Tìm HLV bóng đá: Phương Tây vẫn đi trước

HUY ĐĂNG 20/04/2024 10:17 GMT+7

TTCT - Thất bại của HLV Philippe Troussier khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam dè dặt hơn trước những HLV ngoại, cụ thể là các chiến lược gia phương Tây.

Không chỉ bóng đá Việt Nam, nhiều nền bóng đá châu Á giờ cũng dần "cảnh giác" trước những HLV đến từ châu Âu có bản thành tích hào nhoáng.

HLV Klopp và ê kíp trợ lý, bao gồm chuyên gia về khoa học thể thao, luôn theo chân ông qua các đội bóng. Ảnh: THE ATHLETIC

HLV Klopp và ê kíp trợ lý, bao gồm chuyên gia về khoa học thể thao, luôn theo chân ông qua các đội bóng. Ảnh: THE ATHLETIC

"Bí thuật" của Hiddink?

Có thể kể ra một số cái tên lừng lẫy từng gây thất vọng: Milovan Rajevac, chiến lược gia người Serbia giúp Ghana làm nên kỳ tích ở World Cup 2010 nhưng rồi thất bại thảm hại ở Thái Lan; Antonio Pizzi, cựu danh thủ Tây Ban Nha có sự nghiệp lừng lẫy nhưng chỉ trụ được ở Saudi Arabia vỏn vẹn 1 năm; Marcelono Lippi, chiến lược gia đại tài người Ý, đã chẳng thể giúp Trung Quốc vươn tầm; và gần đây nhất là Juergen Klinsmann, người bị cả nước Hàn Quốc gây sức ép đòi sa thải.

Đầu những năm 2000, trào lưu sử dụng HLV phương Tây bắt đầu nở rộ với bóng đá châu Á. Thành công của Hàn Quốc, với HLV Guus Hiddink và Nhật Bản, với Troussier, là nguồn cảm hứng. 

Đến thập niên 2010, hầu như mọi nền bóng đá châu Á đều chạy theo xu hướng này, để rồi gần đây lần lượt... quay xe. Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran không còn sử dụng các chiến lược gia Tây phương nữa, trong khi một số nền bóng đá nhỏ hơn như Thái Lan, Indonesia vẫn dùng HLV ngoại nhưng nhắm vào người châu Á.

Phải chăng các HLV da trắng đã hết thời ở châu Á? Khi những người như Rajevac hay Troussier thất bại ở các nền bóng đá vùng trũng, người hâm mộ bắt đầu nói nhiều đến chuyện "phù hợp". Cả hai người họ đều không thực sự phù hợp với bóng đá Thái Lan và Việt Nam.

Nhưng nếu nhất thiết cần đến sự tương đồng văn hóa, Hiddink và Troussier của hai thập niên trước lẽ ra không thể thành công. Hiddink từng tiết lộ ông bị sốc khi chứng kiến cảnh tượng các cầu thủ trẻ ở tuyển Hàn Quốc, dù đến sớm nhưng phải xếp hàng chờ các đàn anh đến muộn hơn. Còn Troussier cũng không hài lòng với tinh thần tập thể được đề cao quá mức của người Nhật.

Sau World Cup 2002, giới truyền thông khai thác triệt để những khác biệt về quan điểm quản trị này. Chi tiết về cách Hiddink và Troussier đã thay đổi tư duy các cầu thủ được khai thác triệt để. Hiddink dẹp bỏ vấn nạn "tiền bối - hậu bối" cố hữu của người Hàn, còn Troussier góp phần giúp người Nhật chơi bóng sáng tạo, đột phá và có tính cá nhân hơn.

HLV Guus Hiddink đã trở thành huyền thoại ở Hàn Quốc. Ảnh: Getty

HLV Guus Hiddink đã trở thành huyền thoại ở Hàn Quốc. Ảnh: Getty

Đó thực sự là những câu chuyện truyền cảm hứng, đến mức tên của Hiddink vẫn được người dân Hàn Quốc nhắc tới trong các môi trường học đường và công sở ngày nay. Nhưng mặt khác, nó cũng che mờ một chi tiết quan trọng, có thể là mấu chốt của cuộc cách mạng bóng đá ở Hàn Quốc và Nhật Bản: cách áp dụng khoa học vào thể thao kiểu phương Tây.

4 tháng trước khi World Cup 2002 bắt đầu, Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc đáp ứng yêu cầu có lẽ là độc nhất vô nhị vào thời điểm đó của HLV Hiddink: dời hệ thống Giải K-League lại để HLV người Hà Lan có thêm nhiều thời gian làm việc với cá nhân từng tuyển thủ quốc gia.

Daniel Taylor, nhà báo phương Tây đã sống ở Hàn Quốc một thời gian dài, kể lại rằng Hiddink cùng đội ngũ trợ lý, chuyên gia thể lực, bác sĩ đã gặp từng cầu thủ một để thảo luận và xây dựng các giáo án tập luyện đặc biệt nhằm cải thiện thể lực và giúp họ đạt điểm rơi phong độ đúng vào tháng 6. Ahn Jung Hwan, người hùng điển trai với cú lắc đầu vào lưới tuyển Ý sau đó vài tháng, nằm trong nhóm những người "cần phải cải thiện nhiều nhất".

Kết quả là người hâm mộ được chứng kiến một tập thể Hàn Quốc "chạy như cắn nhân sâm" vào mùa hè năm 2002.

Châu Âu vẫn là bậc thầy bóng đá

Giống như công thức nấu ăn của các nhà hàng danh tiếng, đội ngũ hỗ trợ xoay quanh HLV trưởng trong bóng đá luôn là chuyện không ai muốn tiết lộ. Hơn hai thập niên kể từ thành công của Hiddink và Troussier tại World Cup 2002, đội ngũ đó giờ càng chuyên nghiệp hóa và quan trọng.

HLV trưởng không hề là người quyết định mọi thứ, và trong nhiều trường hợp, những người trợ lý mới là "thiên tài chiến thuật". Khoa học, công nghệ, thể lực, y học, dữ liệu thống kê là những yếu tố ngày càng có vai trò lớn. Đội bóng giống như một công ty, HLV trưởng mang vai trò giám đốc, và sẽ luôn cần một ê kíp ăn ý - thành công dựa phần lớn vào ê kíp này.

Điểm hội tụ của tất cả những yếu tố trên là khái niệm ngày càng được nhắc nhiều trong vài năm gần đây: phân tích dữ liệu. 

Công nghệ hiện đại ngày nay có thể đo đạc được hàng trăm loại chỉ số khác nhau xoay quanh một cầu thủ và càng nhiều dữ liệu nữa về cả đội bóng. Nhưng để chuyển hóa dữ liệu thành thực tế trên sân là chuyện không hề dễ dàng.

Chuyên gia dữ liệu của Manchester City Laurie Shaw. Ảnh: LinkedIn

Chuyên gia dữ liệu của Manchester City Laurie Shaw. Ảnh: LinkedIn

Charles Reep, chuyên gia kế toán người Anh, được xem như cha đẻ của lĩnh vực phân tích dữ liệu trong bóng đá, dù chẳng hề có chuyên môn gì về bóng đá. Những năm 1950, Reep làm việc phân tích số liệu cho không quân Hoàng gia Anh, rồi rời quân ngũ vào năm 1955 và chuyển hướng sang bóng đá - lĩnh vực ông mê mẩn từ nhỏ.

Đội ngũ của Reep thu thập mọi loại số liệu quanh trận đấu, tách lọc thành những chỉ số quan trọng và gửi đến các CLB ở Anh. Liên đoàn Bóng đá Na Uy là một trong những nơi đầu tiên hứng thú với công trình của Reep. Tại World Cup 1958, tuyển Brazil cũng đặt hàng Reep phân tích dữ liệu liên quan đến tinh thần, tâm lý cầu thủ. Năm đó, họ lên ngôi vô địch.

Đến khoảng thập niên 1980, người Ý đi tiên phong trong xây dựng đội ngũ phân tích dữ liệu chuyên nghiệp ở các CLB, với "Mind Room" của AC Milan là mô hình đầu tiên. 

Điều đó lý giải vì sao hàng chục năm qua, Ý vẫn là nền bóng đá sản sinh ra nhiều chiến lược gia tài ba nhất. Từ những khóa học HLV sơ cấp, các chiến lược gia trẻ của bóng đá Ý đã được rèn luyện về tư duy phân tích dữ liệu, làm việc nhóm...

Năm 2021, câu lạc bộ hàng đầu của Anh Manchester City bổ nhiệm Laurie Shaw, nhà vật lý học nổi tiếng, làm trưởng nhóm phân tích dữ liệu của họ. Trước đó hai năm, Liverpool ký hợp đồng với tổ chức thần kinh học Neuro11 của Đức. 

Đó cũng là khoảng thời gian làng bóng đá chứng kiến những biến chuyển đặc biệt ở hai đội bóng hàng đầu thế giới này. Ở Man City, HLV Pep Guardiola không còn quá nặng nề với lối chơi tiki-taka dần bị bắt bài. Còn Juergen Klopp giúp Liverpool ổn định hơn, thay cho lối đá phập phù thắng đậm và thua lãng xẹt trước kia.

Tất cả những bài học kể trên, từ sự phục hưng của bóng đá Ý thập niên 1980, cuộc truyền bá tư duy Tây phương của Hiddink và Troussier ở Đông Á đầu thập niên 2000, cho đến Guardiola và Klopp ngày nay, cho thấy bóng đá phương Tây vẫn luôn đi trước một bước.

Troussier, Rajevac hay cả Klinsmann có thể thất bại ở châu Á vì nhiều lý do khác nhau, nhưng đừng vì thế mà cho rằng chẳng còn gì để học từ những ông thầy phương Tây.■

"Thật khó giải thích với các HLV"

Lê Cao Cường từng giữ chức trưởng phòng khoa học thể thao của Học viện Bóng đá PVF và HLV thể lực của các đội tuyển trẻ Việt Nam cho biết: "Tôi từng làm việc với nhiều HLV ở Việt Nam, họ cũng tôn trọng mình, nhưng để tin tưởng và nghe theo lời khuyên của mình thì khó lắm. Giả sử họ nghe theo mình, rồi thua 1-2 trận là sẽ lập tức chê bai, cho rằng kinh nghiệm của họ mới đúng đắn".

"Điều đó khó trách, ngay cả HLV ở phương Tây cũng có suy nghĩ rằng kinh nghiệm thực chiến của họ là trên hết. Nhưng ở những nền bóng đá lớn, họ luôn có một đội ngũ và HLV trưởng cần phải làm việc theo nhóm. Kết quả trên sân bóng chỉ là bề nổi của cả một quá trình tập luyện, phân tích rồi sáng tạo, đưa ra các giải pháp... Làm công việc phân tích dữ liệu, hay rộng hơn là khoa học thể thao trong nền bóng đá Việt Nam vẫn rất cô độc, khó lòng thuyết phục được các HLV trưởng".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận