04/09/2003 08:32 GMT+7

Cầu trời năm nay đừng có lũ!

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TT(Tiền Giang) - “Đã đầu tháng 9-2003 rồi mà cả huyện có tới tám cụm dân cư chưa triển khai, 53km đê chưa thi công. Nếu lũ về như mọi năm không biết cả huyện sẽ xoay xở thế nào...”- ông Võ Văn Xê, chủ tịch UBND huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, nói với vẻ hết sức sốt ruột trước tình hình trên.

oJ2tRJjv.jpgPhóng to
Một góc đê thuộc tuyến tây kênh Chín Hán đã bị sạt lở
TT(Tiền Giang) - “Đã đầu tháng 9-2003 rồi mà cả huyện có tới tám cụm dân cư chưa triển khai, 53km đê chưa thi công. Nếu lũ về như mọi năm không biết cả huyện sẽ xoay xở thế nào...”- ông Võ Văn Xê, chủ tịch UBND huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang, nói với vẻ hết sức sốt ruột trước tình hình trên.

Cụm dân cư còn nằm trên giấy

Ngày 1-9-2003, chúng tôi đến khảo sát cụm dân cư xã Hưng Thạnh nằm trên tỉnh lộ 865. Một khu đất rộng chừng 2ha đã được thổi cát san lấp hơn phân nửa. Số còn lại vẫn là mặt ruộng cỏ năn mọc đầy. Vậy thôi.

Chị Nguyễn Thị Tỏ, người dân ấp Hưng Quới, cho biết bà con chờ hoài mà không thấy ai làm tiếp, không biết chừng nào mới được vô ở. Chị lo lắng nhìn ra ngoài đồng, nơi có căn nhà rách đang đung đưa trước gió: “Hổng biết nước lũ lên giờ nào, chớ mọi năm giờ này là mấp mé bờ đê rồi. Nếu lũ lên, cả nhà chắc phải chạy lên lộ quá”.

Vào cụm dân cư xã Thạnh Tân, tiến độ cũng không khá gì hơn. Xung quanh hoang vắng như chưa ai vào đây lần nào.

6uuQx7FA.jpgPhóng to
Cụm dân cư xã Hưng Thạnh chỉ là bãi đất trống
Đi dọc theo tuyến dân cư nam kênh Nguyễn Văn Tiếp đã thấy có một tuyến đê bao được đắp lên, bao bọc khép kín một khu đất chừng 4ha. Thế nhưng bên trong cũng còn cỏ năn rậm rạp. Nước mưa đọng vũng ngập xâm xấp. Chưa có hộ nào được bố trí vào ở.

Nguyên nhân? Chú Trần Tấn Vững, xã Mỹ Phước, nói: “Vô đó ở thì sống bằng gì? Xài nước phèn dưới kênh à? Điện đóm lấy đâu xài, rồi chuyện “xả”, kiếm chỗ nào?”.

Theo số liệu của Ban quản lý các dự án đầu tư - xây dựng huyện Tân Phước, cả huyện có tới tám cụm dân cư chưa triển khai được, chủ yếu là vướng các thủ tục thẩm định và xét duyệt. Trong đó chậm chạp nhất là ba cụm dân cư các xã Hưng Thạnh, Thạnh Tân và Tân Hòa Đông.

Huyện đã gửi hồ sơ từ tháng 4-2003 nhưng đến nay cơ quan có trách nhiệm là Công ty Tư vấn thiết kế xây dựng Tiền Giang vẫn chưa trả lời. Ngoài ra, các dự án cụm dân cư xã Phước Lập, Tân Lập 1, Tân Lập 2, nam kênh Nguyễn Văn Tiếp… vẫn đang trình Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh thẩm định.

Còn đê bao chưa thi công

Đi sâu vào vùng chuyên canh khóm nguyên liệu, cả một vùng rộng lớn trên 4.400ha khóm đang kỳ thu hoạch. Bà con ai nấy đều khẩn trương chuyển khóm về sân chờ bán cho thương lái. Chú Hai An ở cặp tuyến tây kênh Chín Hán tỏ vẻ sốt ruột: “Phải làm nước rút chứ nếu không lũ về đột ngột là chết - Chú chỉ mực nước dưới kênh - “nó” coi cạn vậy chớ lợi hại lắm. Trong bốn bữa là ngập láng, nếu đê bao không chắc chắn.”

Mà đê không chắc chắn thật. Chúng tôi đi dọc theo thân đê, phần lớn mặt đê đều bị sạt lở qua nhiều mùa mưa nắng không tu bổ. Thông thường mặt đê phải rộng 4-5m, nay mỏng manh còn hơn 1m.

Ở một góc có cống đi ngang qua, thân đê bị lõm sâu vào, giống như cái bụng “hóp” lòi xương sườn của dân ghiền xìke, chỉ một lượt sóng lũ là “đi đời”. Đi một mạch chừng 2km, cả tuyến đê đều “mỏng cơm” như vậy.

Tại tuyến kênh đông Bà Rãnh (xã Mỹ Phước), toàn tuyến 5,2km chỉ mới được đắp đất sơ sài. Nhiều đoạn bị sạt lở hoác cả miệng đê, sẵn sàng dẫn nước lũ vô đồng thoải mái mà không gặp bất cứ cản trở nào.

Theo Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - giảm nhẹ thiên tai huyện Tân Phước, có tất cả 13 tuyến đê với chiều dài gần 40km chưa được triển khai thi công hoặc sửa chữa theo kế hoạch chống lũ 2003.

Như vậy toàn diện tích khóm nguyên liệu cần được bảo vệ coi như phó mặc cho trời. Ông Võ Văn Xê như ngồi trên đống lửa: “Đã đầu tháng chín rồi mà chưa có hồ sơ nào được duyệt. Nước lũ bây giờ tuy còn cạn, nhưng nào ai biết nó sẽ đổ về lúc nào trong tình hình thời tiết bất thường như vầy.

Tỉnh thì qui định phải có đầy đủ thủ tục, “nghiêm cấm tình trạng vừa thiết kế vừa thi công”. Chờ các nhà thẩm định, thiết kế không biết tới bao giờ”. Ông Xê nhẩm tính, nếu bây giờ thủ tục có xong cũng phải chờ duyệt kinh phí, ít nhất một tháng nữa mới có. Rồi phải huy động phương tiện, lực lượng, tổ chức đấu thầu… tới lúc bắt đầu làm cũng mất một tháng nữa.

Cả 13 công trình chạy nước rút mất ít nhất ba tháng. Lúc đó đã qua năm 2004, lũ rút mất rồi còn gì mà chống. Rồi thì cả ngàn hecta khóm cũng… rút mất theo lũ luôn. Cho nên tốt nhất là cầu trời: “Năm nay đừng có lũ!”.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên