04/09/2003 12:00 GMT+7

Bài 1: Sở Công nghiệp: hoang phí tới mức khó tưởng

VÕ HỒNG QUỲNH
VÕ HỒNG QUỲNH

TT (TP.HCM) - Có một thực trạng ai cũng thấy: tài sản công thời gian qua không những được sử dụng kém hiệu quả, nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí kéo dài. Đất đai, nhà, xưởng được giao cho rất nhiều đơn vị quản lý, sử dụng đã bị đối xử như tài sản vô chủ. Ở TP.HCM, trong khi không ít cơ quan, đơn vị phải đỏ mắt đi tìm từng mét vuông đất thì chỉ riêng Sở Công nghiệp TP đã gây ra những thiệt hại rất lớn do bỏ hoang và bán nhà, xưởng một cách bừa bãi...

z5WFmlkM.jpgPhóng to
Chung quanh Xí nghiệp dệt 6 cỏ mọc không còn lối đi
TT (TP.HCM) - Có một thực trạng ai cũng thấy: tài sản công thời gian qua không những được sử dụng kém hiệu quả, nhiều nơi còn để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí kéo dài. Đất đai, nhà, xưởng được giao cho rất nhiều đơn vị quản lý, sử dụng đã bị đối xử như tài sản vô chủ. Ở TP.HCM, trong khi không ít cơ quan, đơn vị phải đỏ mắt đi tìm từng mét vuông đất thì chỉ riêng Sở Công nghiệp TP đã gây ra những thiệt hại rất lớn do bỏ hoang và bán nhà, xưởng một cách bừa bãi...

Nhà, xưởng bỏ hoang gần 15 năm

Xí nghiệp dệt 6 thuộc Sở Công nghiệp TP.HCM tọa lạc tại P.Tam Phú (Thủ Đức) có hơn 6.000m2 nhà, xưởng, đất đai đã và đang bị xuống cấp trầm trọng.

Ngày 27-8, bí thư P.Tam Phú Lê Hữu Thành, cùng chủ tịch phường Nguyễn Tấn Nghiêm dắt chúng tôi đi “thị sát” cơ ngơi đang rệu rã của xí nghiệp này. Trước mắt chúng tôi là hàng ngàn mét vuông khu nhà, xưởng, văn phòng làm việc đều trống hoác, tàn lụi, xung quanh cỏ mọc quá đầu người. Nơi đây đã bỏ hoang từ hơn chục năm nay.

Wq47x0B8.jpgPhóng to
Phần nhà xưởng của Xí nghiệp dệt 6 bỏ hoang gần 15 năm nay...
Người nhân viên được thuê bảo vệ cơ ngơi này, với 600.000 đồng/tháng, dẫn chúng tôi đi “tham quan”, cho biết ông và một người nữa được thuê vào đây thay phiên nhau bảo vệ ban ngày và ban đêm, nhưng không thể nào bảo quản hết được ngần ấy diện tích. Các đối tượng đi lượm ve chai và bọn ăn trộm đã vào tháo dỡ hết các tài sản có giá trị như bóng đèn, dây điện, ván gỗ…

Vào bên trong một số xưởng sản xuất chỉ thấy bốn bức tường, nhiều nơi như muốn sập đến nơi. Khẩu hiệu “an toàn trong sản xuất, sản xuất phải an toàn” vẫn còn đó, nhưng tất cả trống không, chỉ thấy vương vãi một ít bông gòn đen kịt, sàn ximăng bị đục phá loang lổ…

Phía sau một khu xưởng có một hộ gia đình thấy đất bỏ hoang đã tự động trổ tường đào đất trồng rau. Tại một khoảng đất trống giữa hai khu xưởng cỏ dại mọc lên gần sát mái nhà… Bí thư và chủ tịch phường liên tục xuýt xoa vì tiếc.

Ông Phan Anh Tuấn, quyền giám đốc Công ty Thực phẩm Sài Gòn, tâm sự khi còn làm giám đốc Xí nghiệp Thực phẩm (thuộc Công ty Thực phẩm Sài Gòn) ông và nhiều thành viên khác không hề hay biết việc bán chỉ định nhà xưởng số 36 Kim Biên, P.13, Q.5 do công ty quản lý với giá hơn 5 tỉ đồng. Khu nhà xưởng này có tổng diện tích sử dụng trên 1.200m2, diện tích khuôn viên 584m2; vị trí ở mặt tiền đường, đoạn Hải Thượng Lãn Ông - Phan Văn Khỏe.

Theo ông Tuấn, giá thị trường thời điểm đó (tháng 12-2001) cao hơn nhiều. Tuy nhiên, đã được nguyên giám đốc Trần Thắng Hòa đề xuất và sau đó ký bán với giá nêu trên.

Ông Nghiêm tâm sự: “Con em của phường chúng tôi không có trường, phải mượn tạm của nhà dòng, từ năm 1997 chúng tôi đã ngỏ ý xin lại cơ ngơi này để xây trường mầm non nhưng không thấy hồi âm”.

Tiếp tục đi sang phần nhà, đất vốn trước đây là nơi giữ trẻ của công nhân dệt có diện tích khoảng 1.600m2, đối diện Trường cấp III Tam Phú (đường Châu Bình), từ bên ngoài chúng tôi hết sức ngỡ ngàng trước các tấm biển bán cà phê, điểm tâm sáng, cho sinh viên thuê trọ, xe ôm…

Diện tích khuôn viên phía trước được cơi nới bằng tôn, tấm nhựa để các chủ nhân bán quán. Bên trong có hai dãy nhà khoảng bảy phòng, hiện có ba hộ với mười nhân khẩu tự đến chiếm ở. “Đây là những hộ không có hộ khẩu thường trú tại địa phương đến lấn chiếm ở, tự mở quán” - chủ tịch phường cho biết.

Theo một “chủ nhân” ở đây, vốn là công nhân dệt, khi thôi việc tại xí nghiệp dệt họ không được cấp đất ở, thấy khu vực này để trống không ai trông coi nên vào ở… tạm, rồi thấy đất trống, phòng trống bỏ lãng phí nên họ tranh thủ cho sinh viên thuê, giữ xe, mở hàng quán bán kiếm tiền chợ. Thấm thoắt thế mà cũng đã có chỗ ở, sinh sống được gần 15 năm rồi.

Nhưng không chỉ có thế, theo ông Lê Hữu Thành, địa phương đang rất lo lắng trước tình trạng các đối tượng nghiện ngập lợi dụng nhà, đất bỏ hoang đã chọn đây làm tụ điểm tiêm chích ma túy.

Cho thuê, bán chỉ định, thất thoát hàng tỉ đồng!

Tháng 12-1998, UBND TP.HCM đã ra 12 quyết định xác lập quyền sở hữu nhà nước 14 nhà, xưởng để giao cho Công ty Thực phẩm Sài Gòn thuộc Sở Công nghiệp quản lý, sử dụng cho sản xuất kinh doanh. Gồm có diện tích sử dụng đất gần 29.000m2; diện tích xây dựng gần 10.000m2.

Nhưng trước đó công ty đã cấp bốn căn nhà cho cán bộ công nhân của đơn vị ở; 9/10 nhà, xưởng còn lại công ty đem cho thuê; còn một khu nhà xưởng tại Bến Bình Đông (quận 8) thì bỏ hoang và cũng không cho thuê.

Theo bà Nguyễn Thị Thọ, chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Sở Công nghiệp, tài sản nhà xưởng bán chỉ định có hai loại.

Một là bán chỉ định theo chỉ đạo của UBND TP, thì sau khi định giá bán phải được tổ chức phúc tra lại xem giá đó có đúng theo giá thị trường hay không.

Hai là dự kiến mức giá sàn để tổ chức bán đấu giá công khai, chứ không được lấy mức giá sàn này đem bán chỉ định. Ở Sở Công nghiệp đã có trường hợp “lấy mức giá sàn đem bán chỉ định” gây thất thoát tài sản của Nhà nước. Bán chỉ định theo kiểu vậy thường là thông qua mối “quan hệ quen biết” riêng, thậm chí tiêu cực.

Theo kết quả kiểm tra, hầu hết các nhà, xưởng của Công ty Thực phẩm Sài Gòn cho thuê đều thấp hơn giá thị trường từ 1-2 lần. Khu nhà, xưởng tại quốc lộ 1A, P.Linh Xuân (Thủ Đức) có diện tích trên 22.000m2 được công ty “cắt” ra góp vốn để thành lập Công ty liên doanh sản xuất kẹo Perfetti - Việt xử lý kỷ luật cảnh cáo, không cho giữ các chức vụ lãnh đạo).

Một cán bộ công ty cho biết: “Tính ra khu đất khổng lồ trên chỉ được cho thuê với giá chưa đến… 20.000 đồng/m2/tháng. Thấp hơn cả giá sàn nhà nước qui định”.

Các nhà, xưởng còn lại cũng được cho thuê với giá chỉ bằng 1/5, 1/10 so với giá thị trường, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.

Cơ sở mặt tiền tại số 38-46-48 Trần Hưng Đạo (vốn là phân xưởng sản xuất kẹo có diện tích hơn 1.000m2) được cho thuê với giá trên 30 triệu đồng/tháng. Tính ra chưa đến 31.000 đồng/m2/tháng, đúng là “ưu đãi” tới mức khó tưởng!

Thực hiện chỉ thị 32 của UBND TP.HCM về việc bán nhà xưởng theo chủ trương di dời cơ sở sản xuất ra khu công nghiệp ở ngoại thành để đầu tư đổi mới công nghệ, Sở Công nghiệp trong giai đoạn ông Võ Thành Long làm giám đốc (hiện là bị can trong vụ án săn bắn bò tót tại Ea Sô - Đắc Lắc) đã tổ chức bán hơn 10 cơ sở nhà, xưởng (trong số 85 nhà xưởng xin nhượng bán) theo giá chỉ định.

Toàn bộ số nhà, xưởng với diện tích hàng trăm ngàn mét vuông đất này hiện đang bị cơ quan chức năng thẩm tra lại vì “có nhiều vấn đề khuất tất”. Đơn cử khu nhà xưởng số 46 Âu Cơ, P.9 (Tân Bình) diện tích trên 2.000m2, do Công ty Cơ khí dân dụng quản lý.

Tháng 6-2001 Công ty Cơ khí dân dụng thông báo bán đấu giá với giá khởi điểm là 8,5 tỉ đồng nhưng không ai mua!

Tháng 9-2001, giám đốc sở Võ Thành Long gửi văn bản trình UBND TP về việc Công ty TNHH Thiện Thanh tại 152 Phó Cơ Điều, P.6, Q.11 xin mua với giá 7,6 tỉ. Trên cơ sở của Hội đồng định giá bán nhà, xưởng TP, tháng 1-2002 phó chủ tịch UBND TP lúc đó là ông Vũ Hùng Việt đã phê duyệt mức giá 8,3 tỉ (gồm giá trị quyền sử dụng đất và giá trị xây dựng còn lại), chưa tính thuế giá trị gia tăng. Thực tế trước đó UBND TP đã có văn bản duyệt mức giá nói trên vào tháng 10-2001.

Theo kết luận của đoàn thanh tra, giá trị nhà xưởng 8,3 tỉ là giá do Sở Công nghiệp dự kiến từ tháng 2-1998, hơn ba năm sau UBND TP vẫn duyệt giá bán 8,3 tỉ là không đúng theo qui định bởi “giá đất này chưa phải là giá thị trường tại thời điểm định giá”. Tính toán lại theo giá thị trường lúc đó, đoàn thanh tra kết luận Nhà nước thiệt hại gần 3 tỉ đồng.

Khi chúng tôi đến tìm hiểu về vấn đề này thì được biết mười nhà xưởng bán theo giá chỉ định của Sở Công nghiệp cũng vừa được cơ quan pháp luật đến thu thập hồ sơ để điều tra làm rõ, “trong đó có những hồ sơ không thông qua bộ phận tham mưu, mà chỉ có nguyên giám đốc sở Võ Thành Long ký bút đề xuất”.

Tân giám đốc Sở Công nghiệp Nguyễn Văn Lai bộc bạch rằng một số nhà xưởng trong diện di dời đang “trơ gan cùng tuế nguyệt” một cách lãng phí “biết nhưng mà bó tay” vì thủ tục chờ định giá quá lâu và khi định giá xong thì việc bán ra cũng không phải lúc nào cũng nhanh chóng. Do đó nhiều nhà xưởng vẫn cứ phải “trùm mền” chờ đợi, việc xuống cấp là điều không thể tránh khỏi. Ông Lai cũng cho biết đang rà soát lại toàn bộ tài sản nhà xưởng được giao, nếu nơi nào bỏ trống hoặc sử dụng sai mục đích thì thu hồi theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.

_________________

* Đón đọc bài tiếp theo: Hàng triệu mét vuông kho, bãi: thất thoát, lãng phí không kể xiết!

VÕ HỒNG QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên