04/09/2003 07:32 GMT+7

Nông dân đi tranh tài SEA Games

LAM GIANG
LAM GIANG

TT - Họ gồm 35 người, là những nông dân từ một vùng quê hẻo lánh ở thượng nguồn sông Gianh: làng Nam Sơn, xã Phong Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Suốt đời họ chưa từng dám nghĩ đến chuyện sẽ được một lần đi xem Sea Games, chứ đừng nói đến chuyện sẽ trở thành vận động viên của Sea Games. Nhưng giờ đây họ sẽ là những thành viên của đội tuyển bơi thuyền truyền thống (bơi trải) quốc gia VN (đang chờ quyết định chính thức của Ủy ban TDTT VN gọi đi tập huấn) tại SEA Games 22.

xR3J94xD.jpgPhóng to
Các vận động viên đang luyện tập trên sông Gianh
TT - Họ gồm 35 người, là những nông dân từ một vùng quê hẻo lánh ở thượng nguồn sông Gianh: làng Nam Sơn, xã Phong Hóa, huyện miền núi Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Suốt đời họ chưa từng dám nghĩ đến chuyện sẽ được một lần đi xem Sea Games, chứ đừng nói đến chuyện sẽ trở thành vận động viên của Sea Games. Nhưng giờ đây họ sẽ là những thành viên của đội tuyển bơi thuyền truyền thống (bơi trải) quốc gia VN (đang chờ quyết định chính thức của Ủy ban TDTT VN gọi đi tập huấn) tại SEA Games 22.

Dự cấp tỉnh chỉ đủ ăn no

Chuyện bắt đầu từ hội bơi trải toàn tỉnh Quảng Bình năm 2002 ở thị xã Đồng Hới, nhân kỷ niệm 45 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình - Vĩnh Linh (16-6-1957). Ban tổ chức lễ hội tỉnh không ngờ là lại có một thuyền của xã vùng cao như Phong Hóa đăng ký tham gia đua với những đội thuyền miền sông nước Đồng Hới, Lệ Thủy...

Trước khi vào đua, những thành viên của thuyền Phong Hóa nói thẳng: sẽ bỏ xa các thuyền khác khoảng 1km khi về đích! Ban đầu chẳng ai tin vào điều này. Bởi lẽ thuyền của một làng hẻo lánh ở miền núi cao, tận nơi “khỉ ho cò gáy” mà lại vượt qua được “các anh hào” vùng sông biển ư? Nhưng đúng như thuyền Phong Hóa tuyên bố, họ đã bỏ xa các thuyền khác gần 1km đường đua và giành giải nhất của tỉnh năm đó.

Đến giải đua thuyền truyền thống tiền Sea Games 22 vừa tổ chức mới đây cho các tỉnh ở phía Bắc, Sở TDTT đã cử đội thuyền Phong Hóa lên đường tham dự. Kết quả họ đã giành được hai huy chương vàng ở cự ly 1.000m, 3.000m và được đặc cách gọi vào đội tuyển đua thuyền truyền thống của VN tại Sea games 22 (cùng với đội phía Nam là Bình Thuận).

Theo ông Hoàng Văn Phi, đội trưởng đội thuyền, vốn ban đầu chỉ là ưa thích của một nhóm nông dân trong làng, thế là đầu năm 2002 họ kêu nhau góp từng đồng tiền ít ỏi kiếm được từ củ sắn, cây khoai trên nương rẫy mua ván đóng thuyền bơi... chơi, để bõ những ngày tháng triền miên khó nhọc làm ăn.

Ông Phi vốn là một thợ đóng thuyền có tiếng cho bà con vạn đò trong vùng, vì vậy khi nghe có người nói chuyện làm thuyền đua đã “máu mê” góp tiền và trở thành đội trưởng kiêm “huấn luyện viên”.

Sau bao nhiêu ngày vất vả bòn chài, vận động cả tiền nhà lẫn tiền... hàng xóm, những nông dân của làng Nam Sơn cũng có gần 20 triệu đồng để mua ván đóng thuyền bơi, làm chi phí tập luyện. Đội thuyền bơi Phong Hóa với các vận động viên cấp... làng ra đời từ đó.

“Tinh thần thể thao và màu cờ sắc áo của làng Nam Sơn đã cho bầy tui sức mạnh trên đường đua các giải cấp tỉnh, và màu cờ sắc áo của tỉnh đã cho bầy tui sức mạnh để chiến thắng trên đường đua giải cấp toàn quốc!”. Quả thật đúng như ông Phi nói. Những ngày đó họ khăn gói vào Đồng Hới dự đua với khoản tiền anh em trong đội tự góp, không đủ cho đội viên ăn ngon mà chỉ đủ cho ăn no thôi (UBND huyện có chi 500.000 đồng, đủ để họ thuê ôtô chở thuyền vào Đồng Hới).

Trên đường đua năm 2002, duy nhất chỉ đội thuyền Phong Hóa là không có ai cổ vũ, không có tổ chức nào giúp đỡ vật chất. Chỉ dám đưa thuyền và quân về Đồng Hới trước ngày bơi có năm hôm, không thể nhiều hơn vì không đủ tiền... ăn.

Sau khi đua xong họ cũng phải vội vội vàng vàng kéo nhau lên làng luôn buổi chiều vì sợ... tiêu hết tiền giải thưởng (dù chỉ đáng vài phần tiền họ bỏ ra cho cuộc đua). Cũng vì màu cờ sắc áo, nhưng với nhiệm vụ của vận động viên cấp quốc gia tại Sea games 22, nhiều thành viên trong đội thuyền cho hay bằng mọi cách phải giành cho được một tấm huy chương!

Và nói một cách văn hoa như một thành viên trong đội thuyền thì phải cho các nước biết sóng sông Gianh thượng nguồn là “ra răng” (thế nào)!

Quyết sống quyết chết mà bơi!

Lực lượng đội bơi chuẩn bị ngày lên đường tập huấn (dự kiến 15-9-2003) là một đội ngũ thanh niên trai tráng được lựa chọn kỹ càng trong toàn xã qua nhiều lần bơi chọn.

Hôm rồi lên làng Nam Sơn, anh Hải - một thành viên đội đua đang chuẩn bị xuống thuyền tập luyện trên sông Gianh, đoạn trước làng - đã cho tôi biết: “Bây chừ thì khác rồi, đợt ni mà bầy tui đi dự SEA games 22 thì vừa vinh dự cho làng, cho xã, cho tỉnh, vừa được các cấp địa phương, trung ương cấp kinh phí để có cái ăn ngon, ăn no trước khi bước vô đua giành huy chương về cho nước miềng! Nếu đội được cấp kinh phí sớm một chút nữa để luyện tập thì bầy tui khỏi còn lo chi, chỉ ra công mà bơi thôi”. Nói xong anh nháy mắt rồi cầm cây chèo nhảy ào xuống sông, leo lên thuyền.

Vật chất và sự quan tâm của địa phương, của Ủy ban TDTT quốc gia đã có và sẽ có, song ông Hoàng Văn Phi băn khoăn nhất là làm sao có được sự hiểu biết về con sông mà đội sẽ bơi trong Sea games.

Bởi theo ông, đó là vấn đề khá mấu chốt trong bơi đua, bên cạnh sức mạnh cơ bắp của vận động viên, vai trò người chỉ huy, bắt nhịp khi bơi. Một chuyến thăm dò dòng chảy, con nước ròng, nước lên của sông nơi bơi vào thời gian nào khi bơi là tối cần thiết để giành thắng lợi.

Nó sẽ tạo cho người chỉ huy sự quyết đoán đúng trong giai đoạn tăng tốc về đích bằng cách lựa dòng, lựa tuyến sông chảy, hoặc tránh được các luồng nước ngược làm lệch đường bơi và mất sức vận động viên (chính điều này đã góp phần giúp đội thuyền Phong Hóa lần đầu tiên tham dự giải đua cấp tỉnh đã giành luôn giải nhất).

Công nghệ đóng thuyền bơi của Phong Hóa cũng là một yếu tố làm nên thành công. Với tài nghệ và sự am hiểu gỗ của mình, ông Hoàng Văn Phi đã chọn loại gỗ dổi để đóng thuyền bơi, thay vì loại gỗ phao lái như các thuyền của Lệ Thủy, Quảng Ninh...

Thuyền gỗ dổi nhẹ hơn, thấm nước ít, nếu đóng có kỹ thuật và kinh nghiệm sẽ có tốc độ lướt nước rất cao. Ngoài ra theo ông Phi, bí quyết đốt thuyền sau khi đóng để làm gỗ săn chắc, nhẹ, không biến đổi thớ khi bị ngâm nước cũng làm cho thuyền có tốc độ tốt.

Loại chầm (bơi chèo) của Phong Hóa cũng là loại riêng có: loại lá tre, bản nhỏ, loại gỗ nhẹ nhất. “Bầy tui sẽ cố gắng bơi để giành được huy chương về cho VN miềng. Vinh dự lắm chú ơi, thuyền ở vùng núi như bầy tui mà được đại diện cho cả nước thì chỉ còn một cách cuối cùng là quyết sống quyết chết mà bơi cho thắng thôi. Còn kỹ thuật bơi đua thì... bầy tui không nói cho chú nghe mô, bí mật!” - ông Phi hóm hỉnh.

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên