20/09/2003 07:16 GMT+7

Cần một đặc khu giáo dục đại học!

TS HÀ BÍCH LIÊN
TS HÀ BÍCH LIÊN

TT - Đặc khu giáo dục mới với một hay nhiều trường đại học quốc tế của VN sẽ là điểm đột phá để xây dựng một thị trường giáo dục ĐH có cạnh tranh lành mạnh...

So6ZBkou.jpgPhóng to

Một lớp đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM)

TT - Đặc khu giáo dục mới với một hay nhiều trường đại học quốc tế của VN sẽ là điểm đột phá để xây dựng một thị trường giáo dục ĐH có cạnh tranh lành mạnh...

Xây dựng nhãn hiệu ĐH VN

Ngân sách hằng năm dành chi phí đào tạo cho một SV ĐH hiện nay của nước ta chỉ 300 USD (trong khi ở Nhật Bản là 84.000 USD, Thái Lan 18.000 USD).

Ngân sách rõ ràng chưa tương ứng với “quốc sách”, đó là chưa kể một phần ngân sách không nhỏ bị bỏ vào những cải cách không chính đáng.

Chúng ta không được phép quên rằng trong thời đại ngày nay, “sự bỏ chạy của vốn con người” hay “sự bòn rút chất xám” sẽ làm cho việc thu nhập và tăng trưởng của những quốc gia bị mất chất xám vĩnh viễn thấp hơn những quốc gia được nhận.

Không phải ngẫu nhiên mà chính sách nhập cư của Đức, Singapore và một số nước phát triển khác gần đây có những thay đổi đáng kể, trong đó phải kể đến chính sách khuyến khích sự nhập cư của những người có trình độ cao.

Như vậy, cùng một lúc cải cách giáo dục ĐH phải giải quyết được đồng bộ tất cả vấn đề về tài chính và ngân sách cho giáo dục, cơ chế hoạt động, cơ sở vật chất kỹ thuật mới đủ để nâng cấp, quốc tế hóa nội dung giáo dục và tạo điều kiện chủ động hợp tác với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Thực tiễn đặt ra yêu cầu xây dựng một địa bàn giáo dục tiên tiến làm đòn bẩy chất lượng cả hệ thống ĐH, làm nơi thu hút tinh hoa về đào tạo từ các nước. Địa bàn thí điểm này có thể được xem và qui định như một đặc khu giáo dục mới với những cơ chế đặc biệt dành cho nó. Cụ thể là về cơ chế hoạt động, chính sách ưu đãi về ngân sách, đất đai, thuế, lương bổng, học bổng, bằng cấp...

Đây là nơi tập trung đào tạo thí điểm ĐH chất lượng cao, tập trung tất cả những tinh hoa của giáo dục quốc tế và giáo dục dân tộc. Chú trọng đào tạo các ngành kinh tế mũi nhọn mà xã hội đang cần trong xu thế hội nhập song song với đào tạo các ngành khoa học xã hội - nhân văn.

Không chỉ bảo tồn bản sắc dân tộc, những ngành khoa học xã hội - nhân văn sẽ quyết định việc hình thành một nhãn hiệu ĐH riêng cho VN, thu hút SV nước ngoài, góp phần vào việc xuất khẩu các chương trình giáo dục ĐH VN và tạo phong cách chủ động trong những hoạt động mang tính đối tác.

Có thể cạnh tranh với các nước

Đặc khu giáo dục mới có thể được hình thành bắt đầu bằng việc tập trung xây dựng và xây dựng thành công một viện ĐH đa ngành đạt chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh với các trường ĐH lớn trong khu vực và trên thế giới. Đó là một trường ĐH quốc tế mang nhãn hiệu VN, một trường ĐH chất lượng cao, có khả năng đáp ứng nhu cầu du học tại chỗ, thu hút SV và HS nước ngoài mà trước hết là từ các nước láng giềng và trong khu vực.

Sự cần thiết xây dựng một trường ĐH như vậy như là một sự khởi đầu trong chương trình “đặc khu giáo dục”, còn là việc tiết kiệm ngân sách cho Nhà nước, tiền bạc của nhân dân, phát triển nhân tài tại chỗ, và đặc biệt còn khắc phục được tình trạng “di cư chất xám”.

Trong đặc khu giáo dục mới, với những qui chế đặc biệt sẽ mở ra cho các trường ĐH những hướng hoạt động mới. Thứ nhất là đào tạo theo hướng trực tiếp đáp ứng nhu cầu đổi mới của công nghiệp và công nghệ.

Do vậy các đối tác trong nền kinh tế (các công ty, nhà máy, siêu thị...) sẽ trực tiếp tham gia việc thiết lập và triển khai những chương trình giáo dục - đào tạo theo tiến trình phát triển của kinh tế - xã hội. Và phần mềm của một trường ĐH có thể kết hợp với việc đào tạo trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.

Thứ hai là yếu tố kinh tế ĐH. Trong điều kiện của đất nước chúng ta, trường ĐH đa ngành phải hoạt động trong một dây chuyền khép kín của mô hình “vòng hoàn thiện”. Đào tạo, nghiên cứu, thực nghiệm, ứng dụng sáng chế phát minh, chuyển giao công nghệ, dịch vụ, sản xuất kinh doanh... tất cả phải vận hành theo “vòng hoàn thiện”.

Trên thực tế, để nâng cao chất lượng đào tạo, phải dựa vào khả năng tự tạo dựng nên những điều kiện tối ưu hỗ trợ trực tiếp cho đào tạo. Và quan trọng hơn là những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học và SV sẽ không bị nằm im trong két sắt.

Thứ ba là với những qui chế đặc biệt nằm trong đặc khu giáo dục mới, trường ĐH thí điểm này hoàn toàn có khả năng lựa chọn đối tác trong giáo dục đào tạo. Các mạng lưới giáo dục tiên tiến và những cơ chế giáo dục tiên tiến sẽ được chọn lựa và áp dụng triển khai.

Tại đây sẽ đưa vào những ngành học đang cần để duy trì và phát triển khả năng cạnh tranh của nền kinh tế VN trong hiện tại và tương lai.

Chính sách ưu đãi đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục dành cho đặc khu (như ngân sách, đất đai, thuế, lương bổng...) sẽ khuyến khích các mạng lưới giáo dục tiên tiến trên thế giới nhập cuộc vào VN, đặc biệt là nhắm vào các ĐH công nghệ thông tin và công nghệ sáng tạo hàng đầu trên thế giới.

Một tỉ lệ thuận rất đáng khích lệ, khi chúng ta đủ điều kiện để nhập khẩu giáo dục thì chúng ta cũng có khả năng xuất khẩu giáo dục, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giáo dục chứ không phải xuất khẩu chất xám như hiện nay.

Trong tiến trình xây dựng giáo dục và đào tạo mới này, con người - nguồn nhân lực được coi là nguồn tài nguyên, tài sản cao quí nhất của đất nước, là vốn, là nguyên khí của quốc gia.

Họ không phải chỉ được đào tạo để lao động cần cù và sản xuất ra hàng hóa cho quốc gia, mà được đào tạo để có những kỹ năng cao, khả năng tiếp cận nhanh và linh động để đón kịp những tiến bộ và đổi thay của nền kinh tế hiện đại, nền kinh tế tri thức.

TS HÀ BÍCH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên