10/03/2014 22:23 GMT+7

10 vụ sống sót hi hữu trong lịch sử tai nạn hàng không

HẢI MINH (Theo listverse.com)
HẢI MINH (Theo listverse.com)

TTO - “Tôi không biết liệu mỗi người chúng ta đều có số phận, hay liệu tất cả chúng ta đều lơ lửng xung quanh một cách vô tình trong cơn gió, nhưng tôi nghĩ có lẽ là cả hai. Cả hai cùng xảy ra”.

Những lời thoại nổi tiếng đó của nhân vật chính Forest Gump trong bộ phim trứ danh cùng tên không thể đúng hơn cho những người sống sót một cách thần kỳ trong các vụ tai nạn máy bay.

34 máy bay, 40 tàu cùng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tíchNăm người gửi hành lý nhưng không lên máy bay mất tích Toàn cảnh vụ máy bay mất tích

c4ruzeZ4.jpg
Hiện trường vụ tai nạn gần Hejce, Hungary ngày 19-1-2006

10. Thiếu úy Martin Farkas

Ngày xảy ra tai nạn: 19-1-2006

Loại máy bay: Antonov An-24

Hãng hàng không: Không quân Slovakia

Địa điểm tai nạn: Hejce, Hungary

Hành khách và phi hành đoàn: 43

Tử nạn: 42

Nguyên nhân tai nạn: Lỗi phi công

Chiếc máy bay này chở các binh sĩ gìn giữ hòa bình của Slovakia. Máy bay gặp nạn trong một vùng rừng núi đổ tuyết ở đồi Borso, cao độ khoảng 700m, gần ngôi làng Hungary Hejce và thị trấn Telkibanya. Chiếc máy bay đâm vào những ngọn cây trên đồi, bốc lửa rồi rơi xuống.

Thi thể những nạn nhân và các mảnh vỡ rơi khắp một vùng rộng lớn. Michaela Farkasova, vợ của người duy nhất sống sót, nói với báo chí rằng cô nhận được một cuộc điện thoại từ chồng. Anh nói chiếc máy bay của mình đã gặp nạn trong rừng và yêu cầu cô gọi cứu hộ. Không lâu sau cuộc gọi, các nhân viên cứu hộ tìm ra Farkas.

Theo báo cáo giải thích tai nạn, việc anh sống sót chỉ thuần túy là may mắn. Anh được tìm thấy trong nhà vệ sinh máy bay, gần như không hề hấn gì. Các cuộc điều tra sau đó cho thấy phi công đã hạ độ cao quá sớm trong bóng đêm khi nhìn thấy những ánh đèn của thành phố Kosice phía trước.

pcU918jd.jpg
Hiện trường vụ tai nạn ở phi trường Blue Grass, Lexington, Kentucky, Mỹ ngày 27-8-2006

9. James Polehinke

Ngày xảy ra tai nạn: 27-8-2006

Loại máy bay: Máy bay ném bom CRJ-100ER

Hãng hàng không: Không quân Mỹ

Địa điểm tai nạn: phi trường Blue Grass, Lexington, Kentucky, Mỹ

Hành khách và phi hành đoàn: 50

Tử nạn: 49

Nguyên nhân tai nạn: lỗi phi công

Chiếc máy bay này được đài không lưu báo cất cánh ở đường băng số 22, nhưng lại dùng đường băng số 26. Đường băng số 26 quá ngắn khiến máy bay chạy lố ở cuối đường băng và không kịp cất cánh, tất cả 47 hành khách và hai trong ba thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Sĩ quan điều phối số 1 của chuyến bay, James Polehinke, là người duy nhất sống sót. Polehinke bị nhiều vết thương nghiêm trọng, bao gồm nhiều xương bị gãy, phổi bị chấn thương và xuất huyết trầm trọng. Các bác sĩ sau đó xác định Polehinke cũng bị tổn thương não và sau này không còn nhớ gì về vụ tai nạn. Khi chiếc máy bay gặp nạn, Polehinke là người cầm lái, nhưng cơ trưởng Jeffrey Clay là người đã đưa máy bay vào nhầm đường băng.

38OEfjYT.jpg
Foye Kenneth Roberts

8. Foye Kenneth Roberts

Ngày xảy ra tai nạn: 14-6-1943

Loại máy bay: Máy bay ném bom B-17C

Địa điểm tai nạn: Bakers Creek gần Mackay, Queensland, Úc

Hành khách và phi hành đoàn: 41

Tử nạn: 40

Nguyên nhân tai nạn: không rõ

Vì các lý do an ninh quân sự và không làm ảnh hưởng tới tinh thần binh sĩ, vụ việc này đã bị các quan chức quân đội Mỹ và nhà chức trách dân sự Úc che đậy trong nhiều năm. Chiếc máy bay chở 41 quân nhân Mỹ đang trở về sau 10 ngày nghỉ phép. Nó cất cánh trong sương mù và đạt được thăng bằng ở độ cao khoảng hơn 90m. Trong vài phút, chiếc máy bay bốc cháy giữa không trung và lao xuống những rặng cây, một bên cánh rơi ra để lộ một khoảng trống lớn mà rất nhiều hành khách rơi ra khỏi đó trước cú chạm đất cuối cùng.

Người sống sót duy nhất là Foye Kenneth Roberts. Roberts bị thương ở đầu và không được chẩn đoán ngay sau tai nạn. Ông bị á khẩu trong nhiều năm sau một ca phẫu thuật não để cứu mạng ông. Roberts không nhớ gì về vụ tai nạn. Tháng 2-2004, Foye Kenneth Roberts qua đời. Tới tận ngày nay, đây vẫn là vụ tai nạn hàng không tồi tệ nhất trong lịch sử nước Úc.

dHB2ds3F.jpg
Địa điểm máy bay rơi ngày 17-3-1957 được đánh chữ thập

7. Nestor Mata

Ngày xảy ra tai nạn: 17-3-1957

Loại máy bay: C-47

Hãng hàng không: Không quân Philippines

Địa điểm tai nạn: cách thành phố Cebu, Philippines 35km về phía tây bắc

Hành khách và phi hành đoàn: 26

Tử nạn: 25

Nguyên nhân tai nạn: phi công bị căng thẳng thần kinh

Vụ tai nạn này đã khiến tổng thống thứ 7 của Philippines, Ramon Magsaysay, cùng rất nhiều quan chức quân sự cấp cao của nước này, thiệt mạng. Phóng viên của báo Philippines Herald, Nestor Mata, là người sống sót duy nhất. Chiếc máy bay cất cánh từ phi trường Lahug để tới Nichols Field, và các nhân chứng trên mặt đất quan sát thấy máy bay không đạt đủ cao độ khi tiến về phía các rặng núi ở Balamban.

Mata ngồi ở ghế thứ hai, gần khoang của tổng thống, khi vụ tai nạn xảy ra, và nhớ lại rằng ông thấy mọi thứ tối sầm xuống, rồi bất tỉnh. Khi tỉnh dậy, ông thấy mình đang nằm trên một sườn núi dốc giữa những rặng cây. Đau đớn tột cùng, ông bắt đầu hét to: “Ngài tổng thống! Ngài tổng thống!”.

Khi vài nông dân tìm thấy ông và đưa ông về làng của họ, họ đã phải làm một cái cáng tự tạo và mang ông đi suốt 18 tiếng đồng hồ qua một địa hình hiểm trở. Khi Mata tới được Bệnh viên Southern Island ở Cebu, ông được điều trị tâm lý và các vết bỏng cấp độ ba. Ông bình phục và thậm chí có thể đọc cho một y tá trong bệnh viện gõ hộ ông bài báo nóng sốt cho tờ báo của ông, với tựa đề “Tổng thống Magsaysay đã qua đời”.

tu7oRNfJ.jpg
Một máy bay của Hãng Intercontinental Airlines

6. Erika Delgado

Ngày xảy ra tai nạn: 13-1-1995

Loại máy bay: DC-9

Hãng hàng không: Intercontinental Airlines

Địa điểm tai nạn: Maria La Baja, cách Bogota, Colombia 800km về phía tây bắc

Hành khách và phi hành đoàn: 52

Tử nạn: 51

Nguyên nhân tai nạn: không rõ

Chiếc máy bay này phát nổ giữa không trung khi phi công có thể đang tìm cách hạ cánh khẩn ở một đầm lầy gần đó, nhưng rồi lại lao vào một bãi cỏ rậm và máy bay nổ khi đâm vào một đầm nước. Một người nông dân nói ông nghe thấy tiếng kêu cứu và tìm thấy bé gái chín tuổi Erika Delgado, nằm gần một mô đất rong rêu. Cô là người duy nhất sống sót.

Cô đi cùng bố mẹ và một người em trai, từ Bogota tới thành phố nghĩ dưởng ở vịnh Caribe Cartagena. Các nhân viên cứu hộ nói cô bé kể lại rằng mẹ cô đã xô cô ra khỏi máy bay khi nó phát nổ và bốc cháy. Cô được đưa tới bệnh viện để điều trị tâm lý và cánh tay bị gãy. Erika sau này nhớ lại có người đã tới gần nhưng thay vì giúp đỡ cô thì giật mất sợi dây chuyền vàng trên cổ cô. Các nhân chứng nói cũng đã có những kẻ ăn cướp đồ đạc trên thi thể các nạn nhân khác. Erika đăng thông báo xin trả lại sợi dây chuyền, mà cô nói là một kỷ vật từ người cha.

bp77GX7B.jpg
Hiện trường vụ tai nạn ở Reno, Nevada, Mỹ

5. George Lamson, Jr.

Ngày xảy ra tai nạn: 21-1-1985

Loại máy bay: Lockheed Electra 188

Địa điểm tai nạn: Reno, Nevada, Mỹ

Hành khách và phi hành đoàn: 71

Tử nạn: 70

Nguyên nhân tai nạn: lỗi phi công và bộ phận mặt đất

Sau cuối tuần đi trượt tuyết, George Lamson, khi đó 17 tuổi, ngồi cạnh cha ở hàng ghế đầu trong máy bay, ngay sau buồng lái. Chiếc máy bay bắt đầu rung và cánh bên phải trĩu xuống do bị đài không lưu hướng dẫn rẽ phải, một lời khuyên tồi. Lamson co gối vào sát ngực khi chiếc máy bay chạm đất. Lực va chạm đã đẩy bật chiếc ghế của cậu ra khỏi khoang hành khách, cậu bị bắn ra khỏi máy bay, rơi xuống ngay giữa đường cao tốc, mắc kẹt trong dây an toàn.

Cậu cởi dây an toàn và lao nhanh vào một cánh đồng ở gần vệ đường khi chiếc máy bay phát nổ. Ban đầu có ba người sống sót trong vụ tai nạn, bao gồm cha George Lamson, nhưng hai người kia thiệt mạng vài ngày sau đó vì những vết bỏng và chấn thương đầu nghiêm trọng.

Các cuộc điều tra sau đó kết luận nguyên nhân tai nạn là do cơ trưởng không thể kiểm soát máy bay, và cơ phó không giám sát được đường bay và tốc độ bay. Lamson giờ cũng đã là bố. Ông yêu cầu báo chí không tiết lộ gì về công việc và nơi ở của mình, sống cuộc đời rất riêng tư.

g4wP3rBB.jpg
Mohammed el-Fateh Osman

4. Mohammed el-Fateh Osman

Ngày xảy ra tai nạn: 8-7-2003

Loại máy bay: Boeing 737

Hãng hàng không: Sudan Airways

Địa điểm tai nạn: cảng Sudan, Sudan

Hành khách và phi hành đoàn: 116

Tử nạn: 115

Nguyên nhân tai nạn: không rõ (Sudan cáo buộc Mỹ gây ra vụ tai nạn, vì các lệnh cấm vận của Mỹ với Sudan lúc bấy giờ không cho phép nước này nhập các thiết bị thay thế cho máy bay. Mỹ bác bỏ cáo buộc, nói là họ không cấm vận với các thiết bị an toàn bay).

Khoảng 10 phút sau khi cất cánh từ cảng Sudan ở vùng bờ biển đông bắc thủ đô Khartoum, viên phi công phát tín hiệu radio xin đài không lưu tư vấn về vấn đề với động cơ. Sau đó viên phi công nói anh ta đang quay trở lại phi trường. Mười phút sau, chiếc máy bay lao vào một sườn đồi khi đang tìm cách hạ cánh khẩn cấp, khiến 116 người thiệt mạng và cậu bé ba tuổi Mohammed el-Fateh Osman là người duy nhất sống sót giữa các thi thể nằm la liệt.

Mẹ cậu bé cũng là một trong số các nạn nhân. Mohammed bị mất một phần chân và bị bỏng nặng. Các thi thể được chôn cất trong một hố chôn tập thể sau khi được cầu nguyện theo nghi thức Hồi giáo, vì tình trạng của các thi thể khiến việc chuyển họ tới cho những người thân rất khó khăn.

R84PGQwn.jpg
Vesna Vulovic. Dòng chữ trong ảnh: Làm thế nào để sống sót trong một vụ đánh bom ở độ cao 33.000 feet (hơn 10.000m)

3. Vesna Vulovic

Ngày xảy ra tai nạn: 26-1-1972

Loại máy bay: McDonnell-Douglas DC-9

Hãng hàng không: Jugoslovenski Aero

Địa điểm tai nạn: Hinterhermsdorf, Đông Đức

Hành khách và phi hành đoàn: 28

Tử nạn: 27

Nguyên nhân tai nạn: máy bay bị đánh bom

Vụ này đứng thứ ba vì tính chất khó tin của nó. Vesna Vulovic là một tiếp viên trên chuyến bay khi quả bom phát nổ ở độ cao 10.050m. Hành động khủng bố này được quy cho tổ chức Ustashe Croatia. Vụ nổ xé toạc chiếc máy bay thành nhiều mảnh giữa không trung. Các mảnh vở rơi lả tả suốt ba phút mới tới một sườn núi phủ tuyết trắng.

Một người Đức sau khi tới hiện trường đã tìm ra Vesna nằm một nửa người nhoài ra khỏi máy bay, và một thành viên phi hành đoàn khác nằm đè lên người cô, một chiếc xe đẩy đồ ăn trên máy bay nằm phía dưới. Người tìm thấy Vesna là một bác sĩ hồi Thế chiến thứ hai, và đã làm những gì ông có thể để giúp Vesna sống sót.

Các chấn thương của cô bao gồm rạn xương sọ, gãy hai chân và rạn ba đốt sống, khiến cô tạm thời bán thân bất toại. Sau phẫu thuật, Vesna có thể sử dụng lại đôi chân và tiếp tục làm việc dưới mặt đất cho hãng hàng không. Sau này người ta phát hiện ra lịch làm việc của cô hôm đó bị nhầm với một nữ tiếp viên khác cũng tên Vesna, và cô đã lên nhầm chuyến bay.

Vesna được sách kỷ lục thế giới Guinness thừa nhận là người sống sót rơi từ độ cao cao nhất mà không cần dù, hơn 10km. Ở Nam Tư thời bấy giờ, cô được coi là một người hùng quốc gia.

Y8XJa8RQ.jpg
Cecelia Cichan trong bệnh viện

2. Cecelia Cichan

Ngày xảy ra tai nạn: 16-8-1987

Loại máy bay: McDonnell Douglas MD-82

Hãng hàng không: Northwest Airlines

Địa điểm tai nạn: Romulus, Michigan (phía tây Detroit), Mỹ

Hành khách và phi hành đoàn: 155

Tử nạn: 154, thêm 2 người dưới mặt đất

Nguyên nhân tai nạn: lỗi phi công

Sau khi cất cánh từ phi trường Metro, trong lần nâng độ cao thứ nhất, chiếc máy bay bỗng quay khoảng 35 độ, cánh trái va vào một cột chống sét cách cuối đường băng khoảng 800m rồi lại va vào cột chống sét thứ hai, mái một tòa nhà để xe, rồi rơi xuống đất. Cecelia Cichan được các nhân viên cứu hộ tìm thấy trong ghế ngồi của em, cách thi thể người mẹ chỉ hơn một mét.

Trên máy bay còn có cha Cecelia và cậu anh trai sáu tuổi của em. Việc bé gái bốn tuổi này sống sót cho tới nay vẫn là điều không thể giải thích được.

Cục An toàn giao thông quốc gia Mỹ xác định nguyên nhân vụ tai nạn có thể là do phi hành đoàn đã không đảm bảo các yêu cầu an toàn trước khi cất cánh. Cecelia giờ đã kết hôn và có bằng tiến sĩ tâm lý học của Đại học Alabama. Dù cô không ra mặt trước công chúng và không dự các lễ tưởng niệm hằng năm với vụ tai nạn kinh hoàng này, cô vẫn duy trì liên lạc với một số người có người thân thiệt mạng trong vụ tai nạn.

xTBLeLep.jpg
Juliane Kopcke sau này - Ảnh: listverse.com

1. Juliane Kopcke

Ngày xảy ra tai nạn: 24-12-1971

Loại máy bay: Lockheed Electra L-188A

Địa điểm tai nạn: Puerto Inca, Peru

Hành khách và phi hành đoàn: 92

Tử nạn: 91

Nguyên nhân tai nạn: lỗi phi công và máy bay có thể bị sét đánh

Thật ra đây là câu chuyện về hai lần đấu tranh sinh tồn khác nhau, và diễn ra như một điều thần kỳ với rất nhiều điểm khó giải thích.

Vào ngày Giáng sinh 1971, chiếc máy bay cất cánh từ phi trường Jorge Chavez ở thủ đô Lima, hướng tới Pucallpa, Peru. Khoảng một tiếng rưỡi sau khi cất cánh, ở độ cao khoảng 6.400m, chiếc máy bay đi vào một cơn bão và có thể đã bị sét đánh trúng.

Các phi công không điều khiển được máy bay và nó nhanh chóng lao thẳng xuống đất. Phi hành đoàn cố gắng tìm cách lấy lại thăng bằng cho máy bay, nhưng lửa bắt đầu bốc lên bên cánh, hai cánh lần lượt rời ra khỏi máy bay. Chiếc máy bay sau đó lao xuống một vùng núi non hiểm trở thuộc rừng Amazon.

Rất thần kỳ, cô gái 17 tuổi người Đức Juliane Koepcke, đi cùng mẹ, sống sót và vẫn ngồi trên ghế của cô. Sau khi tìm mẹ trong tuyệt vọng, Koepcke băng rừng trong chín ngày để tìm sự giúp đỡ. Ngày thứ chín, cô tìm thấy một chiếc xuồng máy và một căn lều. Nhiều giờ sau, các thợ rừng địa phương trở lại và thấy cô.

Những người này đưa cô qua một hành trình bảy tiếng nữa bằng xuồng máy tới một khu trại cây, nơi cô được đưa bằng máy bay tới bệnh viện. Koepcke hiện là một nhà sinh vật học có tiếng ở Đức.

HẢI MINH (Theo listverse.com)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên