29/09/2003 15:24 GMT+7

Văn nghệ sĩ già: Cuộc đời vẫn đẹp sao!

Theo Người lao động
Theo Người lao động

Bất chấp tuổi già, nhiều văn nghệ sĩ vẫn luôn ở tư thế nhập cuộc, đồng hành với thế hệ trẻ làm đẹp cho cuộc đời và nghệ thuật. Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10), hãy nghe họ nói về ước mơ, dự định của mình

ZWA0H4zt.jpgPhóng to
Bất chấp tuổi già, nhiều văn nghệ sĩ vẫn luôn ở tư thế nhập cuộc, đồng hành với thế hệ trẻ làm đẹp cho cuộc đời và nghệ thuật. Nhân Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10), hãy nghe họ nói về ước mơ, dự định của mình

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Vẫn viết rất đều đặn

Hiện tại, tôi vẫn viết rất đều đặn, viết truyện ngắn, kịch bản phim, viết báo... Năm rồi, tôi có ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn Tạo hóa dưới trần gian và một vài kịch bản phim. Vui nhất là kịch bản Con gà trống được con trai tôi- đạo diễn Nguyễn Quang Dũng - làm thành bộ phim truyện cùng tên đã đoạt hai giải thưởng (giải khuyến khích tại Liên hoan Cánh diều vàng và Giải thưởng Văn học Nghệ thuật do UBND TPHCM trao tặng). Tôi cố gắng sinh hoạt điều độ, từ ăn uống đến làm việc, vì sự điều độ giúp cơ thể khỏe mạnh, có thể làm việc bền bỉ.

NSND Huy Thành: Chỉ còn một mối lo...

Tôi đang tập trung cho việc tìm kiếm những tác giả, kịch bản phim tài liệu, phim truyện cho năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng thành phố. Về gia đình, tôi và người vợ thân yêu vẫn khỏe mạnh, hai con gái đã trưởng thành (Sao Kim - đang là Phó Tổng Biên tập Báo Mốt, Sao Mai - đang đi du học về kinh tế tại Mỹ-PV). Tôi chỉ còn một mối lo duy nhất... Đó là mối lo cho điện ảnh TPHCM. Chúng ta phải làm sao đây để TPHCM không chỉ thành công ở phim thị trường mà còn có những bộ phim có giá trị thực sự chứ không chỉ là phim ăn khách!

GS-TS Trần Văn Khê: Muốn được hồi hương

Năm nay tôi 83 tuổi, có được tinh thần hăng hái với công việc là nhờ tôi tập cho mình thói quen làm việc khoa học, ngăn nắp. Tôi thích ghi chép, nghiên cứu, học hỏi, trao đổi để có được một trí nhớ tốt. Công việc giảng dạy và viết sách đã đem lại niềm vui cho tuổi về già. Nguyện vọng của tôi là được hồi hương để tiếp tục cống hiến những tư liệu, tài liệu về sự nghiệp nghiên cứu âm nhạc cho đất nước.

NSƯT - soạn giả Viễn Châu: Gã si tình sân khấu

80 tuổi, nhưng tôi vẫn làm việc mỗi ngày 12 giờ, đó là nhờ vào sự chăm sóc của vợ tôi. Hơn 50 năm qua, nếu không có bà thì tôi khó mà sáng tác và làm được một khối lượng công việc nhiều đến như vậy. Hiện tôi đã có ít nhất 2.000 bài vọng cổ, 70 kịch bản cải lương được viết với nhiều đề tài, nhiều thể loại. Tất cả đều được người khán giả đầu tiên ấy - vợ tôi - đọc, nghe và góp ý. Tôi là gã si tình sân khấu và luôn được vợ chiếu cố, tha thứ cho những lỗi lầm, vì trái tim nghệ sĩ đôi lúc bị các nhân vật cuốn đi mà quên mất mình đang có vợ ở bên cạnh...

NSƯT Út Bạch Lan: Rèn luyện để giữ giọng ca

Nhờ ơn tổ nghiệp và tình thương của khán giả, tôi vẫn còn gắn bó với nghề. Năm 16 tuổi, tôi đã đóng vai mẹ, đến nay thì toàn đóng vai má, bà ngoại. Để giữ được giọng ca và giữ danh hiệu “Bức trường thành vọng cổ”, tôi luôn đặt mình vào tư thế rèn luyện không ngừng. Tuổi về chiều còn có được cơ hội tham gia chương trình U50 ra quân, dẫu mình đã là U60, tôi rất hạnh phúc.

NSƯT - đạo diễn Ca Lê Hồng: Nghệ sĩ không có tuổi

Năm nay, tôi dựng thành công vở Trần Hưng Đạo cho Nhà hát Nghệ thuật Hát Bội TPHCM, đó là một niềm vui bên cạnh niềm sung sướng được đứng trên bục giảng. Đúng là cuộc sống của nghệ sĩ về chiều sẽ rất buồn, nếu không biết cách tạo niềm vui cho mình. Đối với tôi, cuộc đời vẫn đẹp khi mỗi lứa tuổi chúng ta biết cách đặt mình vào vị trí cống hiến đúng nghĩa. Có người nói nghệ sĩ không có tuổi vì chất thanh xuân sẽ mãi ở trong tim và nghị lực sáng tạo của họ. Nhiều năm qua, tôi quên mất mình bao nhiêu tuổi để hằng ngày vẫn được đứng trên bục giảng, được dàn dựng và cùng sánh bước với thế hệ trẻ.

Theo Người lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên