01/10/2003 18:01 GMT+7

Nhìn lại thơ Đồng bằng sông Cửu Long

Theo LĐ - NLĐ
Theo LĐ - NLĐ

Dù thời gian được "khoanh" lại 10 năm trở lại đây, nhưng qua "Bàn tròn thơ ĐBSCL" vừa diễn ra tại TP.Cần Thơ - do Ban Liên lạc Hội Nhà văn (HNV) Việt Nam tại ĐBSCL tổ chức - vẫn khó đưa ra một đánh giá mang tính... tổng kết.

Nhà văn Ngô Khắc Tài không tán thành khái niệm “Thơ ĐBSCL”. Theo anh, khái niệm này còn mang tính khu biệt hành chánh, phải gọi là “thơ phương Nam, thơ ca Nam Bộ” mới đúng và phải tính đến đội ngũ các cây bút tên tuổi xuất thân từ ĐBSCL nhưng nay đã chuyển đến nơi khác mới có được cái nhìn tổng quát về thơ ĐBSCL.

Tại cuộc hội thảo này, một số ý kiến cho rằng đội ngũ sáng tác thơ ĐBSCL hiện khá hùng hậu, đã có những nhà thơ (NT) tạo được "dấu ấn" như Lê Chí, Kim Ba, Nguyễn Trọng Tín..., thơ ĐBSCL xuất hiện trên báo, các tạp chí văn nghệ địa phương, số lượng tập thơ xuất bản mỗi năm cũng không ít. Tuy nhiên, vì sao công chúng rất ít... để mắt tới thơ?

NT Lê Chí - Uỷ viên Ban Chấp hành, Trưởng ban Liên lạc HNV VN tại ĐBSCL - đánh giá khái quát về thơ ĐBSCL: "Tính sáng tạo còn ít, có phần rời rạc; chất rung động và tư duy chưa được mở rộng; hiện thực còn mờ nhạt; khai thác đề tài còn khá đơn điệu; giản đơn trong cảm xúc; dễ dãi trong khai thác tứ thơ, sử dụng ngôn từ...".Còn NT Phương Nguyên (Cần Thơ) thì cho rằng ngay cả "Thơ được giải cũng có những bài hay, nhưng vẫn còn chừng mực, nhàn nhạt, không có đột biến".

NT Nguyễn Trọng tín đề nghị phải có một tờ báo văn nghệ cho cả khu vực, cùng với việc lập website văn học ĐBSCL. ...Từ bàn tròn này, cũng đã có những dự thảo để một phụ bản Báo Văn nghệ dành riêng cho khu vực ĐBSCL có thể ra đời...

Nhiều ý kiến nhận định thiếu đội ngũ lý luận phê bình thơ cũng là một nguyên nhân khiến thơ ĐBSCL có phần... rời rạc, không đến được với công chúng. NT Kim Ba (Bến Tre) nhận xét 15 năm trở lại đây thơ ĐBSCL định hình khá rõ nét với đặc điểm nổi trội là tính thuần phác gắn với cách nghĩ, cách sống của con người ở vùng đất này. Ngay thơ của các NT quê ở các vùng miền khác đến sinh sống tại vùng sông nước Cửu Long cũng dần dần mang sắc thái này. Còn theo nhà lý luận phê bình Phạm Quang Trung đến từ miền Đông Nam Bộ, thơ ĐBSCL không chỉ mang tính thuần phác, mà còn chất chứa nhiều chất suy tưởng, triết lý... Nhà thơ Hữu Thỉnh - Tổng Thư ký HNV VN - nhận xét khái quát: "So với 10 năm trước tình hình sáng tác văn học ở ĐBSCL có bước phát triển khá mạnh, cả về đội ngũ lẫn tác phẩm". Tuy nhiên, trong phạm vi "bàn tròn" của một cuộc hội thảo, rõ ràng thật khó "nhận diện" thơ ĐBSCL, nhất là khi thiếu sự thẩm định từ phía công chúng...

Theo LĐ - NLĐ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên