27/09/2003 07:18 GMT+7

Ô nhiễm dòng sông Thom

LƯ THẾ NHÃ
LƯ THẾ NHÃ

TT - Cặp hai bên bờ sông Thom - ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân, Mỏ Cày, Bến Tre - hiện có 120 máy sản xuất chỉ xơ dừa, khi đủ nguyên liệu, mỗi ngày sản xuất trên 280.000 tấn chỉ và thải ra trên 1 triệu tấn mụn dừa...

EXYsELi1.jpgPhóng to

Những bãi chứa mụn dừa sát mí bờ sông Thom

TT - Cặp hai bên bờ sông Thom - ấp Vĩnh Trị, xã Khánh Thạnh Tân, Mỏ Cày, Bến Tre - hiện có 120 máy sản xuất chỉ xơ dừa, khi đủ nguyên liệu, mỗi ngày sản xuất trên 280.000 tấn chỉ và thải ra trên 1 triệu tấn mụn dừa...

Dòng sông...mụn dừa

Ghe chúng tôi vào sông Thom từ phía sông Hàm Luông, khi đến đoạn sông thuộc xã Đa Phước Hội giáp thị trấn Mỏ Cày đã thấy nước sông lấm tấm hạt mụn dừa.

Khi qua khỏi xã Đa Phước Hội một quãng, ghe của chúng tôi đụng phải “tảng băng” mụn dừa trôi bồng bềnh theo dòng nước. Nhìn vào bờ nơi xuất phát những “tảng băng”, hầu như cơ sở sản xuất chỉ xơ dừa (SXCXD) nào cũng cặp bờ sông và bãi chứa mụn sát mí sông, khi vun cao hoặc lún chân sẽ tự lở xuống dòng nước.

Trước mắt tôi, công nhân của một cơ sở vác cần xé mụn ụp đại xuống sông dù đang là ban ngày, mụn dừa cứ thế loang dần và cuốn theo dòng chảy.

Mụn dừa gây ô nhiễm nước sông, không chỉ ảnh hưởng ăn uống, sinh hoạt của con người mà việc nuôi trồng thủy sản cũng bị thiệt hại, vì mụn dừa còn theo dòng nước chảy vào các con rạch, mương vườn, ao cá, nước chát của mụn rỉ ra làm nước ao đen ngòm, nhiều loại cá chịu không nổi đã chết.

Thủy sản ngoài sông rạch cũng giảm nhiều. Ở vùng này trước đây có miệng chài là có thể kiếm tôm cá nuôi sống gia đình được, nay phải bỏ nghề vì cá tôm còn rất ít.

Giải pháp nào khả thi?

Tiếp xúc với một số chủ cơ sở SXCXD, hầu hết đều cho việc xử lý mụn là bế tắc vì mặt bằng không đủ chứa, còn chuyển cơ sở sang nơi khác thì chi phí vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm rất cao.

Ông Lê Văn Sua, chủ tịch UBND xã Khánh Thạnh Tân, cho biết chính quyền xã, huyện và cơ quan bảo vệ môi trường tỉnh có xử phạt các cơ sở đổ mụn dừa xuống sông 1,5 triệu đồng/lần, nhưng phạt ban ngày họ đổ xuống sông vào ban đêm để giải phóng mặt bằng cho sản xuất ngày sau”.

Qua UBND xã Khánh Thạnh Tân, tôi được biết hiện làng SXCXD ở ấp Vĩnh Trị có 100 cơ sở với 120 máy sản xuất. Làng nghề này thu hút và tạo việc làm cho trên 1.500 lao động của địa phương, đã giúp xã xóa nhanh đói nghèo, nhiều hộ gia đình đã khá và giàu lên, tỉ lệ hộ nghèo của xã năm 2000 là 12% nay giảm còn 5,4%, thấp nhất huyện Mỏ Cày.

Hoạt động của các cơ sở SXCXD cũng đóng góp rất lớn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, góp phần tăng giá trị trái dừa cho nhà vườn, mang lại ngoại tệ từ xuất khẩu chỉ xơ dừa không phải nhỏ.

Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều hộ dân ở cặp hai bờ sông Thom, chính quyền không nên vì lợi ích kinh tế mà thiếu kiên quyết xử phạt bảo vệ môi trường. Tỉnh cần sớm ban hành qui chế bảo vệ môi trường về SXCXD, và trước mắt chính quyền xã, huyện nên sớm có qui hoạch một bãi đổ mụn dừa, cơ sở sản xuất phải đưa mụn đến bãi đổ để chấm dứt tình trạng ô nhiễm dòng sông Thom.

LƯ THẾ NHÃ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên