19/09/2003 11:42 GMT+7

Nhiều trường hợp đất đai vô giá đã trở thành vô chủ

TS ĐẶNG ĐỨC ĐẠM
TS ĐẶNG ĐỨC ĐẠM

TT - Người ta nói đất đai ở VN hiện nay có rất nhiều cái nhất. Ví dụ: tài sản lớn nhất: đất đai là tài sản ước tính có giá trị lớn hơn nhiều so với tài sản của tất cả các doanh nghiệp nhà nước cộng lại; tham nhũng nặng nhất: tham nhũng chủ yếu là nguồn đất đai và đầu tư của Nhà nước; khiếu kiện nhiều nhất: đại bộ phận khiếu kiện là về nhà đất; rào cản cao nhất: thủ tục đất đai là rào cản khó vượt qua nhất đối với cả đầu tư trong nước và nước ngoài.

CpEpxdpm.jpgPhóng to
TT - Người ta nói đất đai ở VN hiện nay có rất nhiều cái nhất. Ví dụ: tài sản lớn nhất: đất đai là tài sản ước tính có giá trị lớn hơn nhiều so với tài sản của tất cả các doanh nghiệp nhà nước cộng lại; tham nhũng nặng nhất: tham nhũng chủ yếu là nguồn đất đai và đầu tư của Nhà nước; khiếu kiện nhiều nhất: đại bộ phận khiếu kiện là về nhà đất; rào cản cao nhất: thủ tục đất đai là rào cản khó vượt qua nhất đối với cả đầu tư trong nước và nước ngoài.

Có một nghịch lý là đất đai VN đều của Nhà nước, nhưng Nhà nước không những không huy động được giá trị cực kỳ lớn của đất, mà lại phải chi rất nhiều tiền đền bù khi thu hồi đất để xây dựng kết cấu hạ tầng và các công trình công cộng khác (nhiều nơi tiền đền bù gấp 9-10 lần tiền xây đường).

Trong rất nhiều trường hợp, đất đai vô giá đã trở thành vô chủ, được các cơ quan hành chính ban phát theo cơ chế xin - cho và một số người có chức có quyền sử dụng làm của trục lợi, bị những kẻ đầu cơ mua bán lại kiếm lời bất chính. Để tình trạng quản lý đất đai như hiện nay, không những Nhà nước bỏ phí những nguồn lực rất lớn mà còn làm cho bất công và bất bình xã hội tăng lên, đất đai trở thành đối tượng màu mỡ của tham nhũng và hối lộ. Giải quyết vấn đề đất đai vì vậy không chỉ tạo thêm nguồn thu ngân sách nhà nước, mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội rất lớn.

Khi thảo luận về vấn đề đất đai, có ý kiến cho rằng chừng nào vấn đề sở hữu chưa được giải quyết một cách rành rẽ thì việc đổi mới quản lý và chính sách đất đai vẫn chỉ “giậm chân tại chỗ”. Ý kiến này chỉ đúng một nửa. Đúng là nếu vấn đề sở hữu được xử lý một cách cơ bản thì việc giải quyết vấn đề quản lý đất đai thuận lợi hơn nhiều.

Tuy nhiên, khi đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, vẫn có thể và cần quản lý đất đai tốt hơn so với hiện nay. Ở các nước công nghiệp phát triển, rất nhiều đất công thuộc sở hữu nhà nước vẫn được quản lý và sử dụng có hiệu quả.

Vậy vấn đề mấu chốt nằm ở đâu? Theo chúng tôi, vấn đề mấu chốt chính là đất đai không được quản lý như một tài sản, một hàng hóa (đặc biệt), vẫn do cơ quan hành chính giao hoặc cho thuê theo kiểu ban phát, theo cơ chế xin - cho, chứ không do các doanh nghiệp quản lý và kinh doanh.

Việc giao toàn bộ việc quản lý, giao và cho thuê đất cho cơ quan hành chính trong hoàn cảnh cụ thể ở VN lại càng không hợp lý, vì bản thân bộ máy thành thể chế (các qui phạm pháp luật, cơ chế thực hiện và các tổ chức bộ máy) thì cái yếu nhất tại VN hiện nay chính là tổ chức bộ máy. Mà cải tổ bộ máy lại là điều khó làm nhất, không chỉ ở VN mà ở nước nào cũng vậy, vì đây là Nhà nước phải tự cải tổ mình.

Cách tốt nhất để khắc phục mặt yếu này là hạn chế bớt sự can thiệp của bộ máy hành chính vào đời sống kinh tế - xã hội, nhất là những việc dính đến tài sản, tiền bạc; đồng thời tăng cường dân chủ công khai để nhân dân kiểm tra, giám sát.

Sự lúng túng, “tiến thoái lưỡng nan” trong hoạch định chính sách đất đai thời gian qua cũng một phần do không tách bạch quản lý hành chính và quản lý kinh doanh đối với đất đai. Chính sách giao đất, cho thuê đất hiện nay là quá lỏng lẻo đối với quản lý hành chính, nhưng lại là quá gò bó, thậm chí là bất khả thi, đối với hoạt động kinh doanh.

Toàn bộ việc giao đất, định giá đất cho đến việc thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng... lẽ ra là công việc của tổ chức kinh doanh bất động sản thì hiện nay đều do các cơ quan hành chính đảm nhiệm.

Hậu quả là các cơ quan hành chính, kể cả UBND và cơ quan địa chính các cấp “đá lộn sân”, ”vừa đá bóng vừa thổi còi”, bị “quá tải” nghiêm trọng; những con “sâu mọt” trong bộ máy nhà nước thừa cơ tham nhũng, trục lợi; còn người dân thì không có cách nào khác là khiếu kiện vượt cấp khi gặp oan sai về đất đai.

Vì thế, hướng xử lý cơ bản phải là phân biệt rành mạch giữa quản lý hành chính và quản lý kinh doanh đối với đất đai trong chức năng quản lý của Nhà nước.

___________________

Trích tham luận gửi tới hội thảo “Phát triển và quản lý thị trường bất động sản” do Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - môi trường, Bộ Kế hoạch - đầu tư và Bộ Tài chính đồng tổ chức tại Hà Nội ngày 18-9-2003.

TS ĐẶNG ĐỨC ĐẠM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên