01/02/2020 06:55 GMT+7

Vượt qua 'tử thần' SARS - Kỳ 3: Đối mặt cái chết

LAN ANH
LAN ANH

TTO - Gần một tháng hôn mê hoàn toàn, nữ điều dưỡng Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội Nguyễn Thị Mến đã kiên cường vượt qua "tử thần" SARS một cách kỳ diệu...

Vượt qua tử thần SARS - Kỳ 3: Đối mặt cái chết - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Trục, bảo vệ Bệnh viện Việt Pháp, thắp hương miếu thờ 6 bác sĩ, nhân viên y tế đã qua đời vì đại dịch SARS 2003 - Ảnh: VIỆT DŨNG

Và dù phải điều trị di chứng liệt một chân, thở khó suốt 5 năm sau khi ra viện, nhưng chị Mến "còn sống đã là rất tốt rồi". Bởi như chính chị tâm sự mình là bệnh nhân SARS phải thở máy duy nhất còn sống sót.

"Mến ơi, cố gắng về với các con"

17 năm sau trận dịch SARS kinh hoàng mà chính mình là chứng nhân đau đớn trong cuộc, nữ điều dưỡng Nguyễn Thị Mến vẫn không nguôi xúc động khi kể câu chuyện của mình với Tuổi Trẻ:

"Tôi nằm trong nhóm nhân viên y tế đầu tiên bị lây từ bệnh nhân Chen, và nằm trong nhóm bị bệnh nặng nhất. Lúc đó, tôi làm việc ở khoa sản, cùng 2 người đồng nghiệp thân thiết là Uyên và Lượng.

Khoa sản khi ấy ở tầng 2, cùng tầng khoa nội, là nơi cách ly, điều trị cho bệnh nhân SARS. Bác sĩ Phương là người trực đêm tiếp nhận bệnh nhân, còn điều dưỡng Uyên và Lượng là những người chăm sóc khi bệnh nhân bị ho nhiều nhất.

Ban đầu, chúng tôi không biết mức độ nguy hiểm của bệnh này, chỉ nghĩ là bệnh cúm, nhưng rồi thấy các triệu chứng đều rất nặng, nặng hơn nhiều so với cúm: cũng gai người, rét run, mệt lả, đau người, nhưng rét kinh khủng hơn, mệt lả hơn, còn khi sốt thì hồi ấy không có nhiệt kế điện tử, không biết chính xác là bao nhiêu độ nhưng mỗi khi đo bằng nhiệt kế thủy ngân thì luôn vọt đến tận đỉnh. Người mệt lả không thể dậy nổi, suy sụp toàn bộ cơ thể theo cách rất bất thường.

Thời điểm tôi bị lây bệnh là khoảng đầu tháng 3-2003. Tôi nhập viện ngày 5-3 và chỉ từ đó đến 8-3 thì tỉnh, còn sau đó hôn mê hoàn toàn, khi tỉnh lại thì đã là cuối tháng 3 và vài ngày sau là được ra viện. Đến bây giờ kể lại câu chuyện này, tôi vẫn cứ thấy kinh hoàng về những ngày ấy, những ngày phải đối diện với cái chết.

Tôi là bệnh nhân SARS phải thở máy còn sống duy nhất trong số những người bệnh SARS thở máy trên toàn thế giới năm đó. Những biến chứng của SARS như tổn thương dây thần kinh khiến tôi bị liệt một chân, sau khi ra viện phải hàng năm thở vẫn rất khó khăn. Tôi phải đi châm cứu và điều trị với đủ các loại thuốc suốt 5 năm sau khi mắc SARS, trong khi trước đó tôi rất khỏe mạnh.

Nhưng còn sống đã là may mắn lắm, bởi những ngày tôi hôn mê là những ngày cận kề ranh giới cái chết. Sau này có đồng nghiệp đã nói cả bệnh viện đến hàng chục người mắc bệnh, người làm việc còn lại rất ít, có lúc một đồng nghiệp phải bóp bóng hỗ trợ thở cho 2 bệnh nhân là tôi và điều dưỡng Uyên.

Có đêm khi tôi nửa tỉnh nửa mê, đồng nghiệp ngồi bóp chân, lau chùi cho tôi, họ cứ thì thầm những câu: "Mến ơi cố gắng về với các con", "phải nghĩ đến các con"...

Khi ấy, con út của tôi chưa đầy 6 tuổi. Có ngày, tôi khó thở, xuất tiết nhiều, đờm đầy cổ, mà đờm cũng có thể gây tử vong. Đồng nghiệp đã hút đờm liên tục, mỗi 5 phút một lần cho tôi trong suốt đêm. Có lúc, tôi tưởng như không thể chịu đựng được nữa thì bên tai vẫn văng vẳng tiếng đồng nghiệp: "Mến cố lên, nếu không thì công chúng tôi vứt hết". Đồng nghiệp chính là những người anh hùng!

Vượt qua tử thần SARS - Kỳ 3: Đối mặt cái chết - Ảnh 2.

Chị Mến phải ngồi xe lăn trong ngày được xuất viện vì SARS làm liệt một chân và khó thở - Ảnh: NVCC

Những người ở bên tôi

Đến bây giờ nghĩ lại vẫn có lúc tôi không thể tin được về những gì mà SARS đã gây ra. Tôi luôn băn khoăn tự hỏi vì sao nó nhanh thế, bất ngờ thế và kinh khủng thế?

Những ngày tôi hôn mê, đã có 5 đồng nghiệp của tôi qua đời mà tôi không được đưa tiễn, trong đó có 2 người bạn thân thiết là điều dưỡng Uyên và điều dưỡng Lượng.

Tôi chỉ nhớ những ngày đầu tiên khi họ vừa vào viện với tư cách bệnh nhân, họ mệt lả, ho nhiều, tình trạng xấu đi nhanh chóng... Ở bên tôi lúc ấy cũng là những đồng nghiệp. Họ có sợ lây bệnh không? Chắc chắn là có, nhưng họ đã ở lại bệnh viện để điều trị cho chúng tôi, đưa chúng tôi từ cõi chết trở về.

Ngày 2-4, chỉ vài ngày sau khi rút được nội khí quản và được tự thở, tôi được trở về nhà mình. Khi đó, về nhà là biện pháp điều trị tâm lý, để tôi nhìn thấy con mà cố gắng. Bởi về thể chất, tôi đang bị liệt một chân, thở rất khó khăn, nếu vào các phòng kín như phòng vệ sinh phải luôn luôn bật quạt để có thêm oxy.

Sau khi ra viện, bác sĩ của bệnh viện vẫn đến nhà khám và điều trị thêm cho tôi hàng năm trời. Và chính tôi cũng phải châm cứu, uống rất nhiều loại thuốc trong suốt 5 năm ròng rã sau đó để chữa bên chân bị liệt.

SARS cũng làm cho tôi bị suy giảm miễn dịch, chỉ cần hơi ra gió, hơi lạnh đã viêm họng, thậm chí trí nhớ cũng bị giảm sút.

Ngày trở về từ bệnh viện, bên tôi có các con. Con út bé bỏng bị thủy đậu chính trong những ngày mẹ nằm viện nên mẹ không chăm sóc được cho con, tôi thương lắm. Sau đó, tôi có 2 tháng đi tập phục hồi chức năng tại Tam Đảo, Vĩnh Phúc. Những ngày ấy đã hỗ trợ tôi rất nhiều, tôi thở tốt hơn, tôi tập đi bằng nạng với sự hỗ trợ của các con.

Sau này, tôi đã nhiều lần quay lại Tam Đảo như một nơi để "trở về" của cuộc đời. Rồi sau đó thì tôi đi làm lại được, ban đầu chỉ là 2 giờ một ngày, rồi đi làm nửa ngày và đi làm được cả ngày. Với một bên chân liệt, nếu tôi vận động liên tục thì đỡ đau, còn nếu ngồi lâu, tĩnh tại trong thời gian dài thì lại đau đớn lắm.

Châm cứu suốt 5 năm, toét hết cả chân nhưng tôi không khá hơn được bao nhiêu. Có những lúc tiền lương không đủ mua thuốc và châm cứu, nhưng rồi vẫn phải cố, mình vẫn còn nhìn thấy các con, thấy gia đình, thấy công việc, thấy đồng nghiệp, thấy những người xung quanh...

"Còn sống là tốt lắm rồi" - tất cả những người gặp tôi sau này đều nói như vậy. Và tôi cũng luôn nghĩ như vậy".

"Bí quyết" của Việt Nam

Thời điểm xảy ra dịch SARS 2003, ông Nguyễn Hồng Hà - nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - là người phụ trách điều trị cho bệnh nhân. Có tổng số 63 bệnh nhân SARS ở VN trong gần 2 tháng dịch, trong đó 34 người được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.

"Bí quyết thì không hẳn, chúng tôi không có bí quyết gì, chỉ điều trị triệu chứng, rồi mở rộng cửa sổ, cửa đi của buồng bệnh cho thông thoáng. Toàn bộ 34 bệnh nhân chuyển sang chỗ chúng tôi đều được điều trị khỏi, người cuối cùng được ra viện vào tháng 5-2003. Nhưng từ 18-4-2003, sau 20 ngày không có thêm bệnh nhân mới, VN đã công bố khống chế dịch SARS. VN cũng là nước đầu tiên trên thế giới công bố khống chế được dịch" - ông Hà chia sẻ.

Họ đã vượt qua nhiều dịch bệnh

Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc mở thông thoáng các cửa để không khí lưu thông chính là một trong những nguyên nhân quan trọng để virus gây bệnh SARS không lưu cữu lâu trong không khí buồng bệnh, không lây lan ra nhân viên y tế và người bệnh cùng điều trị trong bệnh viện. Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương đã tìm ra một phương pháp ngăn lây lan phù hợp và giờ đây cũng được áp dụng với dịch viêm phổi Vũ Hán ở VN.

Những ngày này, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương lại thành điểm cách ly, điều trị cho bệnh nhân mắc và nghi mắc viêm phổi Vũ Hán, họ đã vượt qua vụ dịch SARS, dịch cúm gia cầm, cúm H1N1 đại dịch... Họ là những người chữa các bệnh dịch nguy hiểm chuyên nghiệp.

Vượt qua Vượt qua 'tử thần' SARS -Kỳ 2: Trong 'tâm bão' SARS

TTO - Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona đang hoành hành, chẳng ai quên được 17 năm trước, thế giới đã phải căng mình chống chọi với căn bệnh lạ cực kỳ nguy hiểm: SARS!

LAN ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên