Paul Auster và J.M. Coetzee bàn về tình bạn

TTCT - Đọc về tình bạn tâm thư sâu sắc giữa Paul Auster (ký tên Paul) và J.M. Coetzee (ký tên John).

Ngày 30-4-2024, Paul Auster qua đời ở tuổi 77 sau thời gian dài chống chọi với ung thư. Nhà văn sinh năm 1947 này là một trong những tên tuổi lớn của nền văn học Mỹ đương đại và là ngọn cờ đầu của chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn học.

Sách của ông được dịch ở Việt Nam từ những năm 2000, với các bản dịch Trần trụi với văn chương (1), Nhạc đời may rủi (2), Moon Palace (3), Khởi sinh của cô độc (4)...

Vào tháng 2-2008, Paul Auster gặp nhà văn Nam Phi J.M. Coetzee tại một hội thảo ở Úc. Auster đề nghị Coetzee trao đổi thư từ với mình "để giúp nhau nảy ra ý mới".

Cuộc gặp này khởi đầu cho tình bạn tâm thư sâu sắc giữa hai người, kéo dài nhiều năm về sau, được tập hợp trong cuốn Here and Now: Letters (2008-2011).

Tuổi Trẻ Cuối Tuần trân trọng giới thiệu vài lá thư đầu tiên giữa Auster (ký tên Paul) và Coetzee (ký tên John).

Paul Auster - Ảnh: BERT NIENHAUS; ANDREW SAVULICH

Paul Auster - Ảnh: BERT NIENHAUS; ANDREW SAVULICH

14-15 tháng bảy, 2008

Paul thân mến,

Gần đây tôi cứ nghĩ suốt về tình bạn, chúng khởi sinh thế nào, vì sao chúng - một vài trong số chúng - kéo dài lâu hơn cả những mối quan hệ sâu sắc mà đôi khi chúng ta vẫn (sai lầm) ví tình bạn như những bản sao mờ nhạt từ đó mà ra. Tôi định viết thư cho anh về chuyện này, bắt đầu từ nhận xét rằng, dù tình bạn quan trọng đến nhường nào trong đời sống xã hội, dù chúng có ý nghĩa với chúng ta đến đâu, thật bất ngờ khi chẳng mấy ai viết về chúng cả.

Nhưng rồi tôi tự hỏi có thật như thế không. Nên trước khi ngồi xuống biên thư, tôi đến thư viện xem thử. Và, xem kìa, tôi sai bét anh ạ. Thư viện thống kê toàn bộ sách về chủ đề này, hàng tá sách, phần nhiều chỉ mới được viết gần đây. Nhưng khi tôi quyết định đi xa hơn để thực ra tìm đến những cuốn sách này, tôi lấy lại chút sĩ diện cho mình. Rốt cuộc, tôi đã đúng, hoặc đúng một phần: những gì những quyển sách này nói về tình bạn chẳng có gì thú vị, hầu hết đều vậy. Có vẻ tình bạn vẫn là một thứ gì đó khó lý giải: chúng ta biết chúng quan trọng, nhưng "chúng ta chỉ có thể đoán mò vì sao con người lại kết bạn và làm bạn dài lâu".

(Tôi nghĩ sao mà nói rằng những gì được viết trong sách không thú vị? Hãy so sánh tình bạn với tình yêu. Có hàng trăm thứ hay ho để nói về tình yêu. Chẳng hạn: Đàn ông xiêu lòng trước những phụ nữ khiến họ nghĩ đến mẹ mình, hay đúng hơn, những người vừa nhắc nhớ vừa không nhắc nhớ đến mẹ mình, những người vừa là mẹ, vừa không phải là mẹ họ. Đúng không? Có thể đúng, cũng có thể không. Thế có thú vị không? Tất nhiên. Giờ quay sang tình bạn mà xem. Đàn ông chọn ai để làm bạn? Những gã khác trạc tuổi mình, thích những thứ giống mình, sách chẳng hạn. Đúng không? Có lẽ vậy. Thú vị không? Tất nhiên là không)

Cho phép tôi liệt kê vài nhận xét về tình bạn, thu thập được từ lần ghé thư viện, mà tôi thấy thật sự thú vị.

Một. Ta không thể bầu bạn với vật không sống, Aristotle bảo (Đạo đức luận, chương 8). Hẳn nhiên! Ai bảo chuyện đó có thể đâu? Nhưng cái thú vị là đây: đột nhiên người ta nhìn thấy ngọn nguồn cảm hứng của triết học ngôn ngữ hiện đại. Hai ngàn bốn trăm năm trước, Aristotle chứng minh rằng những thứ nghe như định đề triết học không thể nào vượt khỏi những quy luật ngữ pháp. Trong câu "Tôi làm bạn với X", ông bảo, X phải là một danh từ chỉ vật sống.

Hai. Ta có thể bầu bạn mà không thiết gặp họ, Charles Lamb bảo vậy. Đúng; vừa đúng vừa thú vị-thêm dẫn chứng tình cảm bạn bè không giống những ràng buộc ái ân.

Ba. Bạn bè, hay ít nhất là bạn bè nam giới ở phương Tây, không thổ lộ cảm xúc về nhau.

Cứ so với lũ tình nhân nhiều lời mà xem. Đến đây thì chẳng thấy gì hay lắm. Nhưng khi người bạn chết đi, sầu khổ cứ thế mà tuôn: "Than ôi, muộn rồi!" (Montaigne về La Boétie, Milton về Edward King). (Câu hỏi: Có phải tình yêu nhiều lời vì ham muốn thuần túy mơ hồ - Shakespeare, Sonnets-trong khi tình bạn thì lầm lì hơn vì chúng luôn rõ ràng, không nhập nhằng?)

Cuối cùng, một nhận xét của Christopher Tietjens trong Parade's End của Ford Madox Ford: ta ngủ với một người đàn bà là để trò chuyện cùng cô ấy. Hàm ý: khiến một người phụ nữ thành thê thiếp chỉ là bước đầu tiên, khiến cô trở thành bạn, đấy mới là bước quan trọng; nhưng bầu bạn với một người phụ nữ chưa chung đụng gối chăn trên thực tế là không thể, bởi quanh họ còn quá nhiều thứ chưa thể tỏ bày.

Muốn nói gì đó thú vị về tình bạn thật tình rất khó, đến đây tôi lại ngẫm ra một điều khả dĩ: đó là, không như tình yêu và chính trị, những thứ thấy vậy mà không phải vậy, tình bạn thể hiện đúng bản chất của chúng. Tình bạn tường minh.

Những suy tưởng thú vị nhất về tình bạn lại đến từ thời cổ đại. Sao lại thế? Vì vào thời cổ đại, người ta không xem những lập trường triết học như những thứ vốn dĩ đáng ngờ, nên họ không cho rằng tình bạn phải khác những gì chúng thể hiện, hoặc kết luận theo chiều ngược lại rằng nếu tình bạn có sao thấy vậy, thì chúng chẳng đáng làm đối tượng của triết học.

Chúc anh mọi điều tốt đẹp,

John

Nhà văn J.M Coetzee

Nhà văn J.M Coetzee

Brooklyn

29 tháng bảy, 2008

John thân mến,

Đây là vấn đề mà tôi đã trăn trở nhiều năm. Tôi không nghĩ mình đã tìm được một quan điểm nhất quán về tình bạn, nhưng để đáp thư anh (lá thư thổi bùng bao cuồng lốc suy tư và ký ức trong tôi), có lẽ đây là thời điểm tôi nên thử làm chuyện đó.

Trước tiên, tôi xin giới hạn bản thân mình vào tình bạn nam giới, tình bạn giữa những người đàn ông, tình bạn giữa những thằng nhóc.

1) Đúng, có những tình bạn tường minh và không nhập nhằng (xin mượn chữ của anh), nhưng theo trải nghiệm của tôi, số này không nhiều. Nguyên do có lẽ liên quan đến một chữ khác mà anh dùng: lầm lì. Anh đã đúng khi nói rằng những người bạn nam (ít nhất ở phương Tây) thường không "thổ lộ cảm xúc về nhau". Tôi muốn tiến một bước nữa mà bổ sung rằng: đàn ông thường không thổ lộ cảm xúc của mình, chấm hết. Và nếu bạn không biết bạn mình cảm thấy thế nào, hay cảm thấy ra sao, hay vì sao anh ta cảm thấy như vậy, thực lòng anh dám nói mình hiểu bạn được sao? Và tình bạn kéo dài, thường suốt hàng chục năm, trong một vùng vô minh mập mờ này.

Ít nhất ba trong số các tiểu thuyết của tôi đề cập trực tiếp đến tình bạn nam giới, và ở khía cạnh nào đó, là những câu chuyện về tình bạn nam giới - The Locked Room, Leviathan, và Oracle Night - và trong mỗi truyện, vùng đất hoang vô minh này nằm giữa những người bạn, trở thành sân khấu nơi những kịch tính diễn ra.

Một ví dụ thực tiễn. Trong vòng hai mươi lăm năm qua, một người bạn thân của tôi - có lẽ là người bạn nam thân thiết nhất kể từ khi tôi trưởng thành - là một trong những người kiệm lời nhất mà tôi biết. Gã ta lớn hơn tôi (tận mười một tuổi), nhưng giữa chúng tôi có nhiều điểm chung lắm: đều là nhà văn, cả hai đều mê thể thao đến khờ dại, cả hai đều có cuộc hôn nhân bền chặt với những người phụ nữ tuyệt vời, và, quan trọng nhất và cũng khó định nghĩa nhất, một cảm tưởng cụ thể, không cần nói ra nhưng cả hai đều hiểu - cảm tưởng về cách ta nên sống - một thứ đạo đức đàn ông. Cơ mà, dù tôi quan tâm đến người này lắm, đến mức sẵn lòng xé áo nhường anh lúc hoạn nạn, những cuộc trò chuyện của chúng tôi hầu như luôn nhạt nhẽo và vô vị, tầm thường hết chỗ nói. Chúng tôi giao tiếp bằng những cái càu nhàu ngắn ngủi, quay về một thứ ngôn ngữ tốc ký mà người lạ sẽ không hiểu được. Những chuyện liên quan đến công việc (nguồn động lực cho cuộc sống của cả hai), chúng tôi ít khi bàn đến.

Để chứng minh gã này kiệm lời thế nào, xin kể anh một câu chuyện nhỏ. Cách đây vài năm, một tiểu thuyết mới của gã chuẩn bị được in. Tôi bảo gã rằng mình rất mong được đọc nó (thi thoảng chúng tôi gửi bản thảo hoàn chỉnh cho nhau, đôi khi chúng tôi đợi đến khi có bản bông), gã đáp tôi sẽ nhận được một bản sớm thôi.

Một tuần sau, bản bông được gửi đến hộp thư của tôi, tôi mở gói hàng, lướt qua cả cuốn, và phát hiện rằng sách này được viết tặng cho mình. Tất nhiên, tôi cảm động, cực kỳ cảm động là đằng khác - nhưng điều đáng nói là bạn tôi chẳng nói lời nào về chuyện này cả. Một chút cũng không, một cái nháy mắt hứa hẹn tí ti nhất của không, chẳng có gì.

Ý tôi muốn nói là gì? Rằng tôi vừa hiểu vừa không hiểu gã này. Rằng gã này bạn tôi, lại còn là bạn chí cốt nhất, mặc cho sự vô minh này. Nếu ngày mai, gã đi cướp ngân hàng, tôi sẽ sốc lắm. Mặt khác, nếu tôi hay tin gã gian dối với vợ, rằng gã giấu bồ nhí trẻ đẹp trong một căn hộ nào đó, tôi sẽ thất vọng lắm, nhưng tôi sẽ không sốc. Chuyện gì cũng có thể, mà đàn ông thì hay giữ bí mật, ngay cả với bạn thân nhất của mình. Nếu bạn tôi không chung thủy, tôi sẽ thấy thất vọng (vì gã phụ lòng vợ mình, người mà tôi rất quý), nhưng tôi cũng thấy đau (vì gã không tâm sự gì với tôi, cũng tức là tình bạn của chúng tôi không khăng khít như tôi vẫn nghĩ).

(Chút ý tưởng vừa lóe lên. Những tình bạn tốt đẹp và bền chặt nhất dựa trên lòng ngưỡng mộ. Đó là cảm giác nền tảng kết nối hai con người lâu dài. Anh ngưỡng mộ một người vì những gì họ làm, vì con người họ, vì cách họ định hướng đời mình trong thế giới này. Lòng ngưỡng mộ của anh nâng tầm họ trong mắt anh, khiến họ cao quý, đưa họ lên vị thế mà anh tin rằng cao hơn cả của chính mình. Và nếu họ cũng ngưỡng mộ anh - và do đó, nâng tầm anh, khiến anh cao quý, đưa anh lên vị thế mà họ tin rằng cao hơn cả của chính họ - khi đó cả hai đã ở thế công bằng tuyệt đối. Cả hai anh đều cho nhiều hơn nhận, cả hai anh đều nhận nhiều hơn cho, và trong những trao đổi qua lại này, tình bạn nảy nở. Từ The Notebook (Sổ ghi) của Joubert (1809): "Anh không được chỉ vun xới những người bạn, mà còn phải vun xới tình bạn của họ trong chính bản thân mình. Tình bạn ấy phải được săn sóc, chăm bón, tưới tiêu". Và cũng Joubert: "Chúng ta luôn mất tình bạn của những người không còn sự tôn trọng của chúng ta".

2) Những thằng nhóc. Tuổi thơ là quãng đời căng thẳng nhất bởi việc gì ta làm khi đó cũng đều là lần đầu. Tôi chẳng có đóng góp gì nhiều chỗ này ngoài một ít kỷ niệm, nhưng kỷ niệm ấy dường như làm rõ nét giá trị vô tận mà chúng ta khoác lên tình bạn khi còn nhỏ, thậm chí rất nhỏ. Lúc đó tôi năm tuổi. Bạn tôi, Billy, bước vào đời tôi theo những cách giờ đây tôi không hiểu được. Tôi nhớ hắn ta là một đứa khôi hài và lập dị, có chính kiến mạnh mẽ và có tài lừa lọc rất đáo để (điều mà tôi thiếu đến mức đáng sợ). Hắn có bị ngọng nặng, và khi hắn nói, ngôn từ cứ méo mó, tắc nghẹn với nước miếng dâng đầy họng, đến mức không ai hiểu hắn nói gì - ngoại trừ nhóc Paul, sắm vai phiên dịch của hắn. Hầu hết những lúc tụ tập, chúng tôi long nhong quanh vùng ngoại ô New Jersey của mình, lục tìm xác động vật nhỏ - chủ yếu là chim chóc, nhưng thi thoảng có cả ếch và sóc chuột - mang về chôn cất trong bồn hoa cạnh nhà tôi. Tang lễ trịnh trọng, thánh giá gỗ được làm thủ công, không ai được cười. Billy ghét con gái. Hắn không chịu tô màu vào những trang có nhân vật nữ, và vì màu sắc ưa thích của hắn là xanh lá, hắn tin chắc máu chảy trong huyết quản gấu bông của mình cũng xanh lá. Billy là thế. Rồi khi chúng tôi lên sáu tuổi rưỡi hay bảy tuổi gì đó, hắn theo gia đình dọn đến một thị trấn khác. Đau khổ, theo sau là mấy tuần nếu không nói là mấy tháng liền thương nhớ người bạn vắng mặt. Cuối cùng, mẹ tôi mủi lòng, bèn cho tôi một cuộc gọi đắt đỏ đến căn nhà mới của Billy. Nội dung cuộc nói chuyện của chúng tôi giờ đây nham nhở trong tâm trí tôi, nhưng tôi vẫn còn nhớ những cảm giác ấy đầy sống động không khác gì tôi nhớ mình đã ăn điểm tâm món gì sáng nay. Tôi đã trải qua cảm giác mà sau này tôi sẽ nếm lại ở tuổi thiếu niên khi gọi điện đến cô gái mà mình phải lòng.

Trong thư, anh phân biệt giữa tình yêu và tình bạn. Khi chúng ta còn nhỏ, trước khi đời sống ái ân bắt đầu, có khác biệt chi đâu. Tình bạn và tình yêu là một.

3) Tình bạn và tình yêu không phải là một. Đàn ông và phụ nữ. Sự khác biệt giữa hôn nhân và tình bạn. Một trích dẫn sau cùng của Joubert (1801): "Đừng chọn cho vợ mình bất kỳ người phụ nữ nào mà anh không muốn chọn bầu bạn nếu cô ta là đàn ông".

Paul Auster và J.M. Coetzee bàn về tình bạn- Ảnh 3.

Một phát biểu khá kỳ quặc, tôi thấy vậy (làm sao phụ nữ là đàn ông được?), nhưng ta vẫn hiểu ý và về cốt lõi nó cũng không khác mấy với nhận xét của anh về Parade's End và Ford Madox Ford, và khẳng định ngớ ngẩn hài hước rằng "ta ngủ với một người đàn bà là để trò chuyện cùng cô ấy".

Hôn nhân trên hết là một cuộc đối thoại, và nếu vợ chồng không thể tìm ra cách bầu bạn thì hôn nhân khó bền. Tình bạn cũng là một phần của hôn nhân, nhưng hôn nhân cũng là một kiểu ai-muốn-làm-gì-thì-làm liên tục thay đổi, một công trình luôn trong quá trình hoàn thiện, một yêu sách không ngừng đào sâu vào ta và tái tạo ta trong mối quan hệ với người kia, trong khi tình bạn thuần khiết và giản đơn (tức là tình bạn ngoài hôn nhân đấy), có vẻ ổn định hơn, lịch thiệp hơn, nông cạn hơn. Chúng ta thèm khát tình bạn vì chúng ta là những cá thể xã hội, sinh ra từ những cá thể khác và buộc phải sống giữa những cá thể khác đến ngày chết đi, nhưng cứ nghĩ đến những cuộc cãi vã thi thoảng vẫn nổ ra trong những cuộc hôn nhân dù mỹ mãn nhất, những bất đồng dữ dội, những lăng mạ nhức óc, những cánh cửa đóng sầm và chén đĩa nát tan, chẳng bao lâu ta sẽ hiểu ra hành vi như thế không thể chấp nhận được trong những căn phòng tình bạn đầy đoan trang. Tình bạn là lịch sự, tử tế, mực thước. Bạn bè hét vào mặt nhau hiếm khi tiếp tục làm bạn. Vợ chồng hét vào mặt nhau vẫn là vợ chồng - thường lại là vợ chồng hạnh phúc nữa.

Đàn ông và phụ nữ làm bạn được không? Tôi nghĩ là được. Miễn là không có sự hấp dẫn về thể xác gì từ hai phía. Khi tình dục phá vỡ thế cân bằng thì chẳng nói chắc được điều gì.

4) Tiếp lời. Nhưng cũng cần bàn về những khía cạnh khác của tình bạn: a) Tình bạn sẽ phai tàn; b) Tình bạn giữa những người không hẳn có cùng sở thích (tình bạn chốn công sở, tình bạn học đường, tình bạn trên chiến trường); c) Tình bạn như những vòng tròn đồng tâm: những người thân nhất ở giữa, những người ít thân hơn nhưng ta rất thích, những người ít gặp, bạn bè xã giao, cứ thế mở rộng; d) Mọi thứ anh đề cập trong thư nhưng tôi chưa bàn đến.

Gửi anh những lời chúc thân ái nhất từ New York oi ả.

Paul■

(1) The New York Trilogy, Trịnh Lữ dịch, NXB Phụ Nữ và Công ty văn hóa Phương Nam, 2007.

(2) The Music of Chance, Trịnh Lữ dịch, NXB Phụ Nữ và Công ty văn hóa Phương Nam, 2008.

(3) Moon Palace, Cao Việt Dũng dịch, NXB Văn Học, 2009.

(4) The Invention of Solitude, Phương Huyên dịch, NXB Trẻ, 2013.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận