29/09/2003 12:12 GMT+7

Dự án khu phần mềm Unisoft: khởi động...trong kho?

QUỐC THANH
QUỐC THANH

TT (TP.HCM) - Khu “nhà khởi động” Trung tâm Công nghệ phần mềm (Unisoft) Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM chỉ vài trăm mét vuông nhưng vẫn còn khá nhiều diện tích bỏ trống. Đó là chưa kể hàng chục chiếc máy tính và nhiều thiết bị thuộc loại xịn và đắt tiền nhất vẫn “trùm mền” nằm im lìm trong kho suốt gần hai năm qua...

XFH4dgzZ.jpgPhóng to

Thiết bị máy tính chất đầy trong kho và phòng ốc vẫn chưa có người làm việc

TT (TP.HCM) - Khu “nhà khởi động” Trung tâm Công nghệ phần mềm (Unisoft) Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP.HCM chỉ vài trăm mét vuông nhưng vẫn còn khá nhiều diện tích bỏ trống. Đó là chưa kể hàng chục chiếc máy tính và nhiều thiết bị thuộc loại xịn và đắt tiền nhất vẫn “trùm mền” nằm im lìm trong kho suốt gần hai năm qua...

Viễn cảnh và thực tế...

So với nhiều dự án xây dựng cơ bản khác, Unisoft được triển khai với tốc độ khá nhanh. Ngày 17-4-2001, Thủ tướng đồng ý nguyên tắc thành lập khu công nghệ phần mềm ĐHQG TP.HCM, theo đề nghị của đại học này.

Ngày 18-4-2001 Unisoft được thành lập theo quyết định của giám đốc ĐHQG TP.HCM. Ngân sách dành cho dự án cũng hết sức trơn tru, với tổng vốn đầu tư được ấn định khoảng 60 tỉ đồng. Tòa nhà khởi động và một số công trình phụ trợ được dựng lên hướng tới mục tiêu lập “vườn ươm phần mềm” cũng được triển khai xây dựng nhanh chóng…

Những người lập dự án lúc đó xác định khu phần mềm là khâu đột phá để ĐHQG TP.HCM mở rộng hợp tác, thu hút đầu tư phát triển các hoạt động nghiên cứu - triển khai khoa học công nghệ.

Thế nhưng, tính đến giữa năm 2002, Unisoft chỉ mới có hơn 20 “quân”, chủ yếu là lập trình viên. Để nuôi số “quân” lúc đó Unisoft thật sự khó khăn. Nhằm tạo nguồn thu cho Unisoft, ĐHQG TP.HCM ký hợp đồng với Unisoft triển khai dự án “giải pháp tin học và quản trị website bằng phần mềm iPortal”, giai đoạn đầu kinh phí khoảng 80 triệu đồng.

Ngoài ra, Unisoft còn ký hợp đồng với một số đơn vị khác nhằm tăng thêm nguồn thu, trang trải các chi phí hoạt động. Tiếp theo đó, ĐHQG TP.HCM “tạm ứng” cho Unisoft số tiền khoảng 500 triệu đồng để “nuôi” quân và trang trải chi phí hoạt động.

Hàng loạt lập trình viên đã được Unisoft “cưu mang” và “ươm tạo” cũng lần lượt rơi rụng. Đến khi đơn vị mới tiếp nhận - Trung tâm Phát triển công nghệ thông tin ĐHQG TP.HCM - chỉ còn vài ba lập trình viên đang trong thời gian học việc.

Thiết bị tiền tỉ… “trùm mền”!

Kc0VXWmr.jpgPhóng to
Thiết bị ... bị trùm mền
Tại khu “nhà khởi động” của Unisoft, hai gói thầu trang thiết bị có giá trị lớn nhất là trang cấp thiết bị tin học và thiết bị chống sét, thiết bị mạng… có tổng giá trị hơn 5,2 tỉ đồng. Trong số này có nhiều loại thiết bị rất đắt tiền nhưng từ lúc trang bị, nghiệm thu… cho đến nay gần hai năm vẫn còn nằm nguyên trong kho.

Theo số liệu chúng tôi nắm được, có tất cả 80 bộ máy tính IBM Netvista A22p với cấu hình cực mạnh (Pentium 4 1700MHz, ổ cứng 40GB, 128MB…) với tổng giá trị 60.000 USD; 50 màn hình IBM 15 inch LCD (loại màn hình dẹt, mỏng) với tổng giá trị 25.000 USD; 30 màn hình IBM CRT 17 inch với tổng giá trị 5.160 USD.

Tuy nhiên, hiện còn đến phân nửa số máy tính đã mua sắm vẫn còn chất đầy trong kho, chưa có cơ hội dùng đến vì không có người và không có việc để dùng. Riêng hệ thống bốn máy chủ (server) IBM Xseries 250 hơn 37.000 USD cũng chỉ để chạy mạng nội bộ (đơn vị mới khi tiếp nhận đã cho ngưng hệ thống máy chủ này để tiết kiệm điện).

Nhưng có lẽ đáng nói nhất là việc mua sắm hệ thống tổng đài IP (tổng đài điện thoại trên nền Internet) có giá trị hơn 88.000 USD để rồi sau khi lắp đặt, nghiệm thu… phải tiếp tục đóng gói cẩn thận cất vào kho.

Vì sao nhu cầu chưa có mà trang thiết bị được mua sắm một cách ồ ạt?

Trao đổi với Tuổi Trẻ về kế hoạch khai thác khối tài sản khổng lồ vừa mới tiếp nhận, Trung tâm Phát triển công nghệ thông tin ĐHQG TP.HCM cho biết trước mắt sẽ thành lập một số nhóm triển khai các sản phẩm phần mềm theo ba hướng: giáo dục điện tử, thương mại điện tử và hành chính điện tử.

Trung tâm sẽ khẩn trương đưa “quân” đến Unisoft, gấp rút củng cố mô hình tổ chức, tổ chức lại công việc, khai thác hiệu quả số trang thiết bị đã đầu tư…

Tuy nhiên việc thu hút các công ty phần mềm, các nhóm lập trình đến với Unisoft làm việc; hay tìm hợp đồng sản xuất phần mềm, tìm đầu ra cho sản phẩm, tìm thị trường xuất khẩu… mang thương hiệu Unisoft như mục tiêu đã đề ra ban đầu quả là một thách thức không nhỏ đối với đơn vị này.

QUỐC THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên