền, mà còn là trục nối giữa sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long. Vì vậy lưu lượng tàu thuyền qua lại dày đặc, trên 1.000 lượt/ngày, dẫn đến tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Có nơi lở sâu vào bờ đến 15m, cuốn trôi không chỉ nhà cửa mà còn gây thiệt hại và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân...

sRBDqZK1.jpgPhóng to

Nhiều đoạn đường dọc kênh Chợ Gạo đã bị sạt lở vào đến giữa tim đường, rất nguy hiểm

TT (Tiền Giang) - Tuyến kênh Chợ Gạo dài 28,5km không những là tuyến giao thông thủy độc đạo nối liền sông Vàm Cỏ và sông Tiền, mà còn là trục nối giữa sông Đồng Nai và hệ thống sông Cửu Long. Vì vậy lưu lượng tàu thuyền qua lại dày đặc, trên 1.000 lượt/ngày, dẫn đến tình trạng sạt lở rất nghiêm trọng. Có nơi lở sâu vào bờ đến 15m, cuốn trôi không chỉ nhà cửa mà còn gây thiệt hại và nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của hàng ngàn hộ dân...

Nhà biến thành kênh !

Trên tuyến hương lộ từ thị trấn Chợ Gạo đi xã Bình Phục Nhứt, chúng tôi chỉ đi được hơn 1km thì phải dừng lại vì con đường đang rộng thênh thang bỗng “teo” lại chỉ còn đủ một xe gắn máy chạy qua (!?).

Chủ một căn nhà sát bờ kênh, anh Nguyễn Huy Hoàng (ô 4 KP1, thị trấn Chợ Gạo), chỉ tay ra ngoài kênh phân trần: “Những người không biết cứ bảo tui xây nhà lấn đường, nhưng khổ lắm, nhà tui hồi trước ở ngoài kia lận, có cả quán cà phê nữa. Nhưng kênh lở dần, dời nhà mấy bận mới vô tới đây. Con đường mà xe đang chạy trước là nền nhà tui đó chứ. Vậy mà vẫn không yên, hồi đầu năm lở bay cả gian trên, còn phần này đây là gian dưới, không biết sẽ còn dời nhà đi đâu nữa, hết đất để dời rồi!”.

Không chỉ riêng anh Hoàng mà cả khu dân cư cặp theo lộ thị trấn đi Bình Phan, Bình Phục Nhứt đều đã mấy lần dời nhà. Bà con còn tự bỏ tiền túi ra mua cừ, đá, ximăng, bao cát làm bao bộng để chống sạt lở. Người ít thì vài triệu, nhiều cả chục triệu, có người còn trồng dừa ven bờ giữ đất nhưng chỉ một năm thôi là cây dừa đã nằm... giữa kênh!

Đã vậy, trong khi chưa tìm được biện pháp gì để cứu người dân thì các cơ quan chức năng lại đi phạt những hộ trồng dừa vì lý do: trồng dừa giữa sông gây cản trở lưu thông (?). Có đến 300 gốc dừa của dân trồng chống sạt lở “bị” nằm giữa sông và các cơ quan chức năng đã đề nghị người dân tự trục vớt.

Theo báo cáo ngày 6-8-2003 của Đoạn quản lý đường sông số 11 (ĐQLĐS11) về tình hình sạt lở trên tuyến kênh Chợ Gạo, có đến 117 vị trí sạt lở đáng lo ngại, trong đó có 112 khu vực rất nghiêm trọng. Tính chung tốc độ sạt lở kinh khủng: 2-3m/năm. Đặc biệt khu vực ấp Bình Thọ - xã Bình Phục Nhứt, xã Bình Phan, ấp Long Thạnh - xã Quơn Long, tốc độ lở lên đến 4m/năm !

Trao đổi với ông Trần Quang Kiệt, chánh văn phòng UBND huyện Chợ Gạo, về những giải pháp giúp người dân thì ông lắc đầu: “Việc cứu kênh Chợ Gạo là ngoài tầm cấp huyện, thậm chí cấp tỉnh. Ngay cả UBND huyện cũng bị sạt lở, không còn chỗ để dời nữa, chúng tôi kêu dữ lắm tỉnh mới rót cho được 1 tỉ xây bờ kè dài hơn 200m để bảo vệ trụ sở”.

Cần một giải pháp

Theo các cán bộ kỹ thuật của ĐQLĐS11, hiện tượng sạt lở với tốc độ nhanh của kênh Chợ Gạo trong thời gian qua do hai nguyên nhân chính: mật độ tàu thuyền quá lớn vì là tuyến đường thủy gần như độc đạo từ TP.HCM đi các tỉnh ĐBSCL.

Theo ước tính, mỗi ngày (số liệu thống kê vào tháng 6-2003) có đến 1.192 lượt tàu thuyền qua lại, chủ yếu là tàu trọng tải lớn: 5 - 100 tấn có đến 387 chiếc, 100 - 500 tấn có đến 544 chiếc, trên 500 tấn có 104 chiếc.

Nguyên nhân thứ hai gây bức xúc nhất trong nhân dân là chủ trương “ngọt hóa” khu vực Gò Công - Chợ Gạo. Các tuyến kênh rạch nhỏ hai bên tuyến Chợ Gạo đã bị ngăn dòng mà không tính đến việc điều tiết giao thông cũng như lượng thủy triều. Ngoài việc tàu thuyền không còn đường thoát đã ùn ùn đổ gần như toàn bộ vào kênh Chợ Gạo, thêm nữa dẫn tới việc mùa lũ hoặc thủy triều lên xuống dòng chảy chỉ tập trung vào kênh nên nước rất mạnh tạo xoáy lở hai bờ kênh.

Hiện tình hình sạt lở tại kênh Chợ Gạo đã đến hồi báo động, nhưng những biện pháp cứu lấy tài sản cũng như sinh mạng của nhân dân vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Lý do: giải pháp xây kè chắn sóng suốt dọc chiều dài kênh gần như không khả thi về mặt tài chính.

Theo một số ý kiến của ĐQLĐS11, nên chăng phải giảm tải trên kênh Chợ Gạo bằng cách mở các tuyến giao thông mới như tuyến đi qua rạch Kỳ Hôn - cống Xuân Hòa, rạch Bảo Định và kênh xáng Long Định - Nguyễn Văn Tiếp với giải pháp là phải phá một số cống ngăn mặn của công trình ngọt hóa! Về lâu dài, ĐQLĐS11 cũng đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường sông VN, Chi cục Đường sông phía Nam nên có một hội nghị chuyên đề về tình hình sạt lở trên kênh Chợ Gạo để tìm ra được một giải pháp lâu dài...

MIÊN HẠ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên