Nổi chìm bãi Giữa sông Hồng

NHÀ VĂN TRUNG SỸ 10/05/2024 05:14 GMT+7

TTCT - Trong lịch sử cận đại, bãi Giữa chất chứa những câu chuyện bi hùng không kém cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông xưa.

Quang cảnh bãi Giữa bây giờ. Ảnh: TRUNG SỸ

Quang cảnh bãi Giữa bây giờ. Ảnh: TRUNG SỸ

Nổi chìm bãi Giữa sông Hồng

Hà Nội có cầu Long Biên

Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng

Tàu xe đi lại thong dong

Dưới cầu nước chảy xanh rờn bãi ngô

Câu ca dao này có nhiều dị bản nhưng trong sách Tập đọc lớp hai tôi học ngày xưa nguyên văn như thế. Bãi ngô xanh rờn mà câu ca dao kia nhắc đến chính là bãi Giữa, cái bãi bồi chia đôi dòng nước để rồi từ đó sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội có thêm tên nữa là Nhị Hà.

Kinh nghiệm dân gian phù hợp với thống kê của ngành thủy lợi, là cứ theo chu kỳ 10 năm sông Hồng lại đổi dòng một lần. Sự đổi dòng khiến bên lở thành bên bồi và ngược lại. Việc này cũng ảnh hưởng đến bãi Giữa, nhưng chỉ làm thay đổi hình dạng địa lý chứ không làm bãi Giữa mất đi. Bãi Giữa như một bãi bồi vĩnh cửu mà số phận lịch sử của nó chìm nổi cùng kinh thành Thăng Long xưa kia, Hà Nội ngày nay.

Lần lại diễn biến cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông lần thứ nhất năm 1258 trong cuốn sách Ba lần đánh tan quân Nguyên. Sau hai trận thất thế ở Bình Lệ Nguyên và Phù Lỗ, nhà Trần bỏ kinh thành Thăng Long theo kế vườn không nhà trống. Quân Nguyên tiến đến bờ tả ngạn, tràn xuống bãi sông Hồng. Tướng giặc Ngột Lương Hợp Thai sai quân bắn tên xuống mặt sông rào rào. Tên rơi cắm xuống nước đoạn nào không nổi lên cứ thế thúc ngựa vượt qua. Đoạn sông có bãi nông đó chính là bãi Giữa bây giờ.

500 năm sau, mùa xuân năm Kỷ Dậu 1789, quân Tây Sơn mãnh liệt công phá Ngọc Hồi - Đống Đa. "Tôn Sĩ Nghị ở bãi cát nghe tin báo, một mình cưỡi ngựa chạy về Bắc. Tướng sĩ tranh cầu để sang sông. Cầu gãy ôm lấy nhau rơi xuống sông chết đuối kể đến hàng vạn. Nước sông Nhị Hà vì thế chảy không được". Bãi cát kinh thành Thăng Long mà sách Đại Nam liệt truyện đời nhà Nguyễn nói đến trong đoạn này hẳn cũng chính là bãi Giữa.

Trong lịch sử cận đại, bãi Giữa chất chứa những câu chuyện bi hùng không kém. Trung đoàn Thủ Đô sau 60 ngày quyết tử với thực dân Pháp trong thành nội đã rút lui an toàn qua gầm cầu Long Biên sang bãi Giữa vào một đêm tháng hai mờ sương. Ôi cái đêm rút qua gậm cầu, anh đã hẹn ngày mai trở lại. Sóng sông Hồng vỗ bờ hát mãi… Lời ca hào hùng của bài hát khải hoàn luôn vang vọng mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày tiếp quản thủ đô mùng 10-10.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, bảo vệ cầu Long Biên và nhà máy nhiệt điện Yên Phụ, tự vệ sao vuông Hà Nội đã đưa súng máy phòng không 14,5mm lên đỉnh cây cầu quyết tử với không lực Hoa Kỳ. Tôi tận mắt chứng kiến họ móc dây an toàn đai lưng vào các thanh thép giằng chứ không phải bị xích vào pháo như những thông tin nghe hơi nồi chõ.

Năm 1972, đại đội 5 pháo cao xạ 57mm thuộc sư đoàn phòng không 361 của hạ sĩ Trường Sinh, một người bạn lính vong niên tôi biết, đã lập trận địa ngay trên bãi Giữa sông Hồng. Bom rơi trên cầu, bom rơi bãi Giữa, rất nhiều máu đổ cùng với hy sinh nhưng những nòng pháo vẫn vững vàng vươn lên nhằm thẳng quân thù.

Không ảnh bãi Giữa - Hà Nội năm 1967 của không quân Mỹ. Có thể thấy rõ dòng chảy sông con, cầu Long Biên.

Không ảnh bãi Giữa - Hà Nội năm 1967 của không quân Mỹ. Có thể thấy rõ dòng chảy sông con, cầu Long Biên.

Bãi Giữa tuổi thơ tôi không có vó ngựa Mông Cổ lẫn bom đạn Hoa Kỳ. Trẻ con Hà Nội đi sơ tán bom Mỹ, về rồi học tiếp. Mặt đê phố Trần Nhật Duật nơi sàn đi bộ cầu Long Biên cắt qua có cao độ gần bằng nhau. Tụi học trò trường Thanh Quan chúng tôi hay trèo tắt qua lan can thành cầu chỗ này để sang chơi với Lâm, người bạn cùng lớp nhà ở bãi Giữa. Bố mẹ nó quê tận Hưng Yên, chèo thuyền lên đây khai khẩn đất hoang, dựng nhà tạm canh tác trồng trọt. Lâm đi theo nên phải học nhờ.

Đấy là một thế giới tự nhiên của lau lách và chim chóc. Một bãi ngô rộng mênh mông xen những luống đậu xanh dài hút mắt. Ở đấy, lần đầu tiên tôi thấy từng trái đậu đen vặn mình nổ tanh tách trên sân cát nóng, văng tung ra những hạt đậu như bom bi nổ. Cũng lần đầu tiên tôi biết những tổ dế đổ bao nhiêu nước cũng không vừa bởi cát khô thấm hết. Rất nhiều mảnh gỗ lũa đen bóng được nước chảy bào nhẵn không biết bao đời, ánh lên những đường vân kỳ ảo lẫn trong cát đụn.

Ngoài sông xa, cánh buồm nâu như những cánh dơi khổng lồ căng gió, lầm lũi đưa thuyền ngược sóng. Đàn chim dẽ giun màu lông hoa chấm đang chổng đuôi cắm mỏ xuống bãi bồi lặn lội kiếm ăn. Lũ chim rất dạn người, chờ tôi đến thật gần mới tung cánh quệt bụng bay là là mặt nước, một quãng lại dừng. Chao ôi bãi Giữa diệu kỳ tuổi thơ, như vệt phù sa đỏ tươi son còn ướt vẫn quệt ngang ký ức.

Từ khi thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La cùng các nhà máy thủy điện bên Vân Nam, Trung Quốc hoàn thành, tích nước phát điện, lũ sông Hồng không còn dâng cao như trước nữa. Sông con phía trong dần bị bồi lắng thành những ao hồ đứt đoạn trên dòng chảy cũ, khiến bãi Giữa ngày càng "dính" chặt vào bãi ngoài đê nội thành Hà Nội.

Chính quyền dường như chậm hơn những thay đổi địa mạo địa lý và toan tính dân sinh, chưa lường đến diện tích đất bồi sẽ dôi ra sau khi sông Hồng rút nước. Thủ đô tấc đất tấc vàng. Ven bờ dòng sông con đang ngắc ngoải chết, người ta tranh nhau đổ xà bần rác thải lấn từng mét đất, tận dụng từng khoảng bãi vô chủ trồng rau xanh.

Để có tư liệu cho bài viết này, tôi đã đi theo dấu vết dòng sông cũ. Ngày trước để sang bãi Giữa, người ta phải lên cầu Long Biên, qua sông con rồi đổ bộ xuống bãi bằng cây cầu thang thép làm từ hồi Pháp thuộc. Bây giờ người ta có thể sang bãi Giữa theo nhiều lối mà chẳng lụy đến cầu: Lối ngõ 172 đường Âu Cơ, lối đường Tứ Liên kéo dài, lối ngõ 76 đường An Dương thậm chí ô tô có thể đi được.

Bãi Giữa mạn các phường Tứ Liên, Yên Phụ địa mạo vẫn còn giống như ngày trước. Những vườn chuối trồng theo lối công nghiệp thẳng hàng ngay lối xen lẫn các vườn quất, vườn đào bên đường trục. Xa kia là những ruộng đậu ruộng rau xanh mướt, rẫy bí lốm đốm hoa vàng. Giữ được cảnh quan này cũng bởi đây là đất non đầu bãi, giàu phù sa và địa hình dễ thay đổi, biến dạng khi có lũ.

Mạn các phường Phúc Xá, Phúc Tân, Chương Dương đất nền bãi cao, địa chất ổn định nên dường như tính sở hữu của những người chủ tạm cũng cao hơn. Tôi đi trên con đường bê tông bằng phẳng, qua những khu nhà vườn được rào chặt bằng lưới B.40 có ni lông che kín. Qua cả những đền miếu sơn màu rực rỡ không rõ thờ ai và được lập từ bao giờ. Quốc kỳ đỏ rực cắm ràn rạt trên dãy cổng khiến những người đạp xe du ngoạn tưởng đây là một con phố cũ trong nội thành.

Ngày chủ nhật ở đây còn tổ chức chợ phiên bãi Giữa. Nhóm thanh niên vui vẻ bày bán đủ thứ từ cây giống đến vịt quay trong tiếng nhạc vang lừng từ các thùng loa kẹo kéo. Bên phải cầu Long Biên nhìn theo hướng sang Gia Lâm cách vài trăm mét là bến bơi tự nhiên một câu lạc bộ gồm những kẻ yêu thiên nhiên, trong đó không ít người nổi tiếng: họa sĩ Tạ Trí, nhà văn Phạm Ngọc Tiến… Một công viên tự phát cho trẻ em đã được nhóm kiến trúc sư tự nguyện xây dựng bằng các loại vật liệu sẵn có, thân thiện với môi trường.

Hà Nội đã có kế hoạch xây dựng bãi Giữa thành công viên văn hóa đa năng giữa đôi dòng chảy sông Hồng. Đây là một ý tưởng rất hay. Khi đó bãi Giữa sẽ trở thành một cù lao xanh, một vùng đệm hiền hòa, như tấm bình phong thiên nhiên chắn che hướng bắc cho thủ đô theo phong thủy truyền thống.

Một lãnh đạo địa phương đề nghị: "Thành phố và trung ương cần một cơ chế chính sách để tạo sự hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp, xã hội và cộng đồng dân cư cùng tham gia quá trình phát triển bãi Giữa". Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, đây là một ý kiến không thỏa đáng, ẩn giấu nhiều tai họa. Nếu công viên bãi Giữa được xây dựng bằng các nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp và "cộng đồng dân cư" thì như chúng ta từng biết quá rõ, chắc chắn nó sẽ trở thành năm cha ba mẹ, manh mún xé nát quy hoạch lớn với tiêu chí cách mạng: thành phố quay mặt ra sông của thủ đô.

Để thay lời kết, tôi đề nghị chính quyền Hà Nội lập ngay chỉ giới đường đỏ, đóng mốc định vị dọc bờ sông con đang bị bồi lấp để chống lấn chiếm. Tôi cũng đồng ý với ý kiến của ông Phan Đăng Sơn, chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, là cần một sự nghiên cứu kỹ lưỡng, đổi mới, vì dân sinh, vì phát triển đột phá cho Hà Nội của các nhà chuyên môn sâu để xây dựng công viên bãi Giữa, khu vườn xanh chung mà thành phố sẽ nhìn ra trong tương lai. 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận