01/10/2003 06:39 GMT+7

"Nước" chưa nổi nhưng "tiền" đã lên !

HÙNG THUẬT
HÙNG THUẬT

TT - 3,5 triệu, 3,9 triệu, thậm chí đến trên 4,2 triệu đồng/năm! Đó là cái giá mà sinh viên các trường đại học ngoài công lập phải trả khi bước vào năm học 2003-2004 này. Trong khi đề án tăng học phí mới chỉ là... dự thảo thì hàng loạt trường đã vội vã đẩy học phí lên đến mức chóng mặt như thế!

cwNz0mvw.jpgPhóng to

Những thí sinh vừa trúng tuyển vào ĐHDL Hồng Bàng muốn nhập học phải đóng đến 4.200.000đ

Trên thực tế, đề án tăng học phí tất cả các bậc đào tạo vẫn còn là dự thảo và đang có không ít “lời ra tiếng vào”. Thế nhưng ngay từ nhiều tháng trước, một loạt các trường ĐH ngoài công lập đã nhanh nhạy đón đầu đề án bằng việc ra thông báo tăng học phí cho năm học 2003-2004. Bằng chứng là trong hầu hết căn cứ mà các trường viện dẫn để giải thích lý do tăng học phí đều có ít nhiều nhắc đến đề án của liên bộ GD-ĐT và Tài chính này...

Nỗi buồn được báo trước

Tờ thông báo niêm yết từ ngày 16-7-2003 trên bảng tin của Trường ĐH dân lập Hùng Vương ghi chú một cách cẩn thận: “Các thầy cô trưởng khoa phải có trách nhiệm thông báo cho SV biết việc tăng học phí trước khi SV nghỉ hè”. Và sau những ngày hè ngắn ngủi, học phí mà SV phải đóng cho năm học mới đã tăng thêm 500.000 đồng/năm, như SV khoa công nghệ thông tin phải đóng đến 3.700.000 đồng thay vì 3.200.000 đồng như khóa trước.

Hai ngành từng được coi là có học phí thấp trong những năm trước đây là quản trị kinh doanh và quản trị bệnh viện cũng đã đạt đến mức thu 3.300.000 đồng/năm. Những ngành có mức học phí nằm ở mức "thường thường bậc trung" của trường cũng đã tăng thành 3.500.000 đồng/năm.

Giải thích việc tăng học phí ngay từ đầu năm học 2003-2004, nhà trường đã đưa ra một số lý do "hết sức chính đáng" (!) như do giá cả sinh hoạt tăng, mức lương tối thiểu của Nhà nước cũng tăng, mặt bằng chung về mức thu học phí của một số trường ĐH dân lập.

Trong đó, lý do đặc biệt nhất mà trường đưa ra là căn cứ trên dự án mức học phí của liên bộ GD-ĐT và Tài chính dành cho SV các trường công lập tăng từ 180.000 đồng/SV/tháng lên tối đa 250.000 đồng/SV/tháng.

Ở ĐH Mở-bán công TP.HCM, tình hình cũng diễn ra tương tự. Mặc dù từ năm 2001 trường đã một lần tăng học phí nhưng đến ngày 24-7-2003, một lần nữa tiền học lại bị đẩy lên. Theo đó, trường qui định số tiền mà SV phải đóng cho một tín chỉ cả lý thuyết lẫn thực hành đều là 60.000 đồng.

SV của trường cho biết trước đây một tín chỉ lý thuyết họ chỉ phải đóng 50.000 đồng và 55.000 đồng cho một tín chỉ thực hành. Để giải thích việc tăng học phí, trường cho rằng: “Trong khi chờ văn bản chính thức của Bộ GD-ĐT về việc thu học phí của các trường ĐH ngoài công lập, trường quyết định mức thu trên”.

Theo thông báo này, ngay cả học phí hệ đào tạo từ xa cũng không còn giữ ở mức cũ. Đối với các môn ôn tập 10 tiết trở lên, học phí là 70.000 đồng/môn và tiền ôn tập những môn có số tiết từ 10-25 là 90.000 đồng/môn.

Mức thu kỷ lục!?

Nếu như có một sự so sánh nào đó về mức thu học phí giữa các trường ĐH ngoài công lập thì có thể xếp mức thu của ĐH dân lập Hồng Bàng vào mức cao kỷ lục. Qui định về việc tăng học phí đối với SV tất cả các khóa, các ngành được đưa ra từ tháng 7-2002 đã từng gây ra một sự phản ứng khá mạnh trong SV vào thời điểm đó.

Đến đầu năm học này, mặc dù bảng thông báo kia vẫn còn niêm yết ngay trước phòng thu học phí của trường nhưng mức thu áp dụng với SV vừa nhập học đã hoàn toàn thay đổi bởi một thông báo khác được viết trên một tờ giấy nhỏ hơn nhưng với cỡ chữ lớn hơn.

Chúng tôi đã chứng kiến cảnh tân SV T.N.T., vừa trúng tuyển ngành bóng đá, loay hoay vét hết ví rồi đến túi gom cho đủ 4.213.000 đồng để đóng tiền làm thủ tục nhập học, trong đó có những khoản thu rất “đặc trưng” của trường này như lệ phí câu lạc bộ 90.000 đồng !

Khi hỏi một vài tân SV đang làm thủ tục tại đây, hầu như không một bạn nào biết đó là câu lạc bộ gì, tại sao phải tham gia. Chưa hết, ngoài khoản tiền đồng phục 69.000 đồng, trường còn yêu cầu SV năm 1 phải mua áo sơmi (đối với nam) với giá 35.000 đồng/áo và vải áo dài (đối với nữ) với giá 24.000 đồng/m.

Trong tâm trạng của những thí sinh vừa trúng tuyển ĐH, hầu như không một tân SV nào có ý định thắc mắc gì về những khoản thu “linh tinh” này của trường. Tuy nhiên, với học phí thì mọi chuyện không dễ dàng như thế.

Trường này chia mức thu học phí đối với SV thành ba nhóm ngành với ba mức thu khác nhau. Và trong mỗi nhóm ngành đó, SV từng năm khác nhau lại có mức đóng khác nhau. Đối với SV năm 1, nhóm đầu tiên gồm các ngành kinh tế đóng 3.380.000 đồng/năm; nhóm thứ hai gồm các ngành khoa học xã hội, tin học, ngoại ngữ… 3.580.000 đồng/năm và nhóm thứ ba (các ngành công nghệ sinh học, môi trường, thể dục thể thao…) là 3.780.000 đồng/năm.

Đọc kỹ lại một lần nữa những số tiền không nhỏ ấy, chúng tôi vẫn không thấy SV năm 1 của nhóm nào có mức học phí lên đến 3.980.000 đồng. Vậy mà đó lại là số tiền học phí mà tất cả tân SV đến làm thủ tục nhập học trong những ngày qua phải đóng trọn gói một lần (chưa kể các khoản linh tinh khác) dù học ngành kinh tế, thể dục thể thao hay ngành nào khác.

Chưa “đạt” đến “ngưỡng” của ĐH dân lập Hồng Bàng nhưng ở ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ, SV năm 1 nhập học những ngày này cũng không còn được đóng 3.400.000 đồng như năm trước mà phải lo đủ số tiền 3.600.000 đồng.

Song, mức thu đó chưa phải là cao nếu so với SV từ năm 2 đến năm thứ 4 khi phải đóng đến 3.900.000 đồng thay vì 3.400.000 như những năm trước. Không riêng gì hệ ĐH mà các hệ đào tạo khác như CĐ, THCN, trung học nghề đều đồng loạt lên “giá”. Trong đó, học phí hệ CĐ từ năm 2 trở đi lên đến 3.400.000 đồng.

Một trong những nội dung mà Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Tài chính và trình Chính phủ khi đưa ra dự thảo về khung học phí mới theo hướng tăng lên đối với tất cả các bậc học là sửa đổi các qui định về học bổng, trợ cấp khó khăn cho SV nghèo. Dự thảo này cũng quan tâm đến việc gắn liền mức học phí tăng với việc mở rộng các chính sách xã hội như miễn giảm học phí, trợ cấp học bổng, tín dụng đào tạo...

Thế nhưng, cho đến lúc này khi tất cả mới chỉ là dự thảo thì hàng loạt trường đã vội vã chính thức tăng học phí và vì chưa có những chính sách hỗ trợ hữu hiệu, điều này đã đẩy không ít SV nghèo vào thế cùng quẫn.

HÙNG THUẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên