08/09/2003 15:00 GMT+7

Jim Cowart và những chiếc xe lăn tình nghĩa

CẨM HÀ<BR>
CẨM HÀ

Đi nửa vòng trái đất để tới VN, không một ngày ngơi nghỉ, làm việc từ 7g sáng đến 19g tối, di chuyển cả ngàn kilômet giữa Hà Nội, Hà Tây, Sóc Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng và nhiều bữa trưa bắt đầu lúc hơn 13g... Những điều này tưởng chừng như quá vất vả đối với một thầy giáo già. Nhưng Jim Cowart, ông giáo người Mỹ 65 tuổi ấy, vẫn bền bỉ, say mê với công việc của mình: mang tặng xe lăn và sửa sang chúng cho phù hợp với những người khuyết tật ở VN.

FeWjb1zY.jpgPhóng to
Nguyễn Thị Oanh tựa vào mẹ đợi Jim hoàn thiện chiếc xe lăn cho mình.
Đi nửa vòng trái đất để tới VN, không một ngày ngơi nghỉ, làm việc từ 7g sáng đến 19g tối, di chuyển cả ngàn kilômet giữa Hà Nội, Hà Tây, Sóc Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng và nhiều bữa trưa bắt đầu lúc hơn 13g... Những điều này tưởng chừng như quá vất vả đối với một thầy giáo già. Nhưng Jim Cowart, ông giáo người Mỹ 65 tuổi ấy, vẫn bền bỉ, say mê với công việc của mình: mang tặng xe lăn và sửa sang chúng cho phù hợp với những người khuyết tật ở VN.

Trong 12 ngày qua, Jim và 14 thành viên của Wheels for the world đã đem niềm vui tới cho hàng trăm người khuyết tật ở VN cùng gia đình của họ.

Xe lăn đến Hải Phòng

Ở Hải Phòng, Câu lạc bộ Bạch Đằng trên đường Lê Đại Hành là nơi những tình nguyện viên của Wheels for the world đón những người khuyết tật từ các địa phương của Hải Phòng tới nhận xe lăn.

Hơn 11g trưa, những thành viên trong đoàn vẫn tất bật với công việc của mình. Người thì cưa những mảnh gỗ để làm nẹp giữ tay cho người khuyết tật, người thì gia cố lại những chiếc dây đeo, người thì tạo những chiếc gối ôm để đỡ vai cho những người không còn khả năng điều khiển phần trên cơ thể... Jim Cowart lưng áo ướt đẫm mồ hôi, đang lo khoan lỗ và tra vít vào để định vị một dây đeo. Ánh lửa từ chiếc máy khoan mini chớp lóe liên hồi. Jim là thợ cơ khí trưởng của nhóm và cũng là người lớn tuổi nhất trong đoàn.

Jim là thành viên của Wheels for the world từ năm năm nay. Trước đó, ông đã có 36 năm gắn bó với nghề giáo, dạy dỗ những đứa trẻ khuyết tật.

Thời niên thiếu ông từng nổi bật trong trường trung học về năng khiếu thể thao.

Năm thứ nhất tại Đại học Stanford (California) trong khi các bạn đồng học chọn những môn “danh giá” như huấn luyện viên bóng rổ, bơi lội, bóng chày, trượt tuyết... thì Jim lại lặng lẽ gật đầu khi thầy chủ nhiệm hỏi ông có muốn trở thành một giáo viên giáo dục thể chất cho trẻ khuyết tật.

“Tôi thích nghề giáo. Tôi coi việc giúp một người làm được điều mà từ trước đến giờ họ không bao giờ nghĩ mình có thể là một thử thách. Vậy nên nhiều người nghĩ những gì tôi đang làm là tẻ nhạt, nhưng tôi lại thấy đó là một việc vô cùng sinh động và nhiều thách thức” - Jim tâm sự.

Trong suốt 36 năm ròng Jim gắn bó với trường dạy trẻ khuyết tật ở California. Biết bao nhiêu đứa trẻ khuyết tật đã được Jim thổi vào luồng sinh khí mới.

Những đứa trẻ khi đến với trường lúc đầu tự ti, bi quan, thu mình vào vỏ ốc và thậm chí có thể quậy phá nếu không vừa ý mình. Jim đã dạy dỗ các em, sáng tạo ra những kỹ thuật, những dụng cụ giúp các em có thể chơi bóng, câu cá, bắn cung...

Jim và những đồng sự không chỉ trao tặng những chiếc xe lăn.Với mỗi người khuyết tật, họ đều bỏ công ra xem xét rất kỹ thể trạng để gia cố, sửa sang lại xe sao cho người khuyết tật cảm thấy thoải mái nhất và tự tin nhất khi điều khiển xe.

Niềm vui của ông Chạc

Gia đình ông Nguyễn Văn Chạc (làng Úc Giác, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy) đang ngồi đợi Jim hoàn tất việc sửa chiếc xe lăn cho con gái mình. Con gái của ông, Nguyễn Thị Oanh, năm nay 25 tuổi nhưng bị thần kinh, tay chân co giật liên tục.

Oanh cũng là một bé gái bình thường như bao đứa trẻ khác cho đến khi học lớp 1. Một hôm từ trường về Oanh cứ cắm đầu cắm cổ chạy, miệng ú ớ không phát ra tiếng và chẳng lâu sau đó phát bệnh.

Ông Nguyễn Văn Chạc kể ông vốn đi lính chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972, nơi hứng chịu nhiều chất độc da cam do quân đội Mỹ rải xuống. Đã 25 năm nay cả nhà ông vất vả vì Oanh, lúc nào cũng phải cắt đặt một người trông coi. Kinh tế gia đình eo hẹp, chế độ cho quân nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam chưa có, ông chẳng bao giờ mơ tới một chiếc xe lăn cho con gái.

Dưới Oanh còn hai em trai, đã học hết lớp 12 nhưng ông Chạc vẫn luôn phấp phỏng về tình trạng sức khỏe của các con mình. Được nhận xe lăn cho Oanh đợt này, cả nhà ông bốn người dắt díu nhau lên tỉnh, thay nhau bế Oanh trong khi đợi “các ông bà Mỹ” sửa sang xe cho con gái mình.

Jim nghe thuật lại câu chuyện mà rơm rớm nước mắt. “Chất độc da cam quả thật là tồi tệ, tôi biết nó đã và đang gây đau khổ cho nhiều người ở đất nước các bạn” - Jim nói. Rồi Jim lại bặm môi, gồng tay lên tra những chiếc vít cuối cùng. Cuối cùng thì ông mỉm cười, mời gia đình cùng đỡ Oanh lên xe.

Oanh là người khuyết tật bệnh nặng nhất trong số những người nhận xe hôm đó và Jim đã mất hơn một giờ để hoàn thành thêm những chức năng phụ cho xe. Xong việc thì cũng đã gần 13g, Jim và các bạn chỉ có vài chục phút nghỉ ngơi cho bữa trưa để tiếp tục công việc vào buổi chiều.

Hơn 18.000 chiếc xe lăn tới 62 nước

Cùng với Wheels for the world, Jim Cowart đã tới Ghana, Romania, Ba Lan, Peru, Cuba và Trung Quốc, mỗi nước hai lần để tặng xe lăn. Giữa các chuyến đi, ông lại miệt mài với công việc sửa xe lăn trong nhà xe của mình. Những gia đình Mỹ thừa những chiếc xe lăn (do người sử dụng đã qua đời, hoặc trẻ em đã lớn lên) chủ động gọi tới Wheels for the world để hiến tặng xe.

Jim và những thợ cơ khí thu nhận chúng, tiến hành sửa chữa. Mười năm qua, Wheels for the world đã đem hơn 18.000 chiếc xe lăn tới 62 nước. Những tình nguyện viên của Wheels for the world, trong đó có Jim và vợ ông, đều tự nguyện trang trải chi phí cho mỗi chuyến đi, tự góp những dụng cụ, vật phẩm cho việc sửa xe lăn.

Judy Soares, trưởng nhóm Wheels for the world, vui mừng thông báo nhóm có kế hoạch quay lại VN vào năm tới để mang thêm nhiều niềm vui cho người khuyết tật ở VN.

CẨM HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên