10/10/2003 11:18 GMT+7

Có luật, hàng ngàn người sẽ được cứu sống

LAN ANH
LAN ANH

TT (TP.HCM) -Hội thảo góp ý cho pháp lệnh hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và khám nghiệm tử thi được Bộ Y tế tổ chức ngày 9-10 đã nhận được sự đồng tình của nhiều nhà khoa học đầu ngành y tế, bởi nếu pháp lệnh này ra đời sẽ có thêm hàng ngàn người VN mắc các bệnh suy thận mãn, suy gan hay suy tim, bỏng... có cơ hội được cứu sống.

c5SlULKF.jpgPhóng to

Một ca ghép thận

Sau 11 năm kể từ khi VN thực hiện thành công kỹ thuật ghép thận (từ 1992), mới chỉ có vỏn vẹn 106 người được ghép thận tại VN. Trong khi đó, theo GS-TS Lê Thế Trung, nguyên chủ tịch hội đồng chuyên môn về ghép tạng của Bộ Y tế, đã có tới gần 300 người bệnh VN khác phải sang Trung Quốc ghép thận với chi phí cao gấp 5-6 lần. Nguyên nhân chỉ bởi VN chưa có luật về hiến, lấy, ghép mô, tạng, bộ phận cơ thể người.

Không có luật, không làm gì được

Báo cáo về tình hình ghép tạng ở VN, vụ trưởng Vụ điều trị (Bộ Y tế) Lý Ngọc Kính cho biết đầu năm 2004 chúng ta sẽ thực hiện ca ghép gan đầu tiên. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của chúng ta là hành lang pháp lý chưa đầy đủ, chưa có ngân hàng mô tạng, nguồn ghép từ người sống còn hạn chế. Vì vậy, điều cần thiết nhất hiện nay là hành lang pháp lý cho vấn đề này để có thể phát triển ghép tạng từ tử thi, từ đó cứu thêm được nhiều người bệnh.

GS-TS Lê Thế Trung cho rằng nếu pháp lệnh ra đời sẽ rất có lợi cho người dân, nhất là những người bị suy các phủ tạng, bởi từ một người chết não hiến tạng sẽ cứu thêm 3,4 - 3,6 người khác đang mắc bệnh hiểm nghèo. Mỗi năm số người VN cần ghép thận lên đến 70 người.

Trong khi đó tại các bệnh viện nhiều nguồn tạng lại bị bỏ phí. GS-TS Nguyễn Kim Sơn - nguyên giám đốc Bệnh viện Việt Đức - cho biết mỗi ngày tại bệnh viện của ông có chừng năm người chết do tai nạn giao thông, có thể hiến tạng để cứu hơn 10 người bệnh. Nhưng cũng vì chưa có luật, chúng ta đã bỏ phí nhiều tạng có thể lấy, chưa kể da để cứu người bị bỏng, xương, giác mạc...

Có thể lấy mô, bộ phận cơ thể người chưa ngừng tim?

Đại diện ban soạn thảo, vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trịnh Thị Lê Trâm cho biết: pháp lệnh này điều chỉnh tất cả các quan hệ nảy sinh trong quá trình hiến, lấy, ghép, bảo quản mô và bộ phận cơ thể người, bảo quản thi thể và khám nghiệm tử thi.

Theo đó, những người đủ 18 tuổi trở lên, có đủ điều kiện đều có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người khi còn sống hoặc sau khi chết. Người tự nguyện hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến thi thể sẽ được khám chữa bệnh và miễn, giảm viện phí tại bệnh viện nơi đăng ký hiến mô, hiến bộ phận cơ thể hoặc thi thể. Bố mẹ, vợ chồng, con của những người này cũng sẽ được hưởng chế độ ưu tiên trong chăm sóc sức khỏe. Mô, bộ phận cơ thể được hiến sẽ được đưa vào ngân hàng mô, bộ phận cơ thể để bảo quản, lưu giữ và cung ứng nhằm mục đích chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.

Điểm đặc biệt hơn cả trong dự thảo pháp lệnh này là việc có thể lấy mô, tạng ở những người được hội đồng chuyên môn xác định là chết não (tức đã chết não nhưng tim vẫn đập và người vẫn thở). Đây là qui định hết sức nhạy cảm, bởi theo GS Trung: nếu mình có một đứa con bị chấn thương đã chết não nhưng tim vẫn đập, một cháu khác đang cần tim để ghép thì bà mẹ có sẵn sàng cho mổ để cho tim con mình không? Vấn đề này khó không phải là vì tiền mà khó từ suy nghĩ của người dân.

“Khi pháp lệnh này được thông qua, phải tuyên truyền cho người dân hiểu là chết não chỉ cứu được một thời gian, sau đó rồi cũng chết, tức cái chết là đương nhiên. Nếu người đó hiến tạng, chúng ta mới có thể cứu được những người cần ghép tim”- ông Trung nói.

Mặt khác, để tránh tiền lệ đã từng xảy ra ở nước ngoài là hiện tượng mua, bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người, hoặc cưỡng ép phải cho mô, bộ phận cơ thể để trục lợi cá nhân, pháp lệnh qui định nhóm bác sĩ tham gia ghép mô, tạng không được tham gia hội đồng chuyên môn xác định chết não. Thậm chí, Bộ Y tế sẽ có những qui định cụ thể về tiêu chuẩn những hội đồng chuyên môn xác định chết não. Dự kiến pháp lệnh sẽ được đưa ra thông qua tại Ủy ban thường vụ Quốc hội trong năm 2004.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên