26/09/2003 09:00 GMT+7

Cách nào để bình ổn, quản lý giá thuốc?

LAN ANH<BR>
LAN ANH

TT (Hà Nội) - Ngày 25-9, 30 doanh nghiệp dược phía Bắc và chuyên viên nhiều bộ, ngành đã tham dự Hội nghị góp ý cho dự thảo nghị định của Chính phủ về quản lý giá thuốc và dự thảo Luật dược do Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược - Tổng công ty Dược VN tổ chức.

nWz1zoYf.jpgPhóng to
Thuốc tăng giá người dân lo

Trong tình hình giá thuốc tại VN cao hơn nhiều nước trên thế giới và đang tiếp tục tăng mạnh thì Hội nghị này càng trở nên sôi nổi với nhiều ý kiến nhằm tìm ra giải pháp để bình ổn giá thuốc.

Chống độc quyền

Ông Lê Văn Truyền, chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất - kinh doanh dược phẩm, nói: “Giá thuốc lâu nay không bình ổn do chúng ta phụ thuộc giá thuốc một số sản phẩm độc quyền của một số công ty nước ngoài. Vì thế nên đưa thêm biện pháp chống độc quyền vào phần bình ổn giá thuốc. Như thế sẽ làm phần này “có da có thịt”, làm nó sống lên và có đầy đủ nội dung”.

Bên cạnh chống độc quyền, ông Truyền đề nghị đưa thêm cả các biện pháp chống phá giá vào phần “bình ổn giá thuốc”. Theo ông, trước đây thị trường dược phẩm VN đã xuất hiện tình trạng bán phá giá. Khi đó, một công ty dược phẩm Ấn Độ đã bán phá giá hai sản phẩm Ampicillin và Amoxcillin khi thấy một doanh nghiệp VN đã sản xuất được sản phẩm này. Công ty VN đó sống dở chết dở, nhưng do không có luật nên chúng ta đã không làm gì được họ.

Qui định thặng số theo mức giá từng loại thuốc?

Giám đốc Công ty TNHH Thăng Long Bùi Thị Hạnh (kinh doanh gần 1.000 loại dược phẩm) thẳng thắn: cái nào cũng có lợi cho thuốc ngoại bởi cùng thặng số đó, giá thuốc ngoại cao nên lãi cũng cao, bệnh viện chỉ mua thuốc ngoại.

Cùng ý kiến với bà Hạnh, ông Lê Văn Truyền đề xuất: khi xây dựng thặng số (gồm chi phí hợp lý và lãi trần được hưởng) cho các loại thuốc, ta nên lấy kinh nghiệm của Bulgaria - thặng số phụ thuộc vào đơn giá của thuốc. “Thuốc nào giá thấp - thặng số cao, cái nào giá cao - thặng số thấp. Nếu có qui định này, theo tôi, cũng có thể chống hiện tượng độc quyền của các loại thuốc ngoại bởi thuốc ngoại loại nào cũng đắt” - ông Truyền nhấn mạnh.

Ông Bích, giám đốc Công ty dược Ninh Bình, bức xúc nói: “Qui định các nhà bán buôn phải niêm yết giá bán lẻ là không khả thi. Doanh nghiệp chúng tôi chưa làm và không thể làm được. Cái gì không khả thi thì phải sửa, nếu không sẽ ách tắc trong sản xuất, kinh doanh”.

Cũng theo ông Bích, quyền quyết định trường hợp khẩn cấp cần bình ổn giá nên để Thủ tướng Chính phủ quyết định, bởi vấn đề này liên quan nhiều bộ, ngành, mình Bộ Y tế quyết định nhưng Bộ Tài chính không thông thì cũng không làm được.

Mặt khác dự thảo nghị định yêu cầu Bộ Y tế chủ trì tìm biện pháp chống độc quyền là rất khó. Bởi Bộ Y tế không phải là cơ quan có trách nhiệm chính trong ban hành các chính sách về kinh tế. Vì vậy, vấn đề này nên để các cơ quan quản lý về kinh tế, pháp luật phối hợp với Bộ Y tế thực hiện.

Ngoài ra, nghị định cũng cần thể hiện rõ hơn vai trò của Chính phủ, ví như giá thuốc có biến động mạnh, có dịch bệnh... Chính phủ phải ra tay bình ổn giá trên cơ sở đề xuất của Bộ Y tế. Nếu Chính phủ có tác động bằng chính sách, VN sẽ tránh được tình trạng như Indonesia và Thái Lan trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế sáu năm trước đây: kinh tế khủng hoảng, doanh nghiệp tư nhân không sản xuất thuốc và người dân thiếu thuốc để điều trị.

Trước những băn khoăn của doanh nghiệp, trưởng ban soạn thảo nghị định Vũ Công Chính khẳng định: “Cơ quan quản lý nhà nước sẵn sàng hỏi doanh nghiệp: cần bổ sung thêm điều gì, thậm chí chương gì vào nghị định quản lý giá thuốc cho phù hợp và khả thi. Từ khi mở cửa, giá thuốc được thả nổi, nay quản lý phải mày mò từ ban đầu. Tuy nhiên, tham vọng của chúng tôi khi soạn thảo văn bản này là phải bình ổn và quản lý được giá thuốc”.

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên