Hai năm sau sự kiện 11-9

DANH ĐỨC 14/09/2003 10:09 GMT+7

TTCN - Con số 87 tỉ USD mà chính quyền Bush đang kêu nài Quốc hội Mỹ duyệt chi cho các hoạt động quân sự tại Afghanistan và Iraq cho tài khóa tới có thể là một trong những câu trả lời cho câu hỏi: chính quyền Bush được gì, mất gì từ sau thảm họa 11-9-2001?


Được: hai chế độ Taliban và Saddam sụp đổ, hai quốc gia Afghanistan và Iraq nay trong vòng kiểm soát của Mỹ (hoặc tản quyền cho NATO như ở Afghanistan). Những cái “được” như lợi ích dầu hỏa, địa chính trị… tạm khoan nói đến nếu nhìn từ góc độ “phó thường dân”.

Mất: 87 tỉ USD sẽ phải chi cho tài khóa tới quả là một số tiền không nhỏ nếu so với 246 tỉ USD bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và khuyết tật (xấp xỉ 35%), so với 39,8 tỉ USD cho quĩ bảo hiểm thất nghiệp (gấp 2,1 lần) hoặc so với 30,6 tỉ USD cho các dự án xây xa lộ (gấp 2,8 lần), hoặc với 26,7 tỉ USD cho Bộ An ninh nội địa (gấp 3,2 lần) hay với 4,6 tỉ USD cho ngân sách FBI (gấp gần 19 lần) - số liệu thô của AP, 10-9-2003.

87 tỉ USD cho “hậu sự” ở Afghanistan và Iraq là một con số không nhỏ đối với 145,9 triệu người lao động tại Mỹ phải chịu thuế, trong đó có 6,1 triệu người đang thất nghiệp (số liệu Bộ Lao động Mỹ 8-2003). 

Bình quân mỗi người lao động phải đóng 596,3 USD thuế mỗi năm cho các hoạt động quân sự không biết sẽ còn kéo dài đến bao giờ! Đối với các nước được Mỹ viện trợ hay dọa ngưng viện trợ, con số 87 tỉ USD này lớn một cách mỉa mai so với 17 tỉ USD dự định viện trợ cho các nước trong tài khóa tới: nhiều hơn gấp 5,1 lần!

Có những mất mát khác trừu tượng hơn như nhận xét sau: “Đa số các nước đã không nhất trí với ông Bush rằng “11-9 đã thay đổi tất cả” cho dù trước đó các nước đã không dửng dưng trước vụ 11-9. Thay vì dựa trên những “cái được” này, chính quyền Bush đã làm cho sứ mạng của mình trở nên phức tạp: “Mỗi quốc gia, mỗi khu vực, giờ đây phải chọn lựa hoặc là theo chúng tôi, bằng không là theo khủng bố”. Đối với những ai ở giữa hai “làn đạn”, một chọn lựa như thế là không đơn giản. 

Trong thông điệp liên bang năm 2002, Tổng thống Bush xoay qua cái gọi là “phe trục ác ôn”. Tháng 9-2002, khi công bố Chiến lược an ninh quốc gia, chính quyền Bush đã dấn thêm một bước nữa, biến chính sách “ra tay trước” - một công cụ mà bất cứ tổng thống nào cũng dành sẵn - trở thành cốt lõi của chính sách an ninh quốc gia của mình. 

Điều này thật dễ gây hiểu lầm: Có phải chúng ta muốn có một thế giới mà trong đó bất cứ nước nào cũng cảm thấy có quyền tấn công nước khác chỉ vì nước đó có thể một ngày nào đó trở thành một đe dọa? 

Đến năm 2003, quyết định  của chính quyền Bush xâm chiếm Iraq cùng đe dọa tấn công các nước khác đã dẫn đến những hậu quả không ngờ và không vui chút nào: chưa bao giờ lại  có một ngày mà các nước lại kinh hãi Hoa Kỳ đến thế, cho dù các nước này không hề có ý định hay lý do gì để phương hại đến Hoa Kỳ!”.

Phân tích trên của cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright, đăng trên chuyên san Foreign Affairs 9, 10-2003! Mất mát đó, theo bà Albright, mới là lớn nhất, nhất là khi chính quyền Bush đang “mưu bá đồ vương” của mình. Bởi thế bà Albright mới khuyến cáo “Washington cần nhớ rằng “đồng minh” và “vệ tinh” (chư hầu) là hai chuyện hoàn toàn khác nhau”. 

Thế nhưng ông Bush tự nhìn lại hai năm qua như thế nào? Trong diễn văn FBI đọc tại Học viện cảnh sát ở Quantico (Virginia) hôm trước ngày kỷ niệm hai năm sự kiện 11-9, ông Bush đã đánh giá như sau: “Trong hai năm qua chúng ta đã tiến hành những biện pháp chưa từng thấy để bảo vệ tổ quốc. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần làm cho đất nước này”. 

Để làm cho bằng được những điều cần làm đó, ông Bush nay yêu cầu dành thêm cho ông những “công cụ” mới: “Trong khuôn khổ luật lệ hiện hành, công tác điều tra và công tố chống khủng bố gặp phải nhiều trở ngại bất hợp lý. Vì lợi ích của dân chúng Hoa Kỳ, quốc hội nên sửa đổi luật pháp. Tỉ như các biện pháp xử lý hành chính thật nhanh chóng…”. Với yêu cầu mới mẻ này, ông Bush tiến thêm một bước trên con đường sử dụng những công cụ luật pháp của thời chiến ngay giữa thời bình.

Liệu chỉ đổ thêm tiền, thêm “xử lý hành chính”… thôi sẽ dẫn đến chiến thắng chống khủng bố? Có cần làm vơi đi những bực dọc, những bất mãn của thiên hạ, những cội nguồn của chiến tranh, của khủng bố như gợi ý của bà Albright?                                             

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận