Xe
14/03/2023 16:44 GMT+7

Xe vi phạm chất đống vì chủ xe bỏ luôn

Công an TP Thủ Đức đã chỉ ra quy trình xử lý xe vi phạm giao thông từ lúc tạm giữ cho đến khi thanh lý mất khoảng 3 năm, và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ đến đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM ngày 14-3.

Xe vi phạm chất đống vì chủ xe bỏ luôn - Ảnh 1.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND TP.HCM giám sát kho tạm giữ xe vi phạm của Công an TP Thủ Đức trưa 14-3 - Ảnh: THÁI AN

Tại buổi giám sát của Ban Pháp chế về tình hình quản lý, bảo quản và xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu trên địa bàn TP Thủ Đức, đại tá Nguyễn Hoàng Thắng, trưởng Công an TP Thủ Đức, chỉ ra sự gian nan trong quy trình xử lý xe vi phạm.

Gian nan quy trình xử lý xe vi phạm

Theo ông Thắng, đa số các xe vi phạm, niên độ từ đầu năm 2022 đến đầu năm 2023, tồn ở các điểm lưu giữ chủ yếu là xe rẻ tiền, người vi phạm bỏ xe. 

Trong khi theo quy định, cơ quan công an phải xác định chủ sở hữu, xác minh xe vi phạm đồng thời phải bảo đảm thời hiệu xử lý vi phạm hành chính là 1 năm.

Ông Thắng chỉ ra thêm: khi hết thời hạn tạm giữ mà không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp xe thì cơ quan công an phải thông báo hai lần trên các phương tiện truyền thông. Hết hạn 1 năm kể từ ngày thông báo lần hai thì ra quyết định tịch thu.

"Chúng tôi phải đề xuất về cho Công an TP, Công an TP báo ra Bộ Công an để thẩm định hồ sơ, rồi chuyển trả về. Trên cơ sở đó, Công an Thủ Đức ra quyết định tịch thu rồi chuyển cho đơn vị đấu giá. 

Theo quy trình, nếu làm nhanh cũng mất từ 2-3 năm mới xử lý xong xe vi phạm. Như vậy bao nhiêu năm mới giải phóng được lượng xe lưu giữ chừng 2.000 chiếc? Trong khi xe vi phạm tạm giữ mới khoảng 1.000 chiếc mỗi 3 tháng. Rất cần tinh giản quy trình xử lý", ông Thắng phân tích.

Báo cáo với đoàn giám sát, Công an TP Thủ Đức cho hay đã tiến hành được bốn đợt bán đấu giá xe tịch thu, nộp ngân sách hơn 3,1 tỉ đồng.

Xe vi phạm chất đống vì chủ xe bỏ luôn - Ảnh 2.

Xe vi phạm phải chịu cảnh phơi mưa nắng vì không đủ kho bãi - Ảnh: THÁI AN

Xe vi phạm quá nhiều, sợ cháy nổ

Quy trình để phát mãi, xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính chậm, dẫn đến tình trạng quá tải về kho, bãi bảo quản.

Theo báo cáo, Công an TP Thủ Đức có 7 kho tạm giữ tang vật với tổng diện tích 7.910m2 và tận dụng 4 trụ sở làm việc khác để tạm giữ tang vật các loại, vì vậy khó bảo đảm an toàn về phòng cháy.

Còn Đội quản lý thị trường số 9 (phụ trách TP Thủ Đức) cũng chỉ có 3 kho bố trí chung với trụ sở làm việc, với tổng diện tích chỉ 140m2

"Kho tạm giữ đang rất thiếu, nhất là để bảo quản tang vật là chất dễ cháy nổ, phóng xạ, đồ điện tử...", ông Nguyễn Văn Minh, đội trưởng đội này, phân tích.

Để giải quyết, ông Minh đề xuất cần rút gọn quy trình thanh lý, phát mãi. Ông cũng kiến nghị TP cần xây dựng một kho chuyên dụng dùng chung cho nhiều cơ quan đơn vị để quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.

Nhắc lại vụ cháy kho xe tang vật của Phòng cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (tọa lạc tại TP Thủ Đức) vào tháng 6-2022, bà Phạm Quỳnh Anh, trưởng Ban Pháp chế HĐND TP, cũng đề nghị các đơn vị tăng cường công tác bảo đảm an toàn phòng cháy trong quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện.

Bà Quỳnh Anh thông tin, lãnh đạo TP cũng yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan báo cáo về thực trạng quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu trên địa bàn TP để có hướng tháo gỡ, hoàn thiện. 

Đồng thời, TP cũng đã có các động thái để "gỡ" vướng pháp lý trong việc xử lý tang vật phương tiện vi phạm hành chính.

Hướng dẫn xử lý tang vật vi phạm hành chínhHướng dẫn xử lý tang vật vi phạm hành chính

Tin dịch vụ - Ngày 12-12-2012, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 215/2012/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện một số nội dung về quản l‎ý, xử l‎ý tang vật, phương tiện tịch thu xung quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên