09/09/2003 15:04 GMT+7

Cần chuẩn bị để khai thác hiệu quả của tuyến đường

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

TT(Hà Nội) - Từng là tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn mở đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, nay vị tướng già Đồng Sỹ Nguyên với cương vị đặc phái viên của Thủ tướng vẫn tiếp tục gắn tâm huyết của mình vào con đường Hồ Chí Minh công nghiệp hóa. Tuổi Trẻ đã được Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã dành cho một cuộc trao đổi về đường Hồ Chí Minh.

QHtvoBNm.jpgPhóng to
Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

* Thưa trung tướng, có ý kiến nói rằng đường Hồ Chí Minh đã lại thêm một lần “huyền thoại”...

- Khi chính thức hoạt động, con đường này phối hợp quốc lộ 1 và các tuyến đường ngang (giao cắt 45 quốc lộ và gần 100 tỉnh lộ) sẽ tạo thành một mạng lưới giao thông liên hoàn, đồng bộ, ổn định, vững chắc, phá vỡ thế “độc đạo” của đường 1 hiện nay.

Khoảng 28 triệu dân thuộc 36 trên 54 cộng đồng dân tộc sinh sống dọc theo tuyến sẽ có điều kiện cải thiện đời sống. Đặc biệt cả một dải núi phía tây Tổ quốc với đa dạng tài nguyên đất, rừng, khoáng sản, thủy lợi, thủy điện... sẽ được khai thác, phát triển.

Một ý nghĩa nữa: tham gia bảo vệ Tổ quốc, củng cố quốc phòng an ninh, đó chính là đặc thù của trục xuyên Việt thứ hai này. Những bài học kinh nghiệm thời kháng chiến chống Mỹ đã minh chứng điều đó.

GAwOorEh.jpgPhóng to
Một đoạn đường HCM qua đỉnh đèo Lò Xo
* Thưa ông, tại sao kế hoạch khánh thành giai đoạn 1 đã không diễn ra đúng như dự kiến vào dịp 2-9 này?

- Thủ tướng muốn đã khánh thành là phải sử dụng toàn bộ đoạn tuyến, tránh hiện tượng vừa khánh thành lại vừa thi công (đoạn Thanh Hóa - Vinh vẫn đang trong quá trình xây dựng). Nhưng cho dù nay mai có đưa vào khai thác luôn thì cũng còn nhiều việc phải tiếp tục làm, nhất là những đoạn qua miền núi cần kiên cố hóa chống sạt lở mùa mưa lũ.

* Suốt chuyến đi thăm đường Hồ Chí Minh mới đây, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đến đâu cũng chỉ hỏi gần như duy nhất một câu: địa phương chuẩn bị những gì để có thể tận dụng ưu thế do tuyến đường đem lại? Và câu trả lời cho thấy dường như các phương án “đón đầu” vẫn còn chưa rõ nét... Ông có nghĩ như vậy?

- Nhận xét đó đúng. Đến nay gần như mới chỉ có Trung ương Đoàn triển khai bốn làng thanh niên lập nghiệp, còn tại các địa phương, người dân ra xây nhà, dựng lều quán là chính chứ khu công nghiệp mới thì chưa thấy.

Thanh Hóa làm ở Lam Kinh, Ngọc Lạc; Nghệ An thì ở Nghĩa Đàn; còn Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị chủ yếu thúc đẩy cửa khẩu (Cầu Treo, Cha Lo, Lao Bảo)... Có điều những điểm này phần lớn đều sẵn có từ trước, nay nhờ con đường mà địa phương đẩy mạnh lên chứ chưa mấy ai nêu bật vấn đề hình thành các khu công nghiệp ven đường cả.

Tổng giám đốc Ban quản lý dự ánđường Hồ Chí Minh - Hà Đình Cẩn:

Nhiều khả năng dọc tuyến đường sau khi hoàn thiện sẽ tạo thành năm cụm vùng có điều kiện phát triển thành các cơ sở kinh tế chủ đạo. Cụm Hà Tây - Hòa Bình: tiềm năng về nông nghiệp, có thể hình thành các khu công nghiệp tập trung, công nghệ cao, hạt nhân là khu vực Xuân Mai, Hòa Lạc. Cụm Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh: vùng chịu ảnh hưởng tương tác của khu vực kinh tế biển. Cụm Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam: phát triển cơ sở công nghiệp chế biến nông lâm thổ sản và hàng tiêu dùng. Cụm Kontum - Gia Lai - Đắc Lắc: tiềm năng về nông lâm nghiệp, khoáng sản, trọng tâm đặt vào đầu mối nối với quốc lộ 19 (tại Pleiku). Cụm Bình Phước - Bình Dương - TP.HCM: vùng kinh tế tổng hợp, đầu mối là Chơn Thành (quốc lộ 13). Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn 1, đường Hồ Chí Minh sẽ đóng vai trò đắc lực trong việc qui hoạch, phân bố đất trồng cây công nghiệp, điều chỉnh cơ cấu kinh tế trên một vùng đất rộng lớn phía Tây đất nước là miền Trung và Tây nguyên. Song song với việc khai thác tiềm năng phát triển sản xuất trên các vùng lãnh thổ, mở rộng thị trường giao lưu kinh tế, quá trình đô thị hóa thềm trung du, miền núi sẽ có bước chuyển nhảy vọt

* Trong lúc các địa phương có vẻ còn đang trễ nải thì hiện tượng “bám mặt đường” ở nhiều đoạn đã lại xuất hiện...

- Tôi cũng đang lo không khéo nay mai đường Hồ Chí Minh sẽ lặp lại tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn giao thông tràn lan như quốc lộ 1. Ý thức của người dân là một phần, nhưng phần quan trọng là do quản lý của ta dở.

Lẽ ra khi bắt tay mở đường, công tác này phải được triển khai chặt chẽ ngay, đằng này đợi đường xong mới bàn giao quản lý thì người dân đã “nhảy vào” trước đó lâu rồi.

(Theo Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, chiều dài đoạn tuyến bị lấn chiếm ở một số địa phương đã lên mức đáng lo ngại: Quảng Bình 400km, Quảng Nam 200km, Thanh Hóa và Nghệ An mỗi nơi 135km, Hà Tĩnh 80km - PV).

* Một số ý kiến cũng còn lo ngại những tác động tiêu cực của con đường đối với cảnh quan, môi trường, thưa ông?

- Tôi cho rằng mức độ ảnh hưởng là rất thấp. Không chỉ ở ta mà các nước cũng vậy, có con đường, môi trường sẽ tốt hơn. Anh phải phá đi năm bảy cây xanh để mở đường, nhưng với con đường mới anh lại có thể bảo vệ hàng ngàn, hàng vạn cây.

Bây giờ chỉ còn băn khoăn đoạn tuyến qua vườn quốc gia Cúc Phương. Mặc dù hầu hết ý kiến đều thống nhất phương án làm cầu cạn 1km vượt qua vùng đệm của rừng, nhưng trước khi quyết định Thủ tướng sẽ còn gặp thêm các nhà khoa học một lần nữa.

Tôi vẫn chưa thật yên tâm với qui mô con đường: với chỉ hai làn xe, trục xuyên Việt thứ hai chưa thật sự ngang tầm so với yêu cầu phát triển kinh tế của đất nước.

Theo tôi, một tuyến huyết mạch như thế ít nhất phải bốn làn xe cơ giới, hai làn xe thô sơ mới đáp ứng được. Dù sao ở những giai đoạn sau chúng ta sẽ còn nâng cấp, mở rộng dần.

* Cụ thể các bước tiếp theo sẽ triển khai thế nào, thưa ông?

- Qui hoạch toàn tuyến hiện đã hoàn tất, Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua. Dự kiến điểm đầu sẽ làm từ Pắc Bó (Cao Bằng), đi qua các tỉnh lỵ, thị trấn, thành phố của Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Phú Thọ, trước khi nối với Hòa Lạc (Hà Tây).

Ở đầu kia chúng ta sẽ nâng cấp đường 14 nối Kontum vào Chơn Thành (Bình Phước), rồi qua TP.HCM, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, Bạc Liêu và kết thúc tại đất mũi Cà Mau. Mục tiêu đến năm 2010 đường Hồ Chí Minh sẽ hoàn chỉnh hai làn ôtô suốt dọc gần 3.129km, đồng thời mở rộng mặt cắt ngang một số đoạn cục bộ, đáp ứng nhu cầu bức xúc phát triển kinh tế.

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên