22/09/2003 06:24 GMT+7

Cách nào giúp bạn trẻ có giấy tờ tùy thân ?

THẾ HƯNG
THẾ HƯNG

TT (TP.HCM) - Theo qui định, công dân VN từ đủ 14 tuổi trở lên có nghĩa vụ đến cơ quan công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (HKTT) làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân (CMND). Thế nhưng, hiện TP.HCM có rất nhiều bạn trẻ vẫn chưa được cấp CMND.

Vx2k5ld5.jpgPhóng to

Không có hộ khẩu...

Đã tốt nghiệp đại học, đi làm ở một doanh nghiệp nhà nước nhưng chị Lý Thị Ngọc vẫn chưa có giấy CMND. Chị Ngọc cho biết: “Năm 1982, gia đình tôi từ Vĩnh Phú vào tạm trú ở quận Bình Thạnh,TP.HCM, lúc đó tôi mới 4 tuổi. Khi đến tuổi được làm CMND lại không có HKTT nên đành chịu. Bây giờ đi xe máy phải có giấy chứng nhận đăng ký xe và giấy phép lái xe, nhưng không có CMND cũng không làm được. Thậm chí muốn mua bảo hiểm xe máy cũng không được vì giấy tờ xe của tôi vẫn đứng tên chủ cũ”.

Bạn Nguyễn Thanh Hoàng, tạm trú ở Q.Tân Bình, cho biết công an phường có cấp cho bạn một giấy tạm trú có thời hạn (có dán ảnh) nhưng không thay thế CMND. Do đó, khi đi xin việc Thanh Hoàng gặp rất nhiều khó khăn vì hiện nay các đơn vị tuyển dụng đều yêu cầu trong hồ sơ xin việc phải có bản photo HKTT, CMND.

Băn khoăn của chị Ngọc, bạn Hoàng cũng là bức xúc của nhiều bạn trẻ trong các gia đình tạm trú diện KT3 ở TP.HCM hiện nay. Mới đây, trả lời về một trường hợp diện KT3 không được làm CMND, trung tá Võ Văn Nhuận - trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM - cho rằng “việc từ chối là đúng qui định vì HKTT ở đâu làm CMND ở đó”. Đồng thời ông Nhuận cũng đề nghị “những người tạm trú diện KT3 cần trở về nơi đăng ký HKTT cũ để xin làm CMND”.

Về nơi ở cũ cũng không xong

Quá bức xúc về việc ba người con đã tốt nghiệp đại học từ lâu mà vẫn chưa có giấy CMND, tháng 4-2003, ông Lê Thọ (hiện tạm trú tại P.5, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã làm đơn xin đăng ký lại HKTT tại xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định - nơi mà hơn 20 năm về trước, ông cùng vợ và ba người con thường trú tại đó. Theo ông Thọ, đăng ký lại HKTT là để thuận tiện việc làm CMND cho ba người con của ông.

Ngày 2-5-2003, Công an tỉnh Bình Định có công văn trả lời: “Gia đình ông Thọ đã vào TP.HCM từ 1981 và công an địa phương đã lập biên bản xóa tên trong hồ sơ hộ khẩu. Nay ông Thọ xin đăng ký lại HKTT nhưng không vì mục đích cư trú mà để được cấp và đổi CMND cho ông, cùng vợ và ba con.

Theo thông tư 06 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) hướng dẫn thực hiện nghị định 51/CP qui định mỗi công dân chỉ đăng ký HKTT một nơi cư trú nhất định là nơi thường xuyên sinh sống. Việc đăng ký lại HKTT cho công dân khi người đó phải thường xuyên sinh sống và vì mục đích cư trú, không thể đăng ký hộ khẩu danh nghĩa nhằm đảm bảo thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân nên ông Thọ và gia đình không được đăng ký lại HKTT ở xã Ân Hữu…”.

Giải pháp nào?

Như vậy có thể thấy những người còn HKTT ở các địa phương thì việc quay trở về làm CMND mới thuận tiện. Trường hợp sinh sống ở TP.HCM đã lâu, HKTT ở nơi cũ đã bị xóa thì việc trở lại nơi ở cũ xin đăng ký lại HKTT để từ đó làm CMND, làm giấy tạm vắng là rất khó khăn. Vậy giải quyết bằng cách nào?

Theo chúng tôi, trong lúc nhập hộ khẩu vào TP.HCM rất khó khăn thì có một cách tháo gỡ cho những người diện tạm trú KT3 là được đăng ký lại HKTT. Về pháp lý, điều 16 của nghị định 51/CP có qui định: “Người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký HKTT quá sáu tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong sổ hộ khẩu; khi trở lại phải khai xin đăng ký lại HKTT theo qui định”.

Như vậy, bên cạnh những trường hợp đi học, đi làm xa, đi nghĩa vụ quân sự… nay trở về được đăng ký HKTT, cũng nên quan tâm đến những trường hợp chưa có nơi thường trú mới, cần một nơi đăng ký HKTT gốc để giải quyết những giấy tờ tùy thân. Đất nước đổi mới, hoàn cảnh sống của nhiều gia đình thay đổi, lẽ nào chỉ cho phép những người thuộc cơ quan, đơn vị (tóm lại là thuộc một tổ chức nhà nước) được đăng ký HKTT một nơi, đi làm một nơi, còn người dân thì không được hưởng qui định này?

Về thực tế, khi giải quyết đúng là có những khó khăn do người dân gây ra như “đi không hề báo tạm vắng, địa phương không biết”, hoặc “nhà cũ đã bán rồi, lấy chỗ nào đăng ký lại HKTT”. Theo chúng tôi, việc đi không báo, đến không đăng ký là lỗi của người dân và người dân phải chịu trách nhiệm. Còn trường hợp nhà cũ đã bán, có thể vận dụng “chủ mới bảo lãnh cho đăng ký HKTT trở lại”. Ngoài ra, khi đi họ không báo, nhưng nay họ xuất trình được giấy đăng ký tạm trú nơi ở mới thì công an các địa phương cũng nên xem xét, giải quyết.

Không có HKTT, thì theo qui định, đến bao giờ những người tạm trú diện KT3, trong đó có nhiều bạn trẻ, có CMND để làm các giấy tờ khác? Tháo gỡ cho gia đình họ được đăng ký lại HKTT cũng là lối thoát cho những người không có CMND và tạo thuận lợi cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.

THẾ HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên